Kết quả 1 đến 2 của 2
  1. #1
    1989dung Guest
    Theo thần thoại Nhật Bản trong Cổ Sự Ký (Kojiki) viết vào đầu thế kỷ thứ 8, thuở ban sơ, vũ trụ chưa có hình thù. Có tới tám trăm vạn thần linh, sống ở trên Cánh Ðồng Trời, từ đó nhìn xuống chỉ thấy bóng tối, sương mù và nước. Hai vị thần trong tuổi thanh xuân là chàng Izanagi và nàng Izanami nhận nhiệm vụ làm cho mặt đất đi theo đời sống mà sinh sôi nẩy nở. Họ bước qua Thiên Phù Kiều là chiếc cầu nối trời và đất, quậy sóng cho kết đọng lại mà thành đảo Onogoro và xuống đó, đây là sáng tạo đầu tiên của họ. Họ bắt tay dựng trụ trời và xây nhà trên quê hương mới.

    Rồi hai vị thần trẻ quên mình là thần linh, sống như con người, kết hôn với nhau sinh "con" đầy đàn là những đảo khác tạo thành quần đảo Nhật Bản ngày nay. Rồi Izanagi sinh ra thần Mặt Trời (Amaterasu) là nữ thần nhan sắc và ánh sáng (tượng trưng cho phụ nữ Nhật) từ mắt trái, thần Mặt Trăng (Tsukiyomi) từ mắt phải và thần Bão (Susanoo) từ mũi của mình.

    Sau đó, nữ thần Mặt Trời phái cháu trai của mình là Ninigi giáng thế, chinh phục vùng Izumo. Ninigi gặp và lấy con gái xinh đẹp của thần Oyamatsumi sinh ra hai con trai là Hoderi và Hoori. Hoori sau lấy công chúa Thủy Cung Toyotama sinh được một con trai. Người con trai này lấy em gái của Toyotama sinh ra bốn hoàng tử, họ chinh phục xứ Yamato. Sau khi các anh chết, hoàng tử út lên ngôi xưng là Thiên Hoàng Jinmu, đó là vị vua đầu tiên trong 125 đời vua của dòng họ Nhật Hoàng trị vì cho tới ngày nay.

    Hiện vẫn chưa có cơ sở khoa học chắc chắn về xuất xứ và thời gian xuất hiện những cư dân đầu tiên trên quần đảo Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết các học giả đều cho rằng họ đã có mặt tại quần đảo từ xa xưa và định cư liên tục từ đó cho đến thời nay. Những phát hiện trong nghiên cứu cổ vật, xương... đã củng cố thêm sự nghi ngờ đối với thuyết trước kia cho rằng người Nhật là con cháu của những người xâm chiếm đến sau “thổ dân” Ainu và đã đẩy bộ tộc này ra khỏi quần đảo. Ngày nay, người ta tin rằng tổ tiên của người Nhật là những người đã làm nên đồ gốm mang tên Jomon. Những người này được biết là đã có mặt trên quần đảo ít nhất từ năm 5000 TCN, sau đó theo thời gian, pha trộn với các giống người khác, phát triển qua lịch sử thành dân tộc Nhật Bản ngày nay.

    Ngôn ngữ và phong tục của người Nhật gồm những thành tố văn hoá của cả phương Bắc lẫn phương Nam. Dưới góc độ sử dụng và cú pháp, rõ ràng tiếng Nhật thuộc hệ thống ngôn ngữ Antai của các dân tộc phía Bắc lục địa châu Á, song trong từ vựng lại có nhiều từ gốc từ phía Nam. Trong các tập quán và tín ngưỡng, ta thấy các lễ nghi gắn với văn hoá trồng lúa nước vốn có nguồn gốc ở phía Nam; còn huyền thoại lập nước bởi vị thần - ông tổ của nòi giống - từ thiên đường xuống hạ giới thì có nguồn gốc ở phía Bắc. Vì vậy, người ta cho rằng dân cư ở đây có xuất xứ từ cả phương Bắc lẫn phương Nam đến quần đảo Nhật Bản từ thời tiền sử và qua một quá trình hoà trộn các chủng tộc dần dần tạo ra dân tộc Nhật Bản.

    Những năm gần đây, các cuộc khai quật di tích khảo cổ ở nhiều khu vực khác nhau trên khắp đất nước cho thấy khả năng tồn tại của một nền văn hoá tiền đồ đất nung ở Nhật Bản trước văn hoá Jomon, có thể là thời đại đồ đá cũ.

    Khảo sát các di chỉ thời kì đồ đá mới cho thấy văn hoá Jomon tồn tại từ khoảng năm 5000 TCN đến năm 200 TCN vốn là thời kì du mục săn bắt và hái lượm, sau đó là văn hoá Yayoi tồn tại từ khoảng năm 200 TCN đến năm 200, có thể đã được khởi đầu bằng một đợt di cư của cư dân từ lục địa đến và họ mang theo nền văn hoá định cư và trồng trọt. Vào khoảng cuối thế kỷ III đến cuối thế kỷ VI, nổi lên nền văn hoá được gọi là văn hoá Kofun (mộ cổ) do có đặc tính xây lăng bằng đất đồ sộ cho những người có vai vế trong các bộ lạc.

    Từ cuối thời văn hoá Yayoi đến thời văn hoá Kofun là thời kì thực sự hình thành đất nước Nhật Bản. Văn bản ghi chép của Trung Quốc thời đó giúp ta có thêm thông tin về thời kì này, chẳng hạn, phần nói về nhà nước Yamatai và nữ hoàng Himiko có trong tư liệu "Về dân tộc Hoà" trong "Lịch sử thời nhà Vệ" của Trung Quốc.

    Các thời kỳ lịch sử

    Thời Tiền đồ đất nung (Thời đại đồ đá cũ): 15000 năm đến 5000 năm TCN
    Sống du mục săn bắt và hái lượm

    Thời đồ gốm Jomon: 5000 năm đến 200 năm TCN

    Thời đồ gốm Yayoi: 200 năm TCN đến năm 200
    Chuyển sang trồng lúa và hình thành việc định cư. Phát triển các vương quốc độc lập nhỏ. Vào cuối thời kì, có xu hướng đi đến thống nhất.

    Thời văn hoá Kofun: Cuối thế kỷ III đến cuối thế kỷ VI
    Vương quốc Yamato thiết lập sự thống trị trên quá nửa phía Tây quần đảo Nhật Bản, kể cả phía Nam của Triều Tiên. Sau này, việc kiểm soát phía Nam Triều Tiên bị suy yếu, và sự tranh ngôi trong gia đình Nhật hoàng đã đe doạ quyền lực của Yamato. Đạo Phật và đạo Khổng được du nhập.

    Thời Asuka: Cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ VIII
    Hoàng tử Shotoku phục hồi quyền lực của vương quốc Yamato. Các cố gắng đầu tiên để tạo nên hiến pháp và một hệ thống giai cấp chính thức. Shotoku quảng bá cho đạo Phật. Một số chùa Phật giáo được xây dựng. Gia đình Soga trở nên rất có quyền lực, tuy nhiên sau này đã bị Fujiwara-no-Kamatari dưới quyền hoàng tử Naka-no-Oe lật đổ. Cải cách Taika theo những ý tưởng trước đây của hoàng tử Shotoku. Chấm dứt sự cai trị của người Nhật Bản ở Triều Tiên. Tinh thần của cải cách Taika được thể hiện trong bộ luật gọi là Ritsuryo dưới thời Temmu, sau này được cải tiến dưới thời Mommu, cháu nội của ông ta.

    Thời Nara: Đầu thế kỷ VIII đến cuối thế kỷ VIII
    Nara trở thành thủ đô, bộ luật Ritsuryo được hoàn thành. Nhật hoàng có uy quyền lớn. Văn hoá thời nhà Đường của người Trung Hoa được du nhập vào. Đạo Phật hưng thịnh. Hai cuốn lịch sử dân tộc Kojiki và Nihon Shoki cũng như Man’yoshu, một tuyển tập các bài thơ Nhật Bản, được biên soạn. Nền văn hoá đạt tới mức cao nhờ việc trộn lẫn các yếu tố Trung Hoa và Nhật Bản. Đúc được các đồng tiền bằng bạc và đồng đỏ. Một số chùa gỗ trong đó có chùa Todaji và kho báu hoàng gia Shosoin được xây dựng.

    Thời Heian

    Đầu Heian: Cuối thế kỷ VIII đến cuối thế kỷ IX
    Nhà nước chuyển tới thủ đô mới Heian-Kyo (Kyoto). Thành lập các giáo phái Phật giáo mới đã Nhật Bản hoá (là Tendai và Shingon - chủ yếu hội nhập những yếu tố tiến bộ). Hệ thống các điều luật Ritsuryo được sửa đổi. Lối viết thơ văn theo kiểu Trung Hoa rất hưng thịnh ở triều đình. Dòng họ Fujiwara nắm quyền hành đằng sau ngai vàng.

    Giữa Heian: Cuối thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XI
    Với sự gia tăng quyền lực của dòng họ Fujiwara, việc cai quản chính quyền bằng quan nhiếp chính trở thành luật lệ. Triều đình mất quyền kiểm soát đất nước mà chỉ còn nắm vai trò nghi thức đơn thuần. Phúc lợi công cộng bị coi nhẹ. Người đứng đầu các tỉnh trở nên tham nhũng và lười nhác. Chủ nhân của các khu trang ấp (shoen) thành lập các nhóm võ sĩ để tự vệ, tạo ra sự mở đầu của hệ thống samurai (cận vệ có vũ trang). Thơ ca Nhật Bản phát triển vững chắc, đặc biệt là waka (thể thơ 31 âm tiết). Kokinshu và các tuyển tập waka khác được biên soạn. Những tác phẩm viết khác gồm có tiểu thuyết đầu tiên của thế giới, cuốn Genji Monogatari do một mệnh phụ triều đình viết, cuốn Ise Monogatari, Tosa Nikki và Makura-no-Soshi.

    Cuối Heian: Cuối thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XII
    Bắt đầu một thế kỷ các Nhật hoàng đi tu nhưng vẫn cai quản công việc triều chính. Triều đình suy đồi, dần biến thành một nhà không có thực quyền, quan liêu xa rời thực tế, không chăm lo đến các phúc lợi công cộng mà chỉ bận tâm tới việc xây dựng chùa chiền và truyền bá tư tưởng Phật giáo. Tầng lớp quý tộc trong triều đình suy đồi và vô dụng. Giáo phái Phật giáo Jodo (Tịnh Thổ) phát triển. Quyền lực của các phe cánh địa phương với nền tảng là hệ thống samurai tăng lên. Dẫn đầu trong số họ là các gia đình Minamoto (Genji) và Taira (Heike hoặc Heishi). Các chùa chiền cũng duy trì lực lượng tự vệ. Những cuộc tranh giành quyền lực trong hoàng tộc và các yếu tố khác cuối cùng đã đem lại uy thế cho gia đình Taira, nhưng sau một phần tư thế kỷ nắm quyền, rốt cuộc Taira lại bị Minamoto đánh bại.

    Thời Kamakura: Cuối thế kỷ XII đến cuối thế kỷ XIV
    Minamoto-no-Yoritomo bổ nhiệm Seii-Taishogun (Chinh di đại tướng quân). Thành lập Mạc Phủ hay chế độ shogun đầu tiên ở Kamakura. Phát triển nông nghiệp nhờ sử dụng súc vật kéo. Thu hoạch vụ mùa nửa năm một lần. Bổ nhiệm chức vụ shugo và jito. Giáo phái Phật giáo Jodo phát triển. Giáo phái Zen du nhập vào từ Trung Quốc. Sau cái chết của Yoritomo, gia đình Hojo trở thành các quan nhiếp chính trong chế độ shogun. Dòng dõi Minamoto chẳng bao lâu kết thúc, nhưng gia đình Hojo vẫn tiếp tục làm các quan nhiếp chính, kiểm soát cả các Nhật hoàng lẫn các shogun. Giáo phái Phật giáo Nichiren (hoặc Hokke) phát triển. Heike Monogatari được viết. Samurai ngày càng trở nên có nhiều quyền lực ở các vùng trang ấp. Vào giai đoạn cuối của thời kỳ này, Nhật hoàng Godaigo nhanh chóng khôi phục lại luật lệ hoàng gia nhưng thất bại trong việc đạt được quyền kiểm soát thích đáng và bị lật đổ bởi người trước đó đã từng giúp ông là chiến binh Ashikaga Takauji - người đã đưa Komyo lên ngai vàng. Godaigo bỏ trốn và lập ra một triều đình ở Yoshino kình địch với triều đình Komyo ở Kyoto. Hai triều đình phía Bắc và phía Nam sau đó tiếp tục tồn tại trong 57 năm.

    Thời Muromachi: Đầu thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XV
    Chế độ shogun Ashikaga (hoặc Muromachi) bắt đầu bằng việc triều đình phía Bắc phong cho Ashikaga Takauji tước hiệu Seii-Taishogun. Tổng hành dinh được thành lập tại Muromachi ở Kyoto. Với việc hai triều đình phía Bắc và phía Nam hợp nhất lại vào năm 1392, chế độ tướng quân này cuối cùng hoàn toàn được thừa nhận. Samurai dù sao vẫn tiếp tục làm xói mòn quyền lực của giai cấp quý tộc tại các thái ấp (shoen). Chính quyền shogun bổ nhiệm một số người giữ chức shugo như đã có từ thời chính quyền shogun Kamakura. Tuy nhiên, những người này không phải là tuỳ tùng của Ashikaga, họ hành động vì lợi ích của chính họ, phát triển thành các thủ lĩnh shugo-daimyo của samurai địa phương với quyền hành riêng. Uy quyền của chế độ shogun không ngừng bị giảm sút do ảnh hưởng bởi sự yếu kém của triều đình. Tuy vậy, các môn nghệ thuật như cắm hoa, trà đạo v.v... lại phát triển. Các môn Kịch Nô, Kyogen v.v... phát triển đến độ chín mùi. Phát triển nghệ thuật vẽ tranh mực Tàu và tranh nhiều màu sắc rực rỡ theo trường phái Kano. Kết thúc thời kỳ này là cuộc chiến tranh Onin. Sau đó chế độ shogun hầu như mất toàn bộ quyền kiểm soát, dẫn đến thời kỳ của các cuộc nội chiến. Mặc dù vậy, thời kỳ này đã chứng kiến sự phát triển của nghề cá, khai thác mỏ, buôn bán v.v... Các thị trấn phát triển xung quanh các thành trì, đền chùa và bến cảng v.v...

    Thời Azuchi-Momoyama: Cuối thế kỷ XV đến hết thế kỷ XVI

    Thời kỳ của các cuộc nội chiến. Quyền lực dần dần chuyển từ trên xuống dưới: Shogun > dòng họ Hosokawa (cấp dưới của shogun) > dòng họ Miyoshi (cấp dưới của Hosokawa) > dòng họ Matsunaga (cấp dưới của Miyoshi). Quyền lực của shugo-daimyo tăng lên, thay thế tầng lớp quý tộc cũ kiểm soát các thái ấp. Họ cố thủ trong các khu vực của mình và tìm cách mở rộng quyền lực. Việc này cuối cùng dẫn tới một xu hướng thống nhất quốc gia dưới một người lãnh đạo có quyền lực cao nhất. Trong thời kỳ này, những người châu Âu đầu tiên đã đến Nhật Bản, mang theo súng ống và Cơ đốc giáo. Việc buôn bán với nước ngoài bắt đầu. Oda Nobunaga trục xuất viên shogun Ashikaga cuối cùng và thành công trong việc thống nhất một khu vực quan trọng của đất nước. Sau khi ông chết do bị phản bội, công việc của ông được người tuỳ tùng trung thành tên là Toyotomi Hideyoshi hoàn thành. Đạo Cơ đốc và việc buôn bán với nước ngoài phát triển mạnh mẽ dưới thời Nobunaga và vào đầu thời Hideyoshi, nhưng cuối cùng Hideyoshi nghi ngờ những tham vọng về đất đai của người châu Âu và đã ra lệnh trục xuất những người truyền giáo. Việc buôn bán vẫn tiếp tục. Hideyoshi phái quân đội xâm chiếm Triều Tiên. Cuộc viễn chinh thất bại. Trường phái hội hoạ Kano và trà đạo phát triển tới đỉnh điểm. Sau khi Hideyoshi chết, quyền lực bị Tokugawa leyasu thâu tóm.

    Thời Edo

    Đầu Edo: Đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII
    Tokugawa bổ nhiệm shogun thông qua Nhật hoàng (cả Nobunaga lẫn Hideyoshi đều không cố gắng trở thành shogun mà chỉ duy trì quyền lực qua các vị trí chính thức tại triều đình). Các daimyo chống đối gia đình Tokugawa đều bị chuyển tới các thái ấp ở những vùng xa trung tâm và bị ép phải dùng phần lớn của cải của họ để làm đường và các dự án khác, bị buộc phải luân phiên di chuyển hàng năm giữa Edo và thái ấp của mình, để lại gia đình làm con tin lâu dài ở Edo. Các thái ấp được những người tuỳ tùng của shogun cai quản, tuy nhiên quyền lực ở đây rất lớn. Thành lập bộ luật hợp pháp cho các gia đình quý tộc, tạo điều kiện cho chế độ shogun kiểm soát triều đình và hoàng đế. Hệ thống 4 đẳng cấp (1. võ sĩ, 2. nông dân, 3. thợ thủ công, 4. nhà buôn) được thừa nhận, cùng với việc hôn nhân giới hạn trong những người ở cùng một đẳng cấp. Ở từng đẳng cấp, mối quan hệ chủ - tớ phong kiến được thiết lập. Chế độ shogun Tokugawa được thiết lập vững chắc trên hệ thống này và được biết tới dưới tên gọi bakuhan (Kết hợp shogun và chủ thái ấp). Buôn bán và đạo Cơ đốc một lần nữa lại phát triển thịnh vượng trong thời gian ngắn, tuy nhiên, cũng như Hideyoshi, Ieyasu cuối cùng đã nhìn thấy nguy cơ của đạo Cơ đốc và bắt đầu những biện pháp đàn áp với mức độ ngày càng tăng. Tới thời kỳ của shogun Tokugawa thì việc cấm đạo Cơ đốc và buôn bán hầu như đã hoàn thành. Những người Nhật Bản tin vào đạo Cơ đốc bị hành hình. Các thương gia, trừ người Hà Lan và người Trung Hoa, đều bị cấm tới Nhật Bản, và người Hà Lan bị hạn chế chỉ cho phép đến một hòn đảo nhỏ ở cảng Nagasaki. Quyền lực của chế độ shogun được củng cố, việc cai trị tập trung, công nghiệp và nghề thủ công phát triển mạnh mẽ, giao thông được cải thiện, đem lại sự thịnh vượng cho buôn bán và thương mại nội địa. Các thị trấn mọc lên ngày càng nhiều và rất hưng thịnh, đặc biệt là các đô thị quanh cung điện. Giới thương gia trở nên giàu có, và từ tầng lớp này xuất hiện những hình thức nghệ thuật mới, bao gồm thơ haiku (Matsuo Basho), thể loại tiểu thuyết (Ihara Saikaku), kịch rối (Chikamatsu Monzaemon), các bản in tranh khắc gỗ ukiyoe v.v... Kịch Kabuki được dàn dựng lần đầu tiên ở Kyoto vào đầu thời kỳ này, sau đó hạn chế chỉ dành cho diễn viên nam, bắt đầu được diễn ở Edo và Osaka vào cuối thể kỷ XVII.

    Giữa Edo: Đầu thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX
    Hệ thống bakuhan không ngừng suy yếu do sự tập trung của cải vào tay giới thương gia. Chế độ shogun gặp phải những khó khăn tài chính, samurai và nông dân rơi vào cảnh nghèo khó. Đã có các nỗ lực nhằm cải cách chế độ shogun, nhưng do vẫn duy trì chính sách thả lỏng việc tư nhân kinh doanh nên tình trạng suy vong ngày càng nặng nề. Nạn đói kém và thảm hoạ thiên nhiên, cộng thêm sưu cao thuế nặng (đối với lúa gạo) mà chế độ shogun và daimyo bắt người dân gánh vác đã biến những người nông dân và các tầng lớp dân thường khác thành nghèo khổ. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân xuất hiện. Trong lĩnh vực văn hoá, chứng kiến sự nở rộ cuối cùng của nền văn hoá Edo. Các truyện ngắn theo xu hướng phóng đãng, truyện tình lịch sử, nghệ thuật đóng kịch Kabuki, các loại tranh và bản in gỗ gồm "nishiki-e" (bản in tranh nhiều màu) được phát triển. Giáo dục được truyền bá vào tầng lớp thương gia và thậm chí cả những nông dân tại "terakoya". Phát triển các trường "kokugaku" (Quốc học), một xu hướng giáo dục thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa và trở lại các truyền thống quốc gia. “Rangaku" (Hà Lan học) - việc nghiên cứu các tác phẩm khoa học khác nhau du nhập từ phương Tây qua các thương nhân Hà Lan như địa lý, y học, thiên văn, vật lý, hoá học v.v... cũng dần dần được phát triển.

    Cuối Edo: Đầu thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XIX
    Suốt thời kỳ đầu Edo, những người nước ngoài đủ loại đã đặt chân lên đất Nhật Bản, nhưng tiếp theo chuyến viếng thăm của thuyền trưởng Perry năm 1853 nhân danh Tổng thống Mỹ đòi hỏi mở cửa đất nước để buôn bán, các lực lượng trong và ngoài Nhật Bản đã dần dần ép nhà nước phải từ bỏ chính sách bế quan toả cảng. Chế độ Shogun quyết định buôn bán với các dân tộc khác. Mặc dù xung đột quyền lực giữa shogun và các lực lượng hoàng gia đã đem lại thắng lợi cho những người ủng hộ Nhật hoàng - những người đã công khai chống đối chính sách này - nhưng sau khi shogun sụp đổ, họ đã ủng chính sách buôn bán với nước ngoài và việc đổi mới đất nước.

    Thời Minh Trị

    Đầu Minh Trị: Cuối thế kỷ XIX
    Các thái ấp phong kiến bị bãi bỏ và thay thế bằng hệ thống quản lý hành chính theo cấp tỉnh. Các đẳng cấp trong xã hội phong kiến bị huỷ bỏ. Quân đội quốc gia và việc tuyển quân, chế độ thuế mới, hệ thống tiền tệ theo hệ thập phân, mạng lưới đường sắt, cùng các hệ thống thư tín, điện thoại, điện báo được thiết lập. Công nghiệp hiện đại được khởi đầu với các nhà máy do nhà nước xây dựng và điều hành, sau này được chuyển sang sở hữu tư nhân. Việc cải cách gặp phải sự chống đối đáng kể nhưng đều bị dẹp yên. Quan hệ buôn bán với Triều Tiên và Trung Quốc được thiết lập. Nhà nước đã nỗ lực hết sức để sửa đổi những hiệp ước không công bằng đã được ký kết với các nước phương Tây. Đạo Phật và Thần đạo, sau thời gian dài hợp nhất, đã chính thức tách ra. Thần đạo được lấy làm nền tảng tư tưởng cho điều lệ của hoàng gia. Việc cấm đạo Cơ đốc được huỷ bỏ. Các trường học mới, theo phong cách phương Tây, được lập nên ở khắp nơi, không phân biệt đẳng cấp, tài sản hay giới tính. Các lý tưởng về tự do, chủ nghĩa xã hội, bình đẳng v.v... cũng du nhập vào từ phương Tây và khá hưng thịnh trong một thời gian ngắn. Việc ăn mặc và nhiều vấn đề khác trong đời sống hàng ngày chịu ảnh hưởng của phương Tây. Việc kêu gọi thành lập một chính phủ lập hiến dẫn tới sự ra đời của Nghị viện quốc gia và việc ban hành hiến pháp. Nghị viện tuy nhiên chỉ có ít quyền lực thực tế. Năm 1894, hiệp ước bất bình đẳng với Anh quốc trong buôn bán được sửa đổi và các hiệp ước với những quốc gia khác cũng sửa đổi theo cho phù hợp. Chiến tranh Trung - Nhật nổ ra. Sau thắng lợi của Nhật, Nga, Đức và Pháp ép Nhật phải từ bỏ một số lãnh thổ đã chiếm đóng, tạo ra mâu thuẫn lâu dài và sâu sắc giữa Nhật và các nước Nga, Đức và Pháp. Liên minh Nhật - Anh hình thành. Chiến tranh Nga - Nhật bùng nổ.

    Cuối Minh Trị: Đầu thế kỷ XX
    Trong giai đoạn đầu, cuộc cách mạng công nghiệp ở Nhật Bản chủ yếu tập trung vào công nghiệp nhẹ. Tuy nhiên, ở giai đoạn thứ hai, việc xây dựng công nghiệp nặng đã được tăng cường, tập trung trước hết vào công nghiệp sắt thép (đặc biệt với sự sẵn có của nguồn quặng sắt và than Mãn Châu sau khi Nhật giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật). Các con tàu lớn, cơ động và các thiết bị đường sắt khác v.v.. được sản xuất trong nước.

    Thời Taisho: Đầu thế kỷ XX
    Thời kỳ này chứng kiến cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Cuộc chiến tranh này đã thúc đẩy kinh tế và buôn bán của Nhật Bản phát triển. Nhật Bản đồng thời cũng chiếm được đất đai ở Trung Hoa và Nam Thái Bình Dương, nhưng lại làm cho các quốc gia phương Tây ngờ vực. Nhật Bản đầu tư vốn vào Trung Hoa. Trong chiến tranh, các cuộc thương lượng ngoại giao quốc tế được tiến hành để cố gắng duy trì sự cân bằng quyền lực. Ở Nhật Bản, các đảng phái chính trị trở nên mạnh hơn và các lý tưởng dân chủ chiếm ưu thế. Sau cùng, dù sao, sự khủng hoảng của nền kinh tế hậu chiến trên thế giới đã ảnh hưởng bất lợi tới các nhà kinh doanh Nhật Bản, đồng thời trận động đất Kanto dữ dội vào năm 1923 đã làm cho nền kinh tế thêm khó khăn. Tình trạng thất nghiệp, đồng lương sụt giảm và tranh chấp việc làm luôn xảy ra. Phong trào xã hội chủ nghĩa chiếm ưu thế.

    Thời Showa

    Đầu Showa: Đầu thế kỷ XX đến giữa thế kỷ XX
    Suy thoái kinh tế và bế tắc ngoại giao. Xuất khẩu giảm sút. Phá sản xảy ra thường xuyên, nhiều người thất nghiệp. Chính sách kiềm chế của Mỹ đối với Nhật Bản gia tăng. Hiệp định Ishii-Lansing, thừa nhận quyền lợi đặc biệt của Nhật Bản ở Trung Hoa, đã chấm dứt. Các dự thảo luật chống người nhập cư Nhật Bản ra đời và phong trào trục xuất người Nhật Bản ở Trung Hoa lan rộng. Nội các không thể đối phó được vì các nhà chính trị và các Zaibatsu đã chiếm độc quyền, bị thu hút bởi các lợi ích tài chính, mà quên mất quyền lợi quốc gia và sự đau khổ của nhân dân. Rắc rối lên đến đỉnh điểm ở cánh hữu gây ra những vụ ám sát và các hoạt động quân sự, dẫn tới chính sách mở rộng xâm lược ở Trung Hoa, rút khỏi Hội Quốc liên và chủ nghĩa bành trướng của những người theo chủ nghĩa quân phiệt cánh hữu gia tăng. Sau này họ đã liên kết với chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã. Do vậy Nhật Bản đã gây ra chiến tranh Thái Bình Dương.

    Cuối Showa: Giữa thế kỷ XX
    Thất bại trong chiến tranh và sự sụp đổ của chủ nghĩa quân phiệt làm cho Nhật Bản bị chiếm đóng. Tiến hành các cải cách dân chủ, xây dựng lại nền công nghiệp bị tàn phá. Hiệp ước San Francisco có hiệu lực. Đạt được các kỳ tích về kinh tế và đời sống của nhân dân được nâng cao. Nhật Bản lại đóng vai trò quốc tế như một quốc gia thương mại và dần dần trở thành nước có tiềm lực kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Xảy ra vụ bê bối Lockheed, chính trường xáo trộn, đồng yên tăng giá và buôn bán thặng dư trở thành một vấn đề quốc tế. Đã diễn ra những sự kiện trọng đại trong đời sống kinh tế, xã hội Nhật Bản: Khai trương mạng lưới tàu Shinkansen (Tokaido, San’yo, Tohoku, Kan’etsu), chia tách và tư hữu hoá đường sắt quốc gia, mở đường hầm Seikan, khai trương cầu Seto Ohashi, vụ bê bối Recruit.

    Thời Heisei: Cuối thế kỷ XX
    Chiến tranh vùng Vịnh, hoạt động chính trị bị hỗn loạn, vụ bê bối Sagawa Kyubin. Hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hiệp quốc được triển khai. Lực lượng phòng vệ được cử đến Campuchia và Môdămbích. Xảy ra trận động đất Hanshin-Awaji. Bắt đầu thời kì trì trệ.

    Gia đình Nhật

    Gia đình truyền thống Nhật Bản là một hình mẫu gia trưởng với nhiều thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà và mối quan hệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng huyết thống rất mật thiết. Mỗi thành viên trong gia đình, tuỳ theo tuổi tác và giới tính, có một địa vị nhất định, cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ gia đình.

    Tuy vậy, từ Chiến tranh thế giới thứ hai đã có những thay đổi lớn. Dòng người rời bỏ nông thôn ra thành phố đã làm cho mô hình gia đình lớn tan rã, thay thế bằng gia đình hạt nhân và các ngôi nhà nhỏ được xây dựng ngày một nhiều.

    Hầu hết các cặp vợ chồng trẻ Nhật Bản hiện nay có một hoặc hai con, sống trong các căn hộ không được thoải mái lắm về diện tích. Sau khi kết hôn, phần lớn họ ra ở riêng. Trung bình muốn có một mái ấm của riêng mình, họ phải bỏ ra số tiền từ 3 đến 5 tỷ đồng Việt Nam. Chính vì vậy mà nhiều cặp vợ chồng trẻ sống trong các căn hộ cho thuê, hoặc nhà của công ty. Theo thống kê năm 2000, tỷ lệ có nhà riêng là 61,3%, và số tiền để dành trung bình là gần 10 triệu yên (khoảng 1,2 tỷ đồng Việt Nam). Tỷ lệ có 3 thế hệ trong một gia đình là 15%. Số nhà có phòng riêng cho trẻ con: 76%. Số người thuộc tầng lớp trung lưu: 88,5%.

    Tỷ lệ phụ nữ đi làm việc ở Nhật Bản ngày càng tăng. Tuy vậy, đa số họ đều nghỉ việc sau khi kết hôn hoặc sinh con. Họ thường đảm nhiệm các công việc của gia đình, không cần phải thuê người giúp việc. Các bà vợ thường nắm hầu bao gia đình và quyết định khoản tiền tiêu vặt hàng tháng của chồng. Vậy nhưng cả vợ lẫn chồng thường có tài khoản bí mật để chi tiêu vào việc riêng của mình.
    Những người đi làm việc ở công ty thường đi làm về rất muộn hoặc đi nhậu với bạn bè, đồng nghiệp vào buổi tối. Vì vậy, cảnh người chồng không cùng ăn tối với gia đình là điều rất bình thường. Những ông bố Nhật Bản có rất ít thời gian cho con cái và gia đình. Do phải đi làm xa, họ thường rời nhà khi con chưa thức dậy, và trở về khi chúng đã đi ngủ. Nhân viên các công ty còn thường có những chuyến công tác dài ngày, hoặc thuyên chuyển công việc trong và ngoài Nhật Bản. Do việc học hành của con cái, hay trông nom bố mẹ già mà không ít người phải chấp nhận sống độc thân xa gia đình trong thời gian dài.

    Vì lý do này hay lý do khác, ngày càng nhiều thanh niên Nhật chọn cách sống một mình, và sự lựa chọn đó đang dần hình thành tương lai của xã hội Nhật Bản. Hiện có tới 25% nam và 16% nữ thanh niên xứ Phù Tang ở độ tuổi 30 quyết định sống độc thân và không sinh con. Niềm đam mê của một bộ phận người trẻ tuổi thành đạt Nhật Bản giờ đây là thức ăn ngon, rượu và công việc. Xu hướng này ngày càng gia tăng trong một đất nước mà hôn nhân và gia đình vốn là giá trị truyền thống lâu đời.

    Động đất và Núi lửa

    Do quần đảo Nhật Bản nằm phía trên hai vùng địa chất thường xuyên tương tác là vành đai núi lửa Thái Bình Dương và khu vực địa chấn vành đai Thái Bình Dương nên lớp vỏ địa chấn phía dưới không bền vững khiến cho Nhật Bản có nhiều trận động đất hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Hiện nay tại Nhật Bản có khoảng 80 núi lửa đang hoạt động. Nhiều ngọn núi lửa đang được theo dõi sát sao để tránh hiểm hoạ, rủi ro. Đỉnh Phú Sĩ nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ cũng là ngọn núi lửa đang hoạt động có khả năng phun trào và đang được kiểm soát. Những trận động đất đi kèm với hoạt động của núi lửa thường rất nhẹ ở mức con người không cảm nhận được, hoặc là những chấn động vừa và nhỏ không gây hại cho con người, nhưng là dấu hiệu quan trọng nói lên hoạt động của núi lửa.

    Hàng năm chỉ riêng ở khu vực Tokyo xảy ra từ 40 đến 50 trận động đất mà con người có thể cảm nhận được, trong khi trung bình trên toàn quốc cứ 2 năm lại có một trận động đất mạnh gây tổn thất. Trên cả nước và các vùng lân cận hàng năm có khoảng 7.500 chấn động địa chấn, bao gồm cả những chấn động chỉ đo được bằng các phương tiện tinh vi nhất. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1.500 lần con người có thể cảm nhận được.

    Hiện nay ở Nhật Bản đã có Luật Tiêu chuẩn xây dựng qui định tiêu chuẩn chống động đất trong xây dựng dân dụng để phòng tránh tác hại cho con người. Nhà cửa được thiết kế để chịu được các trận động đất lớn, tuy nhiên điều này không đủ để kiềm chế phản ứng của người dân trong trường hợp có động đất xảy ra bất thường tại thành phố. Việc nghiên cứu dự báo động đất bắt đầu vào nửa cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX nhằm mục đích dự báo động đất ở đất liền trên mức 7 độ địa chấn và ở biển trên mức 8 độ địa chấn.

    Khí hậu

    Các dòng biển đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà nhiệt độ và khí hậu vùng duyên hải. Chính nhờ ảnh hưởng của các dòng biển mà khí hậu Nhật Bản tương đối ôn hoà. Bên cạnh bốn mùa mang những đặc điểm riêng, còn có mùa mưa đầu hè ảnh hưởng đến nhiều vùng và mùa bão bắt đầu từ hè nhưng tập trung vào mùa thu. Ngay từ thời xa xưa, nếp sống của người Nhật Bản đã gắn bó khăng khít với những biến động thời tiết này.

    Dù có chung hình thái khí hậu như vậy, nhưng do quần đảo trải dài từ Bắc đến Nam lại có nhiều dãy núi nên khí hậu từng mùa ở mỗi vùng một khác. Một số vùng tương đối ấm ngay cả trong mùa đông. Vào tháng Giêng, nhiệt độ trung bình ở Okinawa là 160C. Trong khi đó, các vùng khác lại tương đối mát ngay cả mùa hè, chẳng hạn như Abashiri ở Hokkaido, nhiệt độ trung bình trong tháng 8 là 19,10C.

    Nằm giữa lục địa Âu-Á và Thái Bình Dương, Nhật Bản nằm trên đường di chuyển của vùng khí áp thấp nên mưa bão thường xuyên xảy ra. Vì tất cả các yếu tố đó mà tỉ lệ thiên tai cao so với hầu hết các nước khác. Ngoài ra, các yếu tố xã hội cũng gây tác động và đặc biệt là khuếch đại ảnh hưởng của thiên tai. Với mật độ dân số cao, mỗi tấc đất đều bị con người sử dụng để xây dựng đô thị, nhà máy, khu dân cư, đường giao thông và đường sắt hoặc để canh tác. Hầu như mọi yếu tố về môi trường tự nhiên đều tiềm ẩn khả năng gây hại.

    Dân cư

    Hầu hết dân cư Nhật Bản sống ở những vùng đồng bằng nhỏ ven biển. Mật độ dân cư cao nhất tại các vùng đồng bằng duyên hải phía Thái Bình Dương. Tất cả những vùng này đều được công nghiệp hoá cao độ và có các chuỗi đô thị lớn. Năm 1920, khoảng 19% dân số Nhật Bản sống ở thành thị và trừ giai đoạn cuối của thời kỳ chiến tranh, con số này đã liên tục tăng lên tới tỷ lệ 78,1% vào năm 1995. Dân số tiếp tục tập trung ở một vài thành phố chủ yếu, đặc biệt ở các vùng đô thị của Tokyo, Osaka và Nagoya, với 43,6% dân số toàn quốc.

    Nhiều thành phố ở Nhật Bản đã hình thành như các đô thị vây quanh thành quách vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Chúng được bố trí theo mô hình lý tưởng của quy hoạch thời bấy giờ. Một số khác được hình thành từ cuối thế kỷ XIX với các tuyến đường sắt và các khu thương mại mọc lên xung quanh ga xe lửa. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các tỉnh lỵ đều bị tàn phá, nước Nhật sau chiến tranh đã có cơ hội vô cùng tốt để thực hiện việc quy hoạch đô thị và xây dựng lại các thành phố theo một hệ thống mới. Thế nhưng trên thực tế chỉ có vài thành phố, đáng chú ý là Nagoya, đã được xây dựng lại theo phương pháp hoàn toàn mới dựa theo một bản quy hoạch tổng thể. Bộ mặt các đô thị nhìn chung đơn điệu. Các khối nhà bê tông cốt thép với nhiều nhà cao tầng đang mọc lên như nấm, bên cạnh nhiều ngôi nhà truyền thống bằng gỗ một hoặc hai tầng.

    Địa hình

    Nhật Bản là một quần đảo với trên 3.000 đảo được tạo thành từ các ngọn núi cao nổi lên từ một dãy núi nằm sâu dưới biển Thái Bình Dương, phía ngoài lục địa châu Á. Toàn bộ diện tích của Nhật Bản là 377.829 km2, tương đương với diện tích của Đức, Phần Lan hay Việt Nam. Honshu là đảo lớn nhất, chiếm 61% diện tích lãnh thổ quốc gia. Đảo lớn thứ hai là Hokkaido, thứ ba là Kyushu, thứ tư là Shikoku và thứ năm là Okinawa. Khoảng 80% diện tích Nhật Bản là vùng núi trong khi các vùng bình nguyên thường nhỏ và hẹp. Các cánh đồng được canh tác chiếm 12,3%, diện tích đất trồng cây ăn quả chiếm 1,1% và đất trồng cỏ chiếm 0,2% diện tích quốc gia. Ngược lại, rừng bao phủ tới 66,5% tổng diện tích đất.

    Bờ biển Nhật Bản rất đa dạng và lồi lõm rõ rệt với vô số vịnh và bán đảo, nhưng cũng có những bãi biển dài hàng chục kilômét. Các dòng biển lạnh chảy xuống từ hướng Bắc gặp các dòng biển nóng chảy ngược lên từ phía Nam tại các vùng biển quanh quần đảo Nhật Bản, tạo thành vùng nước hoà trộn giữa các dòng biển. Tại khu vực dòng xoáy này, các chất phù sa không lắng xuống đáy đại dương, các loài sinh vật phù du phát triển và cá nhỏ sinh sôi tạo môi trường lý tưởng cho các loài cá sống ở cả các vùng nước lạnh và nước nóng. Một số loài chính bao gồm cá ngừ, cá thu, mực, cá mòi, cá cốc, cá trích và cá hồi. Sự đa dạng của các loài hải sản nước lạnh và nước nóng là một điều lý giải cho việc Nhật Bản là một trong những nước đánh bắt cá lớn nhất trên thế giới.

    Khoa học kỹ thuật

    Sẽ không quá lời khi nói Nhật Bản là một cường quốc khoa học - kỹ thuật. Trình độ khoa học - kỹ thuật của Nhật Bản, theo đánh giá tổng hợp của Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản chỉ thua kém Mỹ nhưng vượt Đức, Anh, Pháp. Sản phẩm công nghiệp dựa trên kỹ thuật cao của Nhật Bản có mặt trên khắp thế giới. Số lượng bằng phát minh sáng chế của các công ty Nhật Bản không ngừng tăng và không ít nhà khoa học Nhật Bản đã đoạt giải Nobel.

    Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn bị coi là cường quốc khoa học - kỹ thuật “vô định” vì thiếu một chiến lược phát triển tổng thể. Những thành tựu khoa học - kỹ thuật chưa được tận dụng hiệu quả, mối gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp yếu và việc chuyển giao tri thức, công nghệ chậm chạp.
    Nguyên nhân cản trở phát triển khoa học - kỹ thuật không chỉ dừng lại ở việc thiếu một chiến lược và chính sách linh hoạt với mục tiêu cụ thể, mà còn nằm ở phong cách quản lý khoa học không theo kịp với những thay đổi quốc tế. Người Nhật thường tránh cách đánh giá thẳng thừng mà coi trọng quan hệ trên dưới, quen biết, dẫn đến môi trường hạn chế những sáng tạo của các nhà khoa học trẻ. Cơ chế quản lý cứng nhắc dẫn đến nhân tài không được đánh giá đúng mức và làm xuất hiện hiện tượng chảy máu chất xám sang những nước có môi trường nghiên cứu ưu việt hơn, điển hình là Mỹ.

    Việc thiếu quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản cũng dẫn đến hậu quả là Nhật Bản không có được những phát minh khoa học lớn làm tiền đề cho những nghiên cứu trong tương lai. Việc tập trung vốn đầu tư vào nghiên cứu các lĩnh vực “ít rủi ro” đã làm cho Nhật Bản bỏ lỡ nhiều cơ hội đưa Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong những ngành khoa học mũi nhọn. Kết quả là Nhật Bản xếp hạng cao trong công nghệ vật liệu và năng lượng, đặc biệt trong công nghệ siêu nhỏ, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, nhưng lại tụt hậu trong công nghệ sinh học và công nghệ thông tin – những lĩnh vực hiện đang mang lại những thay đổi hết sức to lớn. Ngay cả trong những lĩnh vực Nhật Bản từng chiếm ưu thế như công nghệ siêu nhỏ, sức cạnh tranh của Nhật Bản cũng đã yếu đi rõ ràng sau nhiều năm không được đầu tư đúng mức.

    Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã nhận thức rõ khoa học - kỹ thuật là yếu tố cơ bản tạo nên tính cạnh tranh quốc tế và là nền tảng để chuyển đổi sang xã hội tri thức. Chính phủ đã đề ra kế hoạch cơ bản phát triển khoa học - kỹ thuật với mục đích không chỉ đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có tính cạnh tranh kinh tế cao và phát triển bền vững, mà còn là quốc gia có thể đóng góp cho thế giới thông qua sáng tạo và áp dụng tri thức.

    Nghiên cứu khoa học

    Tỷ lệ số nhà nghiên cứu khoa học - kỹ thuật tại các trường đại học Nhật Bản so với tổng lực lượng nghiên cứu khoa học cao hơn hẳn các nước tiên tiến khác. Ngược lại, số lượng các phát minh khoa học của các trường đại học được áp dụng tạo ra sản phẩm xã hội lại rất hạn chế. Vì vậy, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khai thác hiệu quả hơn nguồn lực chất xám quan trọng này.

    Ngân sách bổ sung đã được rót xuống các trường đại học quốc lập để xây dựng cơ sở hạ tầng và trang bị lại thiết bị nghiên cứu, giải quyết tình trạng xuống cấp và quá tải tồn tại nhiều năm. Nguồn vốn hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu cũng được tăng cường. Tuổi về hưu của giáo sư đại học tại các trường quốc lập được kéo dài từ 60 lên 65 tuổi. Cơ chế hạch toán độc lập được áp dụng, cho phép trường đại học quốc lập có quyền tự do nhận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ các cơ sở tư nhân thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu và tự quyết định cách sử dụng ngân sách. Quan hệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp được khuyến khích. Các trung tâm hỗ trợ đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cũng như thành lập doanh nghiệp được hình thành. Những chính sách này cùng với nhiều chính sách trong chương trình cải cách giáo dục bậc đại học đang mang lại bộ mặt mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật tại các trường đại học Nhật Bản.

    (Sưu tầm)

  2. #2
    ncvinh Guest
    Ðề: Nguồn gốc dân tộc Nhật Bản

    Nếu có ai đó ngại đọc bài trên thì có thể tham khảo ở đây nhé:

    Nguồn gốc dân tộc Nhật Bản - Version 0.0 ^^!

    Một người Nhật đi tìm tổ tiên của mình. Anh đi khắp thế giới tìm nhưng vô vọng. Cuối cùng anh đến ga xứ Huế ở Việt Nam. Anh nghe người ta nói chuyện: - Mi đi ga chi? - Tau đi ga ni. - Ga ni ga chi? - Ga chi như ri? - Ga như ri mi lo ra đi. - Tau đi nghe mi! Anh mừng rỡ reo lên " Đây chính là tổ tiên của người Nhật"

    ^^! :cuoi::cuoi::cuoi:

Các Chủ đề tương tự

  1. Câu hỏi về nguồn gốc người Nhật
    Bởi trong diễn đàn LỊCH SỬ NHẬT BẢN
    Trả lời: 4
    Bài viết cuối: 15-11-2016, 06:40 PM
  2. Cần tìm nguồn hàng máy ảnh ống kính hư cũ ở nhật bản
    Bởi friv1000new trong diễn đàn MUA SẮM - TIÊU DÙNG TẠI NHẬT
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 16-12-2015, 06:04 PM
  3. Tinh thần võ sĩ đạo - nguồn gốc thành công của Nhật Bản
    Bởi JackTran87 trong diễn đàn LỊCH SỬ NHẬT BẢN
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 31-08-2011, 01:45 AM
  4. Đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật Bản
    Bởi duhoc trong diễn đàn QUAN HỆ VIỆT - NHẬT
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 07-07-2005, 07:08 PM
  5. Nhật Bản giúp đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao
    Bởi sunjc13 trong diễn đàn QUAN HỆ VIỆT - NHẬT
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 22-06-2005, 10:25 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •