Sáng 28/3, ông Toshikazu Kitazawa - Chủ tịch tập đoàn NASIC (Nhật Bản) và ông Hatta Eiji - Hiệu trưởng Đại học Doshisha đã đến thăm Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Đây là bước mở đầu cho mối quan hệ chính thức giữa Doshisha - trường Đại học danh tiếng hàng đầu ở Nhật Bản - với một trường đại học ở Việt Nam.

Miền Đông Nhật Bản được gọi là Kanto. Miền Tây gọi là Kansai. Cố đô Kyoto nằm ở Kansai. Đó là một thành phố yên tĩnh và có rất nhiều trường ĐH. Thành phố này được mệnh danh là xứ sở thích hợp nhất để học tập và nghiên cứu trên đất nước Nhật Bản.

Doshisha là trường ĐH danh tiếng hàng đầu ở Kansai nói riêng và Nhật Bản nói chung. Đây là một trong những ĐH tư thục đầu tiên của Nhật Bản xây dựng và phát triển theo mô hình phương Tây. Trường được thành lập năm 1875. Với quy mô đào tạo 25 000 SV ĐH và sau ĐH mỗi năm, trường ĐH Doshisha là một trong số những trường ĐH lớn nhất ở NB.

Ông Hatta Eiji - Hiệu trưởng Đại học Doshisha cho biết:

Chúng tôi có 9 khoa đào tạo ĐH và 11 khoa sau ĐH. Ngoài ra, trong trường còn có ngành đào tạo tiếng Nhật với quy mô tiếp nhận khoảng 90 SV/năm. ĐH Doshisha có mối quan hệ hợp tác – giao lưu với 60 trường ĐH của khoảng 50 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới.

Từ trước đến giờ, chúng tôi chưa có bất kỳ một mối liên kết nào với bất kỳ một trường ĐH nào ở Việt Nam mặc dù đó đang là điều mà chúng tôi mong muốn. Số du học sinh nước ngoài ở ĐH Doshisha hiện nay khoảng 300 người. Chúng tôi muốn nâng con số đó lên 1000. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn đưa ngày càng nhiều SV của chúng tôi ra nước ngoài để học tập.

Chúng tôi có chủ trương phát triển du học sinh các nước châu Á, trong đó có VN. Tôi rất mong muốn ký kết được văn bản hợp tác với một trường ĐH nào đó ở VN. Có như thế thì việc SV VN mới thuận lợi hơn nếu muốn theo học tại trường chúng tôi.

Bây giờ tôi có thể phác thảo một chút kế hoạch trước mắt: Sẽ có sự trao đổi giữa 2 trường với nhau khoảng 1 – 2 SV hoặc GV. Sau đó, sẽ có khoảng 20 SV Nhật Bản sang Hà Nội học một khoá ngắn hạn về ngôn ngữ khoảng 1 – 1 tháng rưỡi. Tiếp theo chúng tôi sẽ mở một Trung tâm nghiên cứu châu Á, trong Trung tâm này sẽ có bộ phận nghiên cứu về VN. Lúc đó chúng tôi hy vọng sẽ mời các GV và SV VN sang trường chúng tôi học tập và nghiên cứu.

(Theo Tiền Phong)