1/ Nguồn nhân lực là gì?
Nguồn nhân lực được hiểu là toàn bộ trình độ chuyên môn mà con người tích luỹ được, có khả năng đem lại thu nhập trong tương lai (Beng, Fischer & Dornhusch, 1995). Nguồn nhân lực, theo GS. Phạm Minh Hạc (2001), là tổng thể các tiềm năng lao động của một nước hay một địa phương sẵn sàng tham gia một công việc lao động nào đó.
Nguồn nhân lực trong doanh nghiệp là lực lượng lao động của từng doanh nghiệp, là số người có trong danh sách của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, nguồn nhân lực trong doanh nghiệp là tất cả các cá nhân tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp. Việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này có tính chất quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp.
Ta cũng có thể hiểu nguồn nhân lực theo một nghĩa cụ thể hơn, đó là:
– Nguồn nhân lực là một khái niệm rộng, bao gồm hai khía cạnh: Thứ nhất đó là toàn bộ sức lao động và khả năng hoạt động của lực lượng lao động xã hội, thứ hai là sức lao động, khả năng trình độ, ý thức của từng cá nhân và mối quan hệ qua lại giữa các cá nhân đó.Mặt thứ hai của nguồn nhân lực đang ngày càng được quan tâm và rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và chính nó nói lên chất lượng của nguồn nhân lực.

Tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế
2/ Các hình thức đào tạo và phát triển nhân lực
Trong doanh nghiệp có nhiều hình thức đào tạo và phát triển nhân lực khác nhau, tùy thuộc vào các tiêu thức phân loại. Có một số tiêu thức phân loại như sau:
– Theo đối tượng: Theo tiêu thức này thì có 2 hình thức đào tạo và phát triển đó là đào tạo phát triển nhân viên và đào tạo phát triển nhà quản trị:
+ Đào tạo và phát triển nhân viên là hình thức đào tạo giúp cho nhân viên có được các kỹ năng và tay nghề phù hợp để thực hiện công việc theo yêu cầu hiện tại và tương lai.
+ Đào tạo và phát triển nhà quản trị hình thức này được áp dụng cho các nhà quản trị với mục đích giúp người lao động nâng cao kỹ năng thực hành quản trị, làm quen với các phương pháp quản lý mới, hiện đại và có hiệu quả
– Theo địa điểm: Theo hình thức này thì có 2 hình thức đó là : đào tạo và phát triển tại doanh nghiệp và đào tạo ngoài doanh nghiệp
+ Đào tạo và phát triển nhân lực tại doanh nghiệp : đây là hình thức đào tạo được thực hiện ngay trong doanh nghiệp. Có thể là đào tạo trong chương trình hội nhập hội viên mới như đào tạo về chuyên môn, về môi trường làm việc của doanh nghiệp.
Cũng có thể là đào tạo trong quá trình làm việc, đây là hình thức đào tạo nhằm bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động để họ có thể thực hiện tốt hơn công việc hiện tại và tương lai.
Chẳng hạn như giúp họ thi nâng bậc nghề , sử dụng công nghệ mới. Việc đào tạo thường được phân công theo kế hoạch đào tạo giữa người hướng dẫn hoặc các nhân viên lành nghề, có kỹ năng tay nghề cao với những nhân viên có tay nghề, trình độ thấp.
+ Các hình thức đào tạo và phát triển trong doanh nghiệp do các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp thực hiện. Người đào tạo, huấn luyện ở đây có thể là nhà quản trị, các chuyên gia kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao trong doanh nghiệp, và cũng có thể là mời người đào tạo bên ngoài vào thực hiện công tác huấn luyện trong doanh nghiệp.
Hình thức này thường được tiến hành thường xuyên vì có rất nhiều ưu điểm như: các kiến thức được bổ sung kịp thời và sát với yêu cầu công việc; hình thức tổ chức linh hoạt, không làm gián đoạn công việc của người được đào tạo, tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên kiến thức được đào tạo ở đây chủ yếu phục vụ ngay công việc chuyên môn hiện tại nên ít có tính hệ thống, tầm bao quát bị hạn chế.
+ Đào tạo và phát triển nhân lực bên ngoài doanh nghiệp :đây là các hình thức đào tạo và phát triển nhân lực được thực hiện ở các tổ chức bên ngoài doanh nghiệp. Doanh nghiệp gửi người lao động tham dự những khóa học do các trường học, học viện ngoài doanh nghiệp tổ chức, hoặc liên kết với các trung tâm đào tạo. Mục đích của công việc đào tạo này rất khác nhau như : nâng cao trình độ, chuyển hướng kinh doanh…
Nội dung đào tạo có thể là kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản trị kinh doanh hay quản lý hành chính… Các hình thức đào tạo và phát triển nhân lực bên ngoài doanh nghiệp có ưu điểm : kiến thức có tính hệ thống và tầm bao quát lớn, cách tiếp cận mới mẻ…Tuy nhiên có hạn chế là : buộc người được đào tạo phải tách rời công việc đang đảm nhận, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, nhà quản trị khó kiểm soát…
– Theo cách thức tổ chức: Theo cách này, doanh nghiệp có thể áp dụng các hình thức đào tạo như :đào tạo trực tiếp, đào tạo từ xa, đào tạo qua internet
+ Đào tạo trực tiếp : đây là hình thức người đào tạo hướng dẫn, huấn luyện trực tiếp người lao động trong doanh nghiệp theo mục đích, yêu cầu nội dung công việc. Trong quá trình đào tạo có thể sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật để giảng dạy, tùy theo các phương pháp và đối tượng đào tạo khác nhau
+ Đào tạo từ xa : hình thức đào tạo này thường được thực hiện trên các phương tiện thông tin như : vô tuyến truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí…Nội dung đào tạo thường theo chương trình đã được hoạch định trước với khoảng thời gian nhất định. Người học có thể mua các băng, đĩa về tự học tại nhà
+ Đào tạo qua mạng internet : đây là hình thức đào tạo mà việc tổ chức các khóa học được thực hiện qua mạng internet. Nội dung được các chuyên gia đào tạo trong và ngoài doanh nghiệp đưa lên mạng, người tham gia đào tạo sẽ tự tải các nội dung đào tạo về nghiên cứu, học tập. Đây là hình thức hiện đại và đang được áp dụng khá phổ biến trong các doanh nghiệp lớn vì nó cho phép tiết kiệm chi phí, thời gian, công tác tổ chức…
Xem thêm: tầm quan trọng của nguồn nhân lực, khái niệm cho vay, các loại rủi ro tín dụng trong ngân hàng