Hơn mười năm tiếp xúc với khá nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bao gồm cả kỹ sư (kỹ thuật viên) và Tu nghiệp sinh (thực tập sinh), tôi được nghe cả than phiền lẫn khen ngợi về cuộc sống nơi đây. Xin sơ qua về một số nội dung mà người Việt chúng ta hay than phiền khi qua Nhật.


1/ Người Nhật ở Nhật không tử tế như người Nhật ở Việt Nam.

Theo đa số nhận xét mà tôi được chia sẻ thì người Nhật ở Việt Nam tử tế và cởi mở bao nhiêu thì người Nhật ở Nhật lạnh lùng và khép kín bấy nhiêu. Ngoài ra, một số người còn nêu ra lý do là "sau khi về Nhật thì người Nhật không giữ lời họ đã hứa ở Việt Nam"(1).






Việc người Nhật ở Việt Nam khác với người Nhật cũng là điều đương nhiên. Bởi lẽ người Nhật ở Việt Nam chỉ là thiểu số. Và khi họ ra nước ngoài du lịch họ đã khách sáo mà che đi những suy nghĩ thật của họ. Ngược lại, khi về Nhật thì họ mới thực sự thể hiện suy nghĩ, thái độ thực sự của họ.

Ngoài ra, đa số trường hợp khi qua Việt Nam là để phỏng vấn hay chỉ gặp gỡ nói chuyện nên người Nhật tỏ ra lịch sự. Còn khi về Nhật (khi mà người Việt đã đến Nhật) là làm việc thực sự. Trong công việc thì người Nhật nổi tiếng nghiêm khắc.

Chính những lý do trên đây đã khiến cho người Nhật ở Nhật khác với người Nhật ở Việt Nam.


2/Công ty Nhật không như đã tưởng tượng:

Đa số người Việt Nam (tôi đã gặp)trước khi qua Nhật đã nghĩ rằng công ty Nhật phải hiện đại, và tất cả đều được tự động hóa. Công việc chủ yếu sẽ do rô-bốt làm. Còn người lao động, trong những bộ đồng phục sạch sẽ chỉ việc bấm nút điều khiển v.v... Nhưng thực tế thì lại hoàn toàn khác. Tất nhiên trong dây chuyền sản xuất, các công ty Nhật sử dụng rô-bốt. Tuy thế, ở Nhật vẫn còn nhiều công ty quy mô gia đình như tôi đề cập ở bài này. Và ở các công ty này môi trường làm việc không hẳn là sạch sẽ lắm. Và những khâu quan trọng như kiểm hàng đều phải làm thủ công. Chưa kể đến vì tính đặc thù mà nhiều công ty có nhiều công đoạn phải làm thủ công. Vì những lý do này mà nhiều người Việt đã "vỡ mộng" khi tưởng được qua Nhật điều khiển rô-bốt thì lại phải xuống xưởng lăn lộn với công việc tay chân (2)

Một yếu tố khác cần phải kể đến là việc giải thích không rõ ràng hay phóng đại thông tin của các công ty xuất khẩu lao động. Vì muốn thu hút được nhiều lao động mà khá nhiều công ty xuất khẩu lao động đã cung cấp thông tin sai với sự thật hay phóng đại về các công ty Nhật, vẽ ra một viễn cảnh màu hồng cho người lao động. Việc này cũng ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của người lao động về các công ty Nhật mà họ sẽ qua làm việc.


3/ Người Nhật keo kiệt, tỷ mỷ:

Điểm này thì tôi cho rằng do khác biệt văn hóa. Ở Việt Nam tiền lẻ không được xem trọng. Và người Việt Nam cũng quen với tính "đại khái".(Chưa kể đến có khá nhiều người quan niệm cứ ai giàu thì tiều tiền không tiếc). Ngược lại người Nhật rất chi ly tỷ mỷ trong mọi lĩnh vực. Và ở Nhật tiền lẻ cũng rất được coi trọng(Khi đi mua hàng dù thừa ra 1 yên bạn cũng được thối lại đàng hoàng và ngược lại thiếu 1 yên thì không thể mua được). Ngoài ra,đa số các ông chủ của công ty Nhật giàu lên từ sự nỗ lực cá nhân nên họ càng coi trọng từng đồng họ kiếm ra được.

Từ những khác biệt trên đây dẫn đến việc nhiều người Việt Nam "bức xúc" là người Nhật keo kiệt tỷ mỷ.


4/Công việc vất vả hơn ở Việt Nam:

Đây cũng là một nội dung nổi bật mà nhiều người Việt vẫn hay than thở. Khi được hỏi vì sao vất vả và vất vả ở điểm nào thì đa số họ trả lời rằng: Bị vắt sạch sức lao động! Câu trả lời có vẻ khó hiểu nhưng giải thích rõ ra thì nó đồng nghĩa với việc cường độ làm việc trong công ty Nhật khá cao. Và, hầu hết các công ty đều yêu cầu người lao động có một kết quả nhất định nào đó. Điều này khắc hẳn với phong cách làm việc truyền thống ở Việt Nam.

(Còn tiếp)