Yoshimi Sue (trái) hướng dẫn các em nhỏ xếp hình bằng giấy
Họ là những tình nguyện viên đến từ xứ Phù Tang xa xôi. Ở với người Việt, họ nhiễm dần cái kín đáo, dịu dàng của các cô gái Việt, thậm chí, còn nói tiếng Việt theo ngôn ngữ địa phương.

Họ đã cùng nhau có mặt tại buổi giao lưu kỷ niệm 10 năm Chương trình Tình nguyện viên (TNV) hợp tác hải ngoại Nhật Bản (JOCV) vừa diễn ra. Và họ đã mang đến chương trình đủ các chất giọng từ các vùng miền Việt Nam...

“Em là con gái Huế thật mà...”

Yoko Koseki là tiểu thư trong một gia đình trí thức ở ngoại ô thủ đô Tokyo, bố là giáo sư đại học, mẹ là dược sĩ. Sinh năm 1977, tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh quốc ngành phát triển cộng đồng, Koseki đã không học tiếp tiến sĩ hoặc chọn một công việc thích hợp tại Nhật Bản mà quyết định sang Việt Nam làm TNV.

Được “biên chế” vào Phòng Kinh tế TP Huế, nhưng suốt 2 năm qua cuộc sống của Koseki gắn liền với hơn 7.000 cư dân vạn chài trên dòng sông Hương. Koseki tâm sự, ngày đầu mới đến cô không dám uống nước họ mời vì sợ bẩn, nhưng giờ cô có thể sống chung với họ. Nếu ai đó khen Koseki nói tiếng Huế giỏi quá, cô vội vàng giải thích: “Em là con gái Huế thật mà...”.

Còn nữa, Koseki may nón Huế rất đẹp, chèo đò rất điệu và chế biến được hầu hết các món ăn ở Huế. Các đề xuất cho dự án định cư với dân vạn chài của Koseki vẫn chưa hoàn thành nên cô sẽ là “người Huế” ít nhất một năm nữa.

Cùng làm TNV ở Huế với Koseki còn có Yoshimi Sue, Fujita Megumi... Các bạn đều nói tiếng Huế rất giỏi, kín đáo và dịu dàng như con gái Huế.

“Nói tiếng Quảng Trị tui mới hiểu”

Yoko Ikeda mới làm TNV ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị được hai tháng nên vốn tiếng Việt còn ít. Bị hỏi dồn dập, cô gái sinh năm 1977 đến từ Tokyo bí quá buột miệng: “Nói tiếng Quảng Trị tui mới hiểu”.

Bác sĩ Lê Anh Khích, “sếp” của Ikeda, cho biết công việc của cô ở bệnh viện là chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ em nghèo bị bệnh...

Không chỉ nhiệt tình trong công việc và có chuyên môn cao, sau giờ làm Ikeda thường xuyên tiếp xúc với các nhân viên, bệnh nhân để học tiếng Việt, tất nhiên với giọng Quảng Trị.

Ikeda tâm sự, cô không thể hình dung trẻ em ở Quảng Trị vẫn còn chịu thiệt thòi như vậy nếu so với ở Nhật. Khi trở về Nhật Bản, Ikeda sẽ nói chuyện với các em nhỏ về cuộc sống ở Việt Nam để khuyến khích các em sau này đi làm TNV.

Người nuôi ong ở Thanh Hóa

Với kinh nghiệm 5 năm làm chuyên gia nông nghiệp ở tỉnh Minamata, cách Tokyo khoảng 1.000 km về phía Nam, anh Osaki Shinta, sinh năm 1973, đang góp phần tích cực vào công việc xóa đói giảm nghèo cho người dân ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa bằng nghề nuôi ong.

Cùng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, anh Shinta đã giúp đỡ hàng chục gia đình thoát nghèo nhờ nuôi ong. Được hỏi vì sao lại chọn Việt Nam để làm TNV, Shinta kể lại bằng giọng Thanh Hóa rằng 10 năm trước khi còn là sinh viên anh từng đi du lịch ở Việt Nam và rất yêu đất nước này.

Sau hai năm làm TNV, nhiều người dân Hoằng Hóa gọi anh bằng cái tên thân mật “Người nuôi ong”. Còn một tháng nữa Shinta sẽ trở về Nhật Bản, nhưng Shinta khẳng định sẽ còn trở lại Việt Nam.

Còn rất nhiều những câu chuyện về TNV trẻ đến từ xứ Phù Tang làm việc nhiệt tình, bất chấp mọi khó khăn và nói tiếng Việt như người địa phương. Anh Takeyoshi Tomioka, Huấn luyện viên bóng bàn ở TP.HCM, tâm sự: “Phong trào thể thao trong giới trẻ còn hẻo lắm. Các bạn được bố mẹ khuyên đi học chữ mà chưa chú ý đến rèn luyện sức khỏe”. Anh Toda Nayoyuki, sau gần 2 năm học cấy lúa, gặt lúa, cày bừa ở tỉnh Bắc Giang vẫn nói: “Con gái Hà...lội đẹp...nắm”.

Còn anh Hashinguchi Noriya, kỹ sư máy tính ở Sở Y tế Nghệ An, sang Việt Nam được nửa năm nhưng tiếng Việt vẫn bập bõm. Tuy nhiên, các bạn rất dễ nhận ra bởi mỗi câu tiếng Việt anh nói đều mang đậm chất giọng dân xứ Nghệ...

Mười năm qua, đã có 135 TNV làm việc tại Việt Nam, hiện có 46 TNV đang tiếp tục hoạt động trên khắp đất nước gồm lĩnh vực phát triển cộng đồng, y tế, giáo dục và thể thao... đóng góp cho sự phát triển của xã hội và con người Việt Nam.

(Theo Tiền Phong)