Trần Văn Thọ
GS Đại học Waseda, Nhật Bản
Năm 1853 hạm đội của Đô đốc Perry (Mỹ) đến bến cảng Uraga đòi chính quyền Mạc Phủ Tokugawa mở của giao thương. Đến năm 1858, Nhật phải ký các hiệp ước bất bình đẳng với Mỹ và một số nước Tây phương khác. Mười năm tiếp theo đó là giai đọan cực kỳ rối ren. Nhật đứng truớc nguy cơ có khả năng trở thành thuộc địa của Âu Mỹ trong tình hình nội chiến bùng phát vì các phiên trấn ở phía Nam tập họp lực lượng để đánh đổ chế độ tướng quân Tokugawa, giành lại thực quyền cho thiên hòang. Trước nguy cơ ngoại xâm, lãnh đạo Nhật ở cả hai phe đã khôn khéo không để cho cuộc nội chiến kéo dài và tránh được cuộc đổ máu ở quy mô lớn. Chính quyền Minh Trị thiên hòang ra đời năm 1868, trọng dụng người tài của chế độ cũ và ra sức tiến hành cận đại hóa để theo kịp các nước phương Tây. Một trong những nỗ lực để khởi động công cuộc hiện đại hóa là dịch và phổ biến các sách kinh điển phương Tây, các sách giúp xây dựng chế độ pháp quyền, chế độ kinh tế tiên tiến và xây dựng lối sống văn minh. Qua những trang dưới đây ta sẽ thấy một phần nỗ lực phi thường và sự phấn đấu gian khổ của người Nhật trong nỗ lực tiếp nhận văn minh phương Tây qua dịch thuật.
Dịch thuật và cầu học trước sự tồn vong của quốc gia:
Công cuộc dịch thuật đã bắt đầu từ thập niên 1850, dưới thời Tokugawa. Do nhu cầu phải thuơng lượng với Mỹ, phải tìm hiểu công pháp quốc tế, Tokugawa lập ra Trường học tập phương Tây (Yogakko) năm 1855 để đào tạo cán bộ ngoại giao và thông dịch viên. Lúc đầu trí thức và quan chức Nhật đổ xô đến Nagasaki, thành phố duy nhất mở cửa giao lưu với Hà Lan trong thời thực hiện chính sách bế quan toả cảng của Tokugawa, để thu thập thông tin và sách báo Âu Mỹ. Sau đó trong các phái đoàn gửi sang Mỹ và Âu châu, các thành viên lo săn tìm sách quý và cố mang về Nhật thật nhiều. Từ năm 1863 Yogakko bắt đầu dịch các sách về thiên văn, địa lý, vật lý, hóa học, kinh tế, luật và thống kê. Năm 1868, chính quyền Minh Trị kế thừa và phát triển truờng nầy, các thức giả bên ngoài chính phủ cũng nao nức học tập phương Tây, từ đó công cuộc dịch thuật bước vào giai đọan triển khai mạnh mẽ.
Trong những năm cuối Mạc Phủ và đầu Minh Trị, bốn cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt nhất là Tây dương sự tình (phát hành và tái bản trong thời gian từ 1866-1870) của Fukuzawa Yukichi, gồm các phần dịch Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp của Mỹ và các bài viết của tác giả sau chuyến đi khảo sát các nước phương tây; Vạn quốc công pháp (phát hành năm 1865 và năm 1870) do Nishi Amane và sau đó là Shigeno Yasutsugu dịch cuốn Elements of International Law (1836) của Henry Wheaton; Tây quốc lập chí biên (1870-71) của Nakamura Keiu dịch cuốn Self Help của Samuel Smiles (bản phát hành năm 1859); Dữ địa chí lược (xuất bản năm 1870) của Uchida Masao, dịch từ các sách về địa lý của các tác giả người Anh và Hà Lan. Đặc biệt Vạn quốc công pháp trở thành sách gối đầu giừơng của giới trí thức, quan chức và lãnh đạo chính trị.
Mười lăm năm đầu thởi Minh Trị có trên 1.500 cuốn sách xuất bản ở Âu Mỹ đã được dịch ra tiếng Nhật. Dân số của Nhật lúc đó chỉ hơn 30 triệu, điều kiện dịch thuật khó khăn (thiếu tự điển, thiếu người giỏi ngoại ngữ, tư tưởng, khái niệm hoàn toàn mới lạ, v.v.), mà mỗi năm dịch hơn 100 cuốn sách nước ngoài trong đó không ít thuộc loại kinh điển thì đúng là phi thường. Trong các thập niên 1870 và 1880, Tự do chi lý (phát hành năm 1872) dịch từ cuốn On Liberty (1859) của John Stuart Mill, Xã hội bình quyền luận (phát hành trong các năm 1881-84) dịch từ cuốn Social Statics (1851) của Herbert Spencer là những sách dịch bán ra với số lượng hàng trăm ngàn cuốn.
Lãnh đạo các giới của Nhật hồi đó tiếp xúc với văn minh phương Tây thấy cái gì cũng mới lạ, dị chất đối với văn hóa của mình. Đồng thời họ cũng thấy ngay được rằng nền văn minh mới và xa lạ đó chính là nguồn gốc của sức mạnh kinh tế, quân sự của các nước Âu Mỹ, những nước đương dùng sức mạnh đó đi xâm chiếm những nước yếu. Từ nhận định đó Nhật thấy rằng phải nhanh chóng tiếp thu văn minh phương Tây để canh tân đất nước mới tránh được thảm họa mất nước. Do đó phong trào dịch và phổ biến các sách hay của phương Tây lan rộng rất nhanh.
Việc dịch sách nước ngoài để nâng cao trình độ văn hóa của nước mình, để hấp thu những thành quả khoa học, kỹ thuật của nước khác không phải là chuyện mới đối với nhiều nước, nhất là giữa những nước tiên tiến. Nhật trước đó cũng đã dịch nhiều sách về lịch sử, văn học của Trung Quốc. Nhưng kinh nghiệm của Nhật trong nửa sau thế kỷ 19 rất độc đáo: Thực hiện trên quy mô cả nước, thực hiện trong khẩn trương, trong điều kiện khó khăn và nhất là dịch những sách đến từ một nền văn hóa hòan tòan khác mình. Có thể nói Nhật đã lập một kỳ tích và nhờ đó đã khởi động được quá trình cận đại hóa.
Những đặc trưng nhiều ấn tượng:
Thử điểm qua tình hình dịch thuật và sự đón nhận của quần chúng Nhật truớc làn gió mới từ phương Tây tới.
Thứ nhất, các dịch giả phải phấn đấu, vất vả không những chỉ để hiểu chính xác nội dung nguyên tác mà khó khăn không kém là tìm ra khái niệm thích hợp bằng tiếng Nhật. Fukuzawa Yukichi khi dịch câu “all men are created equal” trong Tuyên ngôn độc lập của Thomas Jefferson đã lúng túng với từ equal. Lúc đó chưa có từ bình đẳng, ông phải dịch ý là “con người trời sinh ra ai cũng cùng đi một con đường”. Ảnh hưởng tư tưởng nầy, ông đã nói một câu nổi tiếng (câu đầu tiên viết trong cuốn Gakumon no susume -Khuyến học): “Trời không sinh ra con người ở trên con nguời và không sinh ra con nguời ở dưới con người”. Một thí dụ khác, Nakamura Masanao khi dịch On Liberty của J.S. Mill, gặp từ society ông ta chỉ hiểu ý và hiểu không chính xác nên dịch là “nakama-uchi” hoặc “nakama-doshi” (có nghĩa là “tập hợp những người có quan hệ gần gũi”) và ghi chú thêm đó là “chính phủ”. Mãi đến năm 1878 ở Nhật mới có từ “xã hội” để dịch “society”.
Thứ hai, trong việc dịch thuật, người Nhật đã làm việc khẩn truơng nhưng với thái độ nghiêm túc, cầu thị. Nhiều bản dịch được thực hiện từng phần và hoàn thành qua nhiều năm. Chẳng hạn cuốn Traites de legislation civile et penale của Jeremy Bentham phải dịch nhiều kỳ (tuần tự xuất bản với các tiêu đề Lập pháp luận cương, Dân pháp luận cương và Hình pháp luận cương) bắt đầu từ năm 1876 đến năm 1879 mới hoàn thành. Cuốn Quốc phú luận (An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations) của Adam Smith được dịch một phần vào năm 1870 đến năm 1884 mới bắt đầu được dịch lại và hoàn tất vào năm 1888. Nhiều trường hợp khi phát hiện bản dịch cũ chưa chính xác, hoặc phần giải thuyết, phụ chú chưa đầy đủ, người đi sau lại thực hiện bản dịch mới. Thời kỳ cuối Tokugawa và đầu Minh Trị, do nhu cầu cấp bách, Nhật phải dịch ngay những sách cần thiết trong điều kiện hạn hẹp (thiếu tự điển, thiếu chuyên gia ngoại ngữ). Sau đó trong điều kiện tốt hơn, người sau lại thực hiện bản dịch tốt hơn. Cũng có trường hợp, nhất là về sau nầy khi kinh tế đã phát triển, đối với những cuốn sách kinh điển, nhiều bản dịch được thực hiện đồng thời bởi nhiều dịch giả khác nhau. Dựa theo tư liệu chưa đầy đủ ta cũng thấy cuốn On Liberty của Mill đã được dịch ít nhất là 8 lần qua các năm 1871, 1895, 1914, 1925, 1946, 1947, 1967 và 1971.
Thứ ba, tinh thần cầu học rất mạnh và lan ra cả xã hội nên sách dịch được phổ biến rộng. Vì vậy mà số lượng phát hành rất lớn, nhiều cuốn sách dịch tuy nội dung khó, văn dịch càng khó hiểu, mà lượng phát hành lên tới trên dưới 1% dân số. Đặc biệt giới lãnh đạo chính trị và quan chức là những người đi tiên phong trong việc học tập tư tưởng mới để xây dựng nước. Chuyện kể rằng Sakamoto Ryoma (1835-1867), một chí sĩ có công trong cuộc vận động thay chế độ tướng quân Mạc Phủ bằng chính quyền Minh Trị, đã nói với người bạn đồng hương lâu ngày mới gặp lại rằng “vũ khí quan trọng của thời đại bây giờ không phải là thanh gươm cây kiếm, cũng không phải là súng ống mà là cái nầy đây” (ông rút trong túi ra đưa cho bạn xem cuốn Vạn quốc công pháp vừa được dịch và phát hành năm 1865). Itagaki Taisuke (1836-1919), người lãnh đạo cuộc vận động tự do dân quyền thời Minh Trị, đã xem cuốn Xã hội bình quyền luận là giáo khoa thư về dân quyền, không những ông đã gối đầu giừơng cuốn sách mà còn cổ vũ nhiều người khác đọc. Nhà hoạt động chính trị Mutsu Munemitsu (1844-1897) bị bắt năm 1878 vì bị tình nghi có hoạt động chống chính phủ, ở trong tù ông đã dịch cuốn An Introduction to the Principles of Moral Legislation của Jeremy Bentham và sau khi ra tù đã xuất bản cuốn sách dịch đó (năm 1883). Thời đó dù chính kiến khác nhau, những người yêu nước ai cũng lo tìm cách cận đại hoá đất nước, tìm cách thương lượng thắng lợi với các cường quốc để bãi bỏ các hiệp ước bất bình đẳng. Mutsu đã dịch cuốn sách của Bentham với hy vọng có thêm tri thức về công pháp quốc tế để chuẩn bị thương lượng với phương Tây về các hiệp ước bất bình đẳng.
Thứ tư, việc chọn sách dịch hầu như không bị hạn chế về mặt tư tưởng hay ý thức hệ nào. Tất cả các sách thuộc loại kinh điển, gói ghém trí tuệ của nhân loại, và sách giúp ích trực tiếp cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế hiện đại và lối sống văn minh đều được đón nhận. Chỉ trong giai đoạn giới quân phiệt lãnh đạo chính quyền với việc ban hành Luật duy trì an ninh năm 1925 (kéo dài đến năm 1945), một số sách không phù hợp với chính sách đối nội và đối ngoại của họ mới bị cấm đoán. Cuốn Tư bản luận của Karl Marx cũng được dịch và xuất bản năm 1919. So với các sách kinh điển khác, việc dịch và phổ biến Tư bản luận có thể nói là khá trễ. Có lẽ có hai lý do giải thích hiện tượng nầy. Một là, nội dung cuốn sách chưa phù hợp với nhu cầu cận đại hoá của Nhật thời Minh Trị. Thời đó giai cấp tư bản chưa thành hình, chưa có sự phân biệt rõ giữa hai giai cấp lao động và tư bản. Thứ hai, trình độ lý luận và khái quát của cuốn sách quá cao, trong nửa sau thế kỷ 19, Nhật chưa có nhiều người có thể dịch chính xác, trong lúc đó nhu cầu dịch những sách khác cao hơn.
Vài lời kết:
Điểm lại vài nét về tình hình dịch thuật của Nhật vào nửa sau thế kỷ 19 ta có thể hiểu được nguyên nhân thành công của công cuộc hiện đại hoá, của chiến lược theo kịp phương Tây của họ. Ngày nay ai cũng thấy sự quan trọng của tri thức trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Nhật đã khôn khéo hấp thu tri thức và các tư tưởng tiến bộ của nhân loại qua nỗ lực dịch thuật.
Tinh thần cầu học và sự nghiêm túc trong dịch thuật của Nhật Bản hơn 100 năm truớc đáng cho ta suy ngẫm.
Chú: Bài viết tham khảo các tư liệu như Kamei Shunsuke, Kindai Nihon no Honyaku Bunka (Văn hoá dịch thuật thời cận đại Nhật Bản), Chuo Koronsha, 1994; Maruyama Masao va Kato Shuichi, Honyaku to Nihon no Kindai (Dịch thuật và thời cận đại Nhật Bản), Iwanami Shinsho, 1998; Yamaoka Yoichi, Meiji Shoki no Daihonyaku Jidai (Thời đại đại dịch thuật thời sơ kỳ Minh Trị), http://homepage3.nifty.com/hon-yaku/tsushin/ron/bn/maiji.html ; và kết quả các cuộc trao đổi với các đồng nghiệp ở Đại học Waseda. Tác giả cám ơn các giáo sư Shima Yoshitaka (Sử Nhật Bản), Ikeo Aiko (Kinh tế sử), Ikeda Masayuki (Văn hoá Nhật), Koga Katsujiro (Triết học) và Nakano Tadashi (Kinh tế sử) ở Waseda đã dành thì giờ cho tác giả trong những ngày bận rộn cuối năm (2007). Tác giả cũng cảm ơn các anh Bùi Văn Nam Sơn và Nguyễn Xuân Xanh đã đọc bản sơ thảo và góp nhiều ý kiến hữu ích.
(Nguồn: http://www.erct.com/2-ThoVan/TranVTho/Dichthuatvatinhthancauhoc.htm
Bài đăng lại với sự đồng ý của tác giả và ERCT.)
View more random threads:
"Đồ chơi tình dục phích cắm hậu môn" (tiếng Anh: **anal plug** hay **butt plug**) là một loại đồ chơi dục tình được thiết kế đặc biệt để đưa vào hậu môn. Chúng thường được sử dụng cho mục đích kích...
Giải thích về phích cắm hậu môn...