Trung tuần tháng ba, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cùng Bộ Kinh tế - thương mại và công nghiệp Nhật (METI) đã dẫn một đoàn doanh nghiệp (DN) sang TP.HCM tổ chức một hội thảo về vấn đề mua “cô-ta” về quyền giảm phát (khí) thải.

Trước đó, ba công ty E.M , J.C.F và T.K.K (đều của Nhật) cũng tìm đến Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TTTKNL) TP.HCM đặt vấn đề tương tự. “Đây là vấn đề khá mới mẻ”, ông Huỳnh Kim Tước - giám đốc TTTKNL - đã mở đầu cuộc trao đổi như thế với Tuổi Trẻ.


* Vì sao các DN Nhật tìm mua quyền giảm phát thải, thưa ông?

- Xuất phát từ nghị định thư (NĐT) Kyoto. Nhật là một trong những quốc gia đã cam kết giảm các mức phát thải khí nhà kính từ NĐT này nên phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết: giảm 6% khí nhà kính từ năm 2008-2012. Theo nghiên cứu của chúng tôi, ở các nước phát triển như Nhật chi phí giảm 1 tấn CO2 khá lớn, khoảng 40 USD/tấn.

Trong khi đó tại VN chi phí để thực hiện giảm phát khí thải thấp hơn rất nhiều, vì thế Nhật sang ta mua quyền giảm phát khí thải. Nhật hiện đứng đầu về tìm mua loại “cô-ta” đặc biệt này. Các DN Nhật, chủ yếu là DN tư nhân, đã chi khoảng 5 tỉ yen trong năm 2004 để tìm mua chỉ tiêu giảm phát thải ở khắp nơi trên thế giới.

Con số này trong năm nay cũng đã được ông Tomoyoshi Hisamori thuộc Văn phòng Môi trường toàn cầu (METI) dự báo tăng gấp đôi, khoảng 10 tỉ yen, tương đương gần 100 triệu USD.

* Vậy chúng ta có gì để bán?

- Bán chỉ tiêu giảm phát thải. VN đã tham gia ký kết NĐT Kyoto từ tháng 9-2002. Song là nước đang phát triển nên VN không bị bắt buộc thực thi giảm phát thải. Và VN cũng chưa phải là một nước có nền công nghiệp mạnh để mà xả khí thải gây nghiêm trọng đến bầu khí quyển chung, cho nên quyền được phát thải hầu như còn nguyên vẹn. Ước tính TP sẽ thu về khoảng 15 triệu USD/năm từ việc bán các “cô-ta” khí thải.

* Nhưng nếu bán thì sẽ bán như thế nào, thưa ông?

- NĐT Kyoto tạo ra các cơ chế khá “mềm dẻo” để các bên tham gia có thể thực hiện việc giảm phát thải một cách hiệu quả với chi phí ít tốn kém nhất. Một trong những cơ chế bán thích hợp tại VN là cơ chế phát triển sạch (CDM). Cơ chế này được khuyến khích nhất vì nó phù hợp và có lợi cho bên mua lẫn bên bán.

Ví dụ, nếu TP.HCM là bên bán thì lợi ích từ CDM sẽ mang lại ngoài khả năng thu hút đầu tư các dự án phát thải ít CO2, được tiếp nhận các công nghệ chuyển giao theo hướng thân thiện môi trường, địa phương có dự án CDM triển khai sẽ đỡ ô nhiễm hơn... Còn bên mua, lợi ích lớn nhất là sẽ có được giấy chứng nhận “Lượng giảm phát khí thải - CERs”.

Để có được chứng nhận CERs, cả bên mua lẫn bên bán đều phải thiết kế dự án tiến hành CDM. Dự án này sẽ được thẩm định giá trị và đăng ký bởi DOEs (một ban giám khảo độc lập, do cơ quan tối cao của NĐT Kyoto chỉ định, để làm công việc giám sát, kiểm chứng các mức giảm phát thải khí nhà kính).

Thường những dự án nói trên được hai bên ký hợp đồng trong thời gian khá dài, từ 8-10 năm. Và dự án CDM chỉ có hiệu lực khi đã được chính thức đăng ký ở cấp quốc gia. Tại VN, đầu mối quản lý có thẩm quyền để phê duyệt CDM là Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và môi trường), gọi tắt là CNA.

* Bên mua sẽ trả cho chúng ta bằng gì?

- Tùy theo dự án có khả năng giảm phát thải bao nhiêu, bên mua sẽ trả cho bên bán kinh phí dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể dưới dạng chuyển giao thiết bị, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm trong các dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhưng cũng có thể trả bằng tiền để tái đầu tư hoặc đầu tư mới cho các dự án xử lý ô nhiễm môi trường trong các KCX-KCN.

* Liệu TP có gặp khó khăn gì để tiếp cận với cơ hội này không?

- Rất nhiều, do vấn đề này khá mới mẻ. Các qui định pháp lý và cơ chế hành chính để thực hiện còn gặp nhiều trở ngại. Điều này có thể làm cho các doanh nghiệp có nhu cầu tìm mua sẽ khó tiếp cận với chúng ta hơn.

* Xin cảm ơn ông.

(Theo Tuổi Trẻ)