"4.000 yên, tương đương 40USD, tức là vị chi hơn 600 ngàn đồng VN để ăn một tô mì! Mà 40USD này lại có thể mua một dàn máy nghe nhạc cơ chứ. Có nghĩa là tôi đang ăn...cả một dàn máy!" nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải "than trời" về tô mì "made in Japan" ấn tượng nhất trong lần đặt chân đến đất nước Phù Tang.

Nghe chuyện, một người bạn cười ngất: Dại thế, đi sang Nhật thì mang mì gói VN, còn muốn thưởng thức mì hay bất cứ thứ gì của Nhật thì cứ về "Little Japan" ở Sài Gòn, người Nhật còn đang tiếp tục đổ sang Sài Gòn mở nhà hàng, lập quán nữa kìa...

Little Japan-có thể gọi như thế về con phố Lê Thánh Tôn, ngay trung tâm Q.1, TP.HCM. Suốt một đoạn dài gần cây số từ ngã tư Tôn Đức Thắng tới ngã tư Hai Bà Trưng, cửa hàng Nhật (nhiều nhất là nhà hàng ăn, sau đó đến cửa hàng bán đồ và thư quán) san sát.

Phong cách không thể lẫn vào đâu, đặc trưng Nhật, từ tên gọi, biển hiệu đến những tấm rèm cửa, kể cả mấy anh bảo vệ cửa cũng có đồng phục kiểu Nhật. Rượu Sakê, cơm cuốn Sushi hay món cá sống Sashimi nổi tiếng, quen thuộc gần như trên toàn thế giới (những nơi người Nhật đặt chân tới), mì lạnh Zarundon hay món phở Nhật Udon... có ở tất cả các quán này, nơi thực khách được đón chào từ cửa một cách cung kính theo kiểu Nhật, được phục vụ hoặc tại những chiếc bàn xinh xắn có rèm che kín đáo (nếu nhóm của bạn từ 4 người trở xuống) hoặc ngồi xệp trên sàn gỗ với nệm (có ưu tiên quý bà mặc đầm chật hoặc quý ông có vòng 2 quá cỡ có những “hầm” để chân,đối với những nhóm khách đông).

Đến Kishu, một trong những nhà hàng của khu Little Japan này, mới biết không phải chỉ người Việt ta mới có phở mà người Nhật cũng có phở hẳn hoi - tiếng Nhật gọi phở là Udon. Phở Nhật cũng có nhiều loại (như kiểu người mình có phở tái, chín, nạm, gầu...) như Nabe Yaki Udon là phở ăn trong cái nồi đất (Nabe), Kare Katsu Udon là phở càri với thịt nướng, còn Tenpura Udon thì ăn kèm phở với đồ tẩm bột chiên...

Tất nhiên vị phở hoàn toàn khác (nước phở trong và có hương vị như hầm thuốc bắc), bánh phở tương tự sợi mì Quảng lại rất ít thịt và giá phở tuy rẻ hơn nhiều so với tô mì mà nhà nhiếp ảnh Lê Thanh Hải ăn tại Tokyo nhưng nó cũng vào hàng “tái mặt” dân ăn phở VN: 6,5 USD (hơn 100.000 đồng) cho một... nồi đất phở Nabe Yaki Udon!

Tuy nhiên, đến Little Japan chọn được nhà hàng đúng “vị” Nhật nhất lại không đơn giản. Cộng đồng khoảng 3.000 người Nhật đang làm việc, sinh sống ở TP.HCM, một tầng lớp người Việt có thu nhập cao muốn thử khẩu vị mới, và đặc biệt là làn sóng du khách Nhật ngày càng gia tăng khiến nhà hàng Nhật nhanh chóng trở thành một thị trường béo bở.

Từ một vài cửa hàng Nhật ban đầu (trước tiên để phục vụ cho cư dân Nhật thuê nhà ở khá đông ngay trong khu vực này),nhiều ông chủ Việt, chủ Singapore và Hong Kong cũng về đây mở nhà hàng Nhật. Hiện nay chủ Nhật ở Little Japan chỉ chiếm khoảng 50%. “Người Việt ngày càng kinh doanh rất giỏi, nhiều tiền hơn, thông minh hơn, người nước ngoài khó địch lại” - nhà thiết kế Nhật Bản với nhãn hiệu Thaka nổi tiếng (có 2 cửa hàng thời trang trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Đồng Khởi cùng quán cà phê Cửa sổ mặt trời trên đường Lê Thánh Tôn) thú nhận. Nhưng những ông chủ Nhật không chịu dừng lại ở Little Japan...

Nằm giữa con đường thời trang Lý Tự Trọng, Q.1, cửa hàng Tám mũi tên của ông chủ Hideharu Hasegawa cũng trương bảng lớn tương tự các shop thời trang bên cạnh trong mùa hạ giá: giảm giá 20% tất cả các món ăn trong các ngày “dính” tới con số 8: ngày 8,18 và 28-điều chưa một nhà hàng Việt nào thử làm.

Khách đến quán những ngày này đông nghịt, nếu bạn đến sau 6 giờ rưỡi chiều thì có thể sẽ phải đứng xếp hàng. Nhà hàng Tám mũi tên không bán Sushi hay Sashimi quen thuộc, ông Hideharu muốn khách hàng của ông (người Việt hiện chiếm khoảng 30%) làm quen và hứng thú với nhiều món ăn truyền thống đặc trưng khác của người Nhật.

Thậm chí,để “làm thân” thị trường Việt, cửa hàng ông còn được đặt thêm một cái tên gần gũi là Bánh xèo Nhật Bản (trong thực đơn cũng có món này, dù chẳng giống tí tẹo nào với bánh xèo Đinh Công Tráng cả). Ông đã ở TP.HCM từ năm 1993, đưa cả cậu con trai sang và hai bố con cùng quản lý Tám mũi tên với dự định sẽ phát triển mô hình nhà hàng “8,18 và 28” này thêm nữa.

Ông chủ Oso còn "bạo" hơn. Đồng Khởi-con đường đắt giá hạng nhất Sài Gòn, trung tâm của các shop thời trang, duy nhất có mình ông dám thuê mặt tiền để... bán phở, mà là phở VN chứ không phải Udon.

Oso không chỉ là quán phở duy nhất trên con đường Đồng Khởi mà có lẽ cũng là quán phở-đồ cổ độc nhất VN. Vị phở không khác mấy những quán phở Nam nổi tiếng Sài Gòn, cũng bò chín, gầu, gân, tái, nạm (trừ phở Oso chế theo kiểu phở Nhật, nghĩa là thay thịt bò bằng tôm, mực, cá), khác là thực khách vừa được thưởng thức phở vừa được thưởng thức luôn một không gian đồ cổ độc đáo.

Hiếm ai chơi đồ cổ, bày đồ cổ theo kiểu có vẻ rất “tự nhiên chủ nghĩa” như ông chủ Oso-tất cả các món đồ đủ kiểu, đủ phong cách bày ngồn ngộn, chen chúc như không bày, song chúng lại tạo cho phở Oso một phong cách độc đáo không thể trộn lẫn và hấp dẫn du khách (Đồng Khởi cũng chính là con đường du lịch lớn nhất của TP.HCM).

Kèm với phở, với đồ cổ, phở Oso còn có 2 món cực “ăn” với khách du lịch là nước cam tươi đóng hộp tại chỗ (bằng chiếc máy được ông chủ đưa từ Nhật sang) và... massage chân!

Nhưng có lẽ độc đáo hơn cả là ý tưởng mở quán cà phê và bar Cửa sổ mặt trời (La Fenetre Soleil) của nhà thiết kế Thaka ở tầng 2 khu chung cư 135 cũ kỹ và nhem nhuốc trên đường Lê Thánh Tôn.

Khách đầu tiên tới quán sẽ phải khá mất công để tin chắc có một lối lên bar cà phê này: một cầu thang nhỏ trong một hẻm nhỏ, trước khi bước chân vào quán còn có thể ngẩn người trước một hành lang nhà tập thể tối um. Nhưng gần như tách biệt với nhà tập thể, với sự ồn ào nhộn nhạo ngay dưới phố, khác xa với tất cả các không gian bar cà phê quen thuộc trong thành phố, Cửa sổ mặt trời vừa yên vừa gần gũi lạ lùng, không một góc ngồi nào giống nhau, bạn có thể ngả lưng trên chiếc phô tơi, thậm chí có thể thưởng thức café trên... một chiếc giường cổ!

Không chỉ là một bar cà phê, Cửa sổ mặt trời thực sự là một không gian nghệ thuật. Nên dù lối vào khuất nẻo, rất nhiều người Sài Gòn sành điệu không thể cưỡng lại được “ánh sáng” quyến rũ của nó.

Và bạn còn biết những “Little Japan” nào nữa len lỏi giữa Sài Gòn...

(Theo Thể thao & Văn hóa)