-
05-06-2006, 12:56 AM #1dienhoathantoc Guest
1. Các loại vườn cảnh
Nhật Bản có rất nhiều vườn cảnh nổi tiếng nhưng tất cả đều được xây dựng trong sân của các Thiền viện, trà thất và nhà ở. Đó là những nét khác lạ của vườn Nhật so với các vườn kiểu khác trên thế giới. Nhưng giá trị quan trọng nhất của vườn cảnh Nhật không phải là vị trí mà là thẩm mỹ Thiền nằm sâu trong nó. Những khu vườn này dù nhỏ, dù lớn, dù mang nhiều phong cách khác nhau nhưng đều có một đặc điểm chủ đạo là chịu ảnh hưởng của tư tưởng Thiền. Chính giá trị thẩm mỹ Thiền ẩn dấu trong từng chi tiết đã khoác lên vườn cảnh một vẻ đẹp đơn sơ mà cuốn hút khiến cả thế giới đang ra sức học hỏi vẻ đẹp đó.
Nhật Bản có lịch sử tạo vườn hơn 1300 năm. Theo ghi chép của Nihon Shoki, ngay dưới triều Thiên hoàng Suiko (592 - 626) ngôi vườn đầu tiên của Nhật đã được hình thành. Đó là vườn của Tể tướng Sagano Umako được thiết kế có "một hồ nước nhỏ đào ở sân trong, ở giữa có hòn đảo nhỏ".
Nghệ thuật làm vườn phát triển thời Nara, những loài hoa dại như cây anh đào, hoa mận, hoa đỗ quyên, cây đuôi diều hay các loại cây cỏ khác đã được đem về trong vườn để thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên của chúng. Trong tập thơ Manyoshu có rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của các hoa viên có trồng nhiều những hoa này.
Cuốn sách nổi tiếng bàn về việc thiết kế vườn cảnh do Tachibanano Toshitsumi viết vào nửa sau thế kỷ XI cho chúng ta thấy người Nhật đã phát triển được một phong cách thiết kế vườn riêng biệt. Họ bố trí ao hồ, những hòn đảo tí hon và các mô đất để tượng trưng cho biển, đảo và núi. Các hòn đảo trong một cái ao phải được đặt lệch nhau với những đường nét uốn éo trông giống như những mảng sương mù. Người Nhật tạo ranh giới giữa đất và nước bằng những hòn cuội nhỏ, tượng trưng cho một bãi biển bằng cát. Bờ biển phải luôn có vẻ hoàn chỉnh và ngay cả khi mặt nước chỉ lên xuống chút xíu.
Ngoài ra tác giả cuốn Sakuteiki còn nhắc nhiều đến nguyên lý thẩm mỹ là "nguyên lý sức căng thẩm mỹ". Nguyên lý này được tạo ra thông qua cách bố trí các hòn đá sao cho "đúng vị trí chúng cần phải có", những hòn quan trọng được đặt trước rồi hòn thứ hai, hòn thứ ba "đúng chỗ của nó"... Về sau các nhà thiết kế vườn của Nhật Bản luôn luôn tuân theo quy tắc này, đặc biệt là trong bố trí các hòn đá trên con đường nhỏ dẫn đến trà thất.
Thời kỳ quý tộc Fujiwara đã thiết kế vườn kiểu hoa viên Shindenshiki trong những dinh thất xây dựng theo kiểu kiến trúc Shindenzukuri (tẩm điện).
Vào thời Kamakura, mối giao lưu quan hệ văn hoá Nhật Bản và Trung Quốc được khôi phục. Các nhà làm vườn rất say mê ứng dụng những khuynh hướng mới nhất của Trung Quốc, trong đó có tranh Suibokuga (tranh thuỷ mạc). Dựa vào phong cách vẽ tranh, các nhà làm vườn đã cố lựa chọn các hòn đá, khối đá có hình thù đặc biệt tượng trưng cho núi non mọc lên trên một bãi cát trắng tượng trưng cho biển cả. Đó là kiểu vườn Karesansui (sản thuỷ khô).
Thời Muromachi, vườn "cảnh khô" sử dụng đá và cát trắng tạo thành rất được thịnh hành tuy vẫn sử dụng kỹ thuật Sakuteiki thời Fujiwara với thực vật, nước và đá là chủ yếu.
Tuy nhiên hai Thiền sư có ảnh hưởng rất lớn đến giới võ sĩ lúc bấy giờ đồng thời cũng nổi tiếng là những nhà thiết kế vườn tài ba là Muso và Soami đã xây dựng được kiểu hoa viên mới gọi là hoa viên Kaiyushiki (vườn dạo). Ngoài ra còn có kiểu Hirasansui (hoa viên bằng phẳng). Hai kiểu vườn này ngày càng nhỏ dần, có tính biểu tượng nhiều hơn và mang lại phong vị của tranh cảnh vật đen trắng đương thời.
Thời đại Edo cùng với sự phát triển trà đạo, hoa viên được phân chia thành ba loại đó là vườn trà Chaniwa, vườn bằng Hiraniwa và vườn cảnh tản bộ gọi là Kayusansui. Kiểu vườn Hiraniwa là kiểu vườn được thiết kế cho kiểu nhà Shoin (thư viện) phải được thưởng ngoạn từ phía trong nhà.
Mặc dù trong lịch sử Nhật Bản có rất nhiều kiểu vườn như vậy nhưng những kiểu vườn mang đậm tư tưởng Thiền nhất chỉ có loại vườn khô Karesansui và vườn trà Chaniwa.
Vừơn Karesansui
Vườn Chaniwa
2. Tính thẩm mỹ Thiền trong vườn cảnh
Có thể nói vườn Nhật Bản mang đặc trưng riêng, đó là nơi "thiên nhiên được nghệ thuật sắp xếp mang lại ý nghĩa tượng trưng". Cái vi mô trong vườn gợi lên vũ trụ vĩ mô. Một hòn đá, một gốc cây cũng đã gợi cảm. Nó không đáp ứng nhu cầu lý tính như kiểu vườn Pháp nó muốn gây cảm xúc sâu lắng. "Nó bao gồm đủ cả đất, đá, cát, nước, cỏ cây và loài vật... để người cảm thông với vũ trụ. Vườn Nhật theo mẫu vườn Trung Quốc nhưng đi sâu hơn nữa vào tính tượng trưng, tính trầm tư (Thiền). Đó là một loại hình điêu khắc trên mặt đất, tôn trọng mặt đất nguyên thuỷ". Chính vì vậy, Thiền sư thường dùng vườn để làm nơi ngồi trầm tư, thiền định.
Vườn Karesansui, mà đại diện nhất là khu vườn nằm trong chùa Ryoanji, người làm vườn dùng đá, sỏi, cát trắng để diễn tả về biển, núi và gợi lên vẻ đẹp đơn giản của Thiền. Kiểu vườn Chaniwa tiêu biểu là vườn của Thiền viện Daisen. Người thiết kế vườn chủ yếu sử dụng vật liệu đá với đủ hình dáng sù sì, góc cạnh, kích cỡ... và các loại cây bụi để diễn tả một dòng suối khô. Kiểu vườn này thoạt trông có vẻ rất phức tạp, thô kệch, tầm thường nhưng đó chính là giá trị thẩm mỹ Thiền cao nhất của khu vườn. Cả hai loại vườn này đều đòi hỏi người ngắm cảnh phải ngồi trầm tư, mặc định tập trung tư tưởng, thông qua trực giác để hiểu ý nghĩa sâu sắc hàm chứa bên trong những hình dáng đơn giản hay thô kệch kia.
Những vườn có phong cách giống vườn chùa Ryoan thường nhấn mạnh vẻ đẹp qua sự đơn giản nhưng thực chất không phải như vậy. Một lớp sỏi hoặc cát trắng được trải rộng ra toàn bộ khu vườn để diễn tả biển. Những đường lăn tăn, gợn sóng gợi lên hình ảnh những con sóng ngoài khơi. Những đường cong nhỏ, mảnh, sít lại gần nhau diễn tả mặt biển êm, ít sóng; những đường cong lớn, rộng lại gợi lên mặt biển dữ dội, đầy sóng to gió lớn. Trên một mặt phẳng nhỏ bé như vậy, người làm vườn tạo rất nhiều kiểu sóng khác nhau để tạo ra, gây cảm giác về biển cả rộng lớn. Nhật Bản là một quốc đảo, được bao bọc tứ phía là biển vì vậy hình ảnh biển đối với việc thiết kế vườn có ý nghĩa rất lớn.
Và chắc chắn do chịu ảnh hưởng bởi những suy nghĩ cảm giác về vị thế của nước mình là một hòn đảo nổi giữa biển mà việc bài trí các hòn đá để gợi lên hình ảnh các hòn đảo đá trở thành phổ biến. Những hòn đá có hình dáng sù sì, gồ ghề được sắp xếp một cách hài hoà với các độ cao thấp khác nhau nên vẻ đẹp tự nhiên của những hòn đá mọc lên một cách độc lập giữa biển. Những hòn đá này được xếp thành những nhóm ba, năm, bảy hoặc chín. Đó là những con số mà theo triết lý Phật giáo được cho là những con số may mắn. Vườn chùa Ryoaji nổi tiếng vì cách sắp xếp đá rất khéo léo tạo nên một bố cục không gian kỳ diệu của nó. Ngoài ra trên mặt biển cát trắng xoá thường nổi lên những hòn đảo Kameshima (đảo rùa) và Tsurushima (đảo hạc). Rùa và hạc là biểu tượng cho sự trường thọ, lâu dài theo triết lý Phật giáo. Loại vườn này không có cây, hoa, cỏ, nước hay bất kỳ yếu tố nào khác ngoài cát và đá nhưng nó vẫn gợi lên được hình ảnh những ốc đảo nhỏ trên mặt biển mênh mông.
Vườn kiểu Chaniwa cũng là một loại Karesansui nhưng là khu vườn nhỏ mà khách có thể tạm nghỉ ngơi khi đi tham quan. Nổi bật nhất trong vườn trà là con đường Roji. Mặc dù là con đường nhỏ chạy xuyên qua khu vườn dẫn khách từ cổng vào trà thất nhưng đóng vai trò rất quan trọng. Roji bắt nguồn từ kinh Phật, ngụ ý chỉ chốn sạch sẽ, ngăn nắp. Vì vậy các trà sư, Thiền sư phải tìm tòi, thiết kế sao cho con đường này trở thành con đường thoát tục, mang không khí Thiền. Nó trở thành vật ngăn cách trà thất với thế giới xô bồ, ồn ào bên ngoài.
Các chi tiết bên trong vườn được bố trí hài hoà trong một màu xanh bát ngát được tạo ra bởi rêu ở bên dưới đất và cây xanh ở bên trên. Vào mùa thu khi lá của một cây rụng sớm trở nên đỏ, héo rụng xuống, chúng thường được quét vun vào một gốc cây tạo nên một sự tương phản không gay gắt mà trái lại còn làm nổi bật lên cảm giác về một cuộc sống tạm thời.
Các vườn trà đều có hàng rào đan từ tre, tranh, rơm, rạ... Đơn điệu, trùng lặp là điều tối kỵ trong thẩm mỹ của người Nhật. Vì vậy, màu vàng của tre không chỉ làm cho khu vườn bớt đơn điệu còn gợi lên vẻ đẹp thanh bần của một nhà tranh được bao bọc bởi một hàng tre ở nông thôn. Toàn bộ vườn trà toát lên một vẻ đẹp gin dị hài hoà với thiên nhiên. Cây cỏ hoa lá cùng với các sự vật trong vườn cảnh nếu tách riêng ra thì có vẻ rất tầm thường nhưng dưới bàn tay sắp xếp tài tình của các nhà làm vườn Nhật Bản ở trong vườn trà chúng lại là những yếu tố gắn bó mật thiết với nhau làm tôn lên vẻ đẹp của nhau và cùng nhau nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên, dung dị, không chút phô trương, đầy giá trị thẩm mỹ quan Thiền.
Từng chi tiết, từng chi tiết cứ mỗi khi đi qua sự vật nào đó của vườn trà như cổng giữa Nakakuguchi, con đường Roji, Tsukubai, Tobiishi..., thì cảm giác khiêm nhường thoát tục của khách dường như cứ được nhân lên.
Thật vậy, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của giá trị thẩm mỹ Thiền do các trà sư, Thiền sư đem lại nên không chỉ vườn cảnh mà trà thất, nơi diễn ra tiệc trà cũng mang những yếu tố thẩm mỹ thiền sâu sắc.
Qua vẻ đẹp Thiền trong kiến trúc một số vườn cảnh Nhật Bản chúng ta hiểu thêm quan niệm về cái đẹp của người Nhật trong lối sống và thưởng thức nghệ thuật.View more random threads:
- Izakaya trong đời sống người Nhât.
- Ngày hội Hadaka Matsuri ở Nhật
- Lịch sử của Karaoke ( phần 2)
- Kimono - niềm tự hào của người Nhật
- Văn hóa giao tiếp của người Nhật trong kinh doanh
- Kiếm đạo Nhật Bản
- Trà đạo (茶道)
- Furoshiki - nghệ thuật gói quà Nhật Bản
- Trong Giao Tiếp Truyền Thống Người Nhật Rất Kín đáo,ít Cởi Mở
- Khu vườn Himeji Koko-en
-
05-06-2006, 12:58 AM #2doandu Guest
Ðề: Vẻ đẹp Thiền Trong Vườn Cảnh Nhật Bản
VÀI NÉT VỀ THẨM MỸ THIỀN CỦA NHẬT BẢN
Văn minh Trung Hoa được du nhập vào Nhật Bản bằng nhiều cách khác nhau nhưng có một kênh hết sức quan trọng đó là được chuyển tải qua lối tư duy và ý niệm Phật giáo. Phần lớn những học giả đầu tiên từ Trung Quốc, Triều Tiên đến Nhật thời Nara là những nhà tu hành.
Cùng với việc truyền bá Phật giáo, họ đã mang vào Nhật Bản nhiều ngành nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ của Trung Hoa. Còn người Nhật bằng những cảm nhận trực quan của mình đã nhận ra rằng đằng sau Phật giáo là cả bề dày của một nền văn minh đang đạt đến giai đoạn phát triển cao. Vì vậy họ đã tiếp nhận say mê, học hỏi tích cực để tạo ra những công trình có giá trị không kém gì so với người Trung Hoa.
Chính vì vậy, sau khi du nhập vào Nhật một thời gian, ảnh hưởng của Phật giáo đã lan tới tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Trong quá trình phát triển, Phật giáo đã có những cải biến để phù hợp với tập quán, tính cách của người Nhật.
Thiền chính là một trong những cải biến đó của Phật giáo. Tư tưởng chính của Thiền là chủ trương rũ bỏ tất cả những sách vở kinh viện, chỉ thông qua "trực giác" để đạt được chân lý và hiểu được bản chất của sự vật. Do sự đơn giản này nên ngay từ khi mới du nhập vào Nhật, Thiền đã nhanh chóng trở thành triết lý sống cho tầng lớp võ sĩ đương thời.
Hơn thế nữa, Thiền còn tác động tương đối mạnh mẽ đối với nhiều loại hình nghệ thuật của Nhật Bản, đặc biệt là trong ba lĩnh vực cắm hoa, trà đạo và vườn cảnh. Trong trà đạo, nhờ thẩm mỹ Thiền kiểu kiến trúc xây dựng vườn cảnh và trà thất mang phong cách Nhật đã trở thành giá trị văn hoá đặc sắc. Nhắc đến Nhật Bản người ta thường liên tưởng đến những bộ Kimono lộng lẫy, những cành hoa Ikebana khẳng khiu, những khu vườn cảnh đơn giản nhưng có sức cuốn hút kỳ lạ và những căn phòng kiểu Nhật với vẻ đẹp đơn sơ và tinh tuý.
Thiền đến Nhật vào thế kỷ thứ XII và trong suốt 800 năm lịch sử nó đã ảnh hưởng đến Nhật trên nhiều phương diện, không chỉ trong đời sống tâm linh của võ sĩ đạo mà còn trong những hình thức nghệ thuật thuộc thị giác của Nhật như hội họa Sumie, kiến trúc vườn cảnh và mỹ học Nhật nói chung.
Có sáu sắc thái lớn mà Thiền đã ảnh hưởng đến việc tạo ra tinh thần Nhật Bản nói chung và kiến trúc vườn cảnh và trà thất nói riêng đó là: sự hướng nội, chỉ thẳng, giản dị, mộc mạc, không phân biệt, hoang vắng cô liêu (vĩnh tịch). Sáu sắc thái này đã chung đúc, tạo nên tinh thần thẩm mỹ Thiền mà nó tự biểu lộ trong nghệ thuật.
Thẩm mỹ Thiền này cộng với bốn tiêu chuẩn về vẻ đẹp của người Nhật đã tạo ra vườn cảnh, những căn trà thất nổi tiếng còn lưu lại dấu ấn qua bao nhiêu thế kỷ. Bốn tiêu chuẩn về vẻ đẹp đó là sabi, wabi, sibui và ugen.
Sabi: là "han rỉ", là vẻ đẹp của sự cổ điển, của dấu ấn thời gian, của sự han rỉ không hoàn thiện cổ xưa. Đó là vẻ đẹp đen sạm của một cây cổ thụ, hòn đá phủ rêu phong trong vườn hay vẻ sờn rách, dấu vết của nhiều vết tay sờ.
Wabi: vẻ đẹp hoang vắng, cô liêu, không cầu kỳ, diêm dúa, giả tạo mà theo quan niệm của người Nhật có nghĩa là phàm tục, là vẻ đẹp thường ngày, sự tự kiềm chế một cách thông minh, vẻ đẹp của sự đơn giản.
Nếu vẻ đẹp Sabi thể hiện mối liên hệ giữa nghệ thuật và thiên nhiên thì vẻ đẹp Wabi là cầu nối giữa thiên nhiên và cuộc sống hàng ngày. Wabi và Sabi dần dần theo thời gian đã mang một nghĩa thông dụng và trở thành vẻ đẹp Sibui
Sibui: là vẻ đẹp không hoàn thiện ban đầu kết hợp với sự kiềm chế tĩnh tại, là vẻ đẹp tự nhận cộng với vẻ đẹp khoáng đạt, là vẻ đẹp phù hợp với chức năng của một vật và vật liệu tạo ra nó.
Ugen: là vẻ đẹp của điều chưa nói hết nằm sâu trong sự vật mà không phô ra ngoài, nó chỉ có thể được cảm nhận bởi những người có óc thẩm mỹ hay sự bình thản về nội tâm. Vẻ đẹp Ugen được thể hiện cao nhất qua bài thơ bằng đá và cát dưới cái tên "Vườn triết học" do nghệ nhân Soami tạo ra ở Thiền viện Ryoanji tại Kyoto cách đây 400 năm.
Tính nghệ thuật tinh tế của các tướng quân, đặc biệt là các tướng quân Ashikaga và các Thiền sư thời ấy đã để lại dấu ấn lâu dài trong khiếu thẩm mỹ của người Nhật Bản.
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á
Các Chủ đề tương tự
-
Đơn vị chuyên bán Tivi Xiaomi A Pro 43 inch tin cậy nhất hiện nay
Bởi rubydangyeu trong diễn đàn Mua bán rao vặt tổng hợpTrả lời: 0Bài viết cuối: 22-01-2024, 03:34 PM -
Chia sẻ những ý tưởng thực hiện event Trung thu cho các bạn nhỏ
Bởi Vietlink trong diễn đàn Mua bán rao vặt tổng hợpTrả lời: 0Bài viết cuối: 17-04-2018, 08:58 PM -
Những điều cấm kỵ khi thưởng thức món ăn sushi nhật bản
Bởi anhduongtours trong diễn đàn Mua bán rao vặt tổng hợpTrả lời: 0Bài viết cuối: 08-02-2018, 03:28 PM -
Chính sách bán hàng Chung cư HC Golden City được áp dụng như sau
Bởi datxanhmb81 trong diễn đàn Mua bán rao vặt tổng hợpTrả lời: 0Bài viết cuối: 26-01-2018, 02:17 PM -
Chú ý khi giới thiệu hay được giới thiệu
Bởi giangminhtam trong diễn đàn VIỆC LÀM - LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI NHẬTTrả lời: 0Bài viết cuối: 10-05-2008, 08:02 PM
Khu đô thị Gold Coast Vũng Tàu được phát triển bởi Tập đoàn Eco Pearl City an ninh tuyệt đối sinh nhiều lợi phức hợp hiện đại. Biệt thự Gold Coast Vũng Tàu an ninh tuyệt đối dân trí cao diện tích...
Shophouse Gold Coast Vũng Tàu...