Đọc được bài viết tại đây về việc nhân viên mới được công ty đánh giá cao nhưng lại nghỉ việc sớm. Tác giả phân loại và chỉ ra nguyên nhân và cách công ty cần làm để giữ chân nhân viên. Xin tóm tắt lại để tham khảo.

Tác giả chia ra ba loại như sau:

1/Kiểu nhân viên không hiểu mục tiêu cuối cùng của công ty:
Đây là kiểu chỉ lờ mờ về tương lai. Muốn sướng, muốn thành công nhưng không rõ mình muốn gì. Muốn làm việc lớn nhưng không có kỹ năng cơ bản. Kiểu nhân viên này sẽ dễ bị chán nán khi muốn làm việc "lớn" lại bị bắt làm việc vặt. Tai hại hơn cấp trên lại không nói rõ lý do vì sao mà lại phải làm từ việc nhỏ mà chỉ ra lệnh đại khái "Hãy làm đi rồi sẽ quen", "Cứ làm đi sẽ rõ". Điều này càng đẩy nhân viên mới vào sự chán chường vì không hiểu ý nghĩa, mục đích của những việc mình đang phải làm.

Theo tác giả thì trường hợp này cấp trên nên chia sẻ và giải thích rõ mục tiêu lớn để nhân viên hiểu và cố gắng.

2/Kiểu quá ngoan ngoãn:
Đây là kiểu nhân không có mục đích rõ ràng. Nhưng lại rất chịu khó nghe lời. Bảo gì làm nấy.
Theo tác giả đây là kiểu người ở trường có thành tích khá nhưng chưa có kinh nghiệm công việc hay để ý xung quanh, hay suy nghĩ "không biết mình có làm phiền công ty hay không". Chỉ một thoáng chút thất bại cũng sẽ bị gục ngã.

Với kiểu nhân viên này thì cấp trên cần chú ý và tìm cách nhẹ nhàng chia sẻ để tháo gỡ khó khăn trước khi chính nhân viên mới này xin nghỉ.

3/Kiểu tự kiêu:
Đây là kiểu người luôn quá tự tin vào khả năng của bản thân. Việc này cũng đồng nghĩa với xu hướng khinh những người xung quanh và có cách nhìn từ trên xuống. Sau một thời gian ngắn thì đã tự đưa ra kết luận kiểu "công ty này không xứng với tài năng của mình".

Với kiểu người này tác giả khuyên công ty nên thẳng thắn. Và cấp trên nên tạo cơ hội để chính bản thân nhân viên mới nhận ra rằng khả năng mình còn kém.


Lưu ý:
Bài viết này do người Nhật viết cho công ty Nhật. Vì thế có những ý kiến sẽ không thích hợp khi đem áp dụng với người Việt Nam. Tuy nhiên cũng có khá nhiều điều để suy nghĩ.