Nhật là thị trường có vẻ khó tính hơn nhưng lại có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.


Sau những "ảo vọng" về thị trường Mỹ, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đã xác định được hướng đi của mình, đó là thị trường Nhật Bản. Thị trường này đang có doanh số khoảng 100 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 20% thị trường thế giới, trong đó giá trị nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD.


Nếu chỉ chiếm được 10% của số này cũng đã là một thành công lớn của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Và với những gì mà ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam đã làm được trong vòng 2-3 năm qua thì điều này là hoàn toàn khả thi.


Theo công bố của các tập đoàn chuyên nghiên cứu về dữ liệu, tính cho đến nay, Mỹ vẫn là thị trường có tỷ trọng thuê gia công phần mềm lớn nhất và 79% doanh nghiệp lớn của Mỹ đang thuê gia công phần mềm ở nước ngoài. IDC, tập đoàn chuyên về dữ liệu trong ngành công nghệ thông tin, dự báo: số tiền mà Mỹ dành cho thuê gia công phần mềm ở nước ngoài sẽ tăng từ 9 tỷ USD năm 2002 lên 17,2 tỷ USD trong năm 2005.


Mặc dù Mỹ là thị trường lớn nhất thế giới nhưng đối với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, thị trường này vẫn đang còn rất khó thâm nhập. Nguyên nhân chính, theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), là do các doanh nghiệp Mỹ đã quá quen thuộc với ngành công nghiệp phần mềm của Ấn Độ.


Doanh thu từ xuất khẩu phần mềm và dịch vụ của Ấn Độ đang được dự báo là sẽ đạt khoảng 50-80 tỷ USD vào năm 2008. Thị trường lớn nhất của ngành phần mềm Ấn Độ là Mỹ với khoảng 7 tỷ USD. Thua kém về trình độ tiếng Anh, về nguồn nhân lực, Việt Nam chắc chắn chưa phải là đối thủ của các doanh nghiệp phần mềm Ấn Độ tại thị trường Mỹ.


Chính vì những khó khăn của việc thâm nhập vào thị trường Mỹ mà ngay từ cách đây 2 năm, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu chuyển sang thị trường Nhật Bản, một thị trường có vẻ khó tính hơn nhưng lại có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Riêng trong năm 2004, VINASA đã tổ chức đoàn gồm 13 doanh nghiệp do Thứ trưởng Mai Liêm Trực dẫn đầu đi khảo sát thị trường tại Nhật Bản.


Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã cử 2 đại diện tham gia đoàn công tác của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đi xúc tiến thương mại và đầu tư tại Nhật Bản tháng 4/2004. Cũng trong năm 2004, VINASA đã đón tiếp hơn 20 đoàn doanh nghiệp CNTT Nhật Bản đến thăm và làm việc với VINASA tại Hà Nội. Đầu năm 2005, VINASA cũng tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự hội chợ gia công phần mềm JETRO tại Tokyo, Nhật Bản.


Theo báo cáo của 3 hiệp hội công nghệ thông tin lớn nhất Nhật Bản là JISA, JPSA và JEITA thì mức tăng trưởng về cho thuê gia công phần mềm của Nhật Bản sẽ vượt xa mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghệ thông tin Nhật Bản. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản chọn phương án thuê gia công phần mềm để giảm chi phí. Trong thời gian trước đây, Nhật Bản thường chọn Ấn Độ và Trung Quốc để làm đối tác gia công phần mềm.


Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin, trong thời gian gần đây, các công ty Nhật Bản đang tìm cách chuyển hướng sang các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan, Philipines, Myanmar... Lý do của sự chuyển hướng này là bởi các công ty Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng lớn mạnh và trở thành những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Nhật Bản.


Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn thị trường Việt Nam còn bởi nhiều lý do khác như sự tương đồng về văn hóa, khoảng cách địa lý, sự ổn định về chính trị, quan hệ mật thiết giữa 2 Chính phủ, nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác, nguồn nhân lực rẻ...


Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, khẳng định: Nhật Bản đang tiếp tục được xác định là thị trường chiến lược của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam về tất cả các khía cạnh bao gồm: là thị trường xuất khẩu chính, là đối tác chuyển giao công nghệ và giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp phần mềm, là đối tác và khách hàng lâu dài của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Triển vọng về thị trường này cũng đã bắt đầu được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng lên tới hơn 100% của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam khi tham gia vào thị trường Nhật Bản.


Cũng từ kinh nghiệm tăng trưởng thành công của một số công ty Việt Nam tham gia vào thị trường Nhật Bản, VINASA đã đưa ra dự báo về mức doanh số xuất khẩu phần mềm của Việt Nam sang Nhật Bản. Tính toán này cho thấy ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam có thể đạt doanh số khoảng 350 triệu USD xuất khẩu phần mềm vào Nhật Bản vào năm 2010, đạt khoảng 10% thị trường gia công phần mềm của Nhật Bản. Mức tăng trưởng dự báo là từ 80-100% và giảm dần từ năm 2009.


Mặc dù chưa phải là dự báo lạc quan nhất nhưng theo VINASA, trong điều kiện không thuận lợi, mức tăng trưởng này sẽ là 50-80% và tới năm 2010, doanh số xuất khẩu phần mềm của các doanh nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản sẽ là khoảng gần 100 triệu USD, ước đạt khoảng 3% thị trường gia công phần mềm của Nhật Bản. Dù là 350 triệu hay gần 100 triệu thì cả hai con số này, nếu đạt được, cũng đều là điều đáng mừng cho ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam.


Tuy nhiên, dự báo này cũng chỉ có thể đạt được nếu các doanh nghiệp của Việt Nam giải được bài toán nguồn nhân lực. Đó là đòi hỏi cần phải có một lực lượng lập trình viên thông thạo tiếng Nhật, am hiểu văn hóa và cách làm ăn của Nhật.

(Thanh Hà VNECONOMY )