Akio Masuda, 36 tuổi, nhận thức được các cơ hội kinh doanh cực kỳ to lớn tại thị trường Việt Nam khi còn là nhân viên tại một công ty thương mại chuyên về mặt hàng gỗ xẻ ở Nhật Bản. Trong thời điểm suy thoái kinh tế, các công ty Nhật bắt đầu tập trung sự chú ý vào Việt Nam, nơi đang trải qua thời kỳ bùng nổ đầu tư.

Nhờ vào chính sách đổi mới của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu tăng trưởng từ những năm thập niên 1990 và liên tục đạt tỷ lệ tăng trưởng hằng năm ở mức 7% trong suốt 3 năm qua. Năm 1998, nhà máy sản xuất hàng trang trí nội thất với 30 công nhân do ông đầu tư đã được đưa vào hoạt động ở Bình Dương. Đến thời điểm hiện nay, doanh số bán hàng hằng năm của công ty ở mức 1 tỉ yen (trên 9,7 triệu USD) và có khoảng 800 công nhân làm việc tại nhà máy.

Doanh số bán hàng của công ty tăng liên tục từ 150% lên 170% trong 3 năm gần đây và hàng hóa chủ yếu được xuất khẩu qua Mỹ, Úc và Nhật Bản. Các công ty sản xuất hàng trang trí nội thất tại Nhật cho rằng chính giá hàng nhập khẩu rẻ đang đẩy họ vào tình trạng phá sản. Tuy nhận thức được mọi lời than phiền đó, Masuda vẫn cho biết trong thời buổi kinh tế thị trường toàn cầu hiện nay, không còn chỗ đứng cho các nhà sản xuất với chi phí lao động cao ngất ngưởng như thế. Theo ông Masuda, một trong những yếu tố thành công tại Việt Nam là tuyển dụng các nhân viên có đủ trình độ, ngay cả phải chấp nhận đưa ra mức lương cao hơn và đào tạo họ sau đó. Các công ty Nhật bắt đầu xâm nhập, tìm kiếm cơ hội làm ăn tại đây vào khoảng 10 năm trước, và theo thống kê của Cơ quan Ngoại thương Nhật, khoảng 400 công ty Nhật đã đặt văn phòng chi nhánh ở Việt Nam.

(Theo Asahi Shimbun)