Nhà máy của Honda tại Vĩnh Phúc.

Quốc lộ số 2, trong đó có đoạn nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đang được nâng cấp, mở rộng và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2006.

Khi đó, đi từ Nội Bài đến trung tâm tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn mất khoảng 20 phút và người dân Vĩnh Phúc hy vọng với con đường này, họ sẽ có thêm lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Nhật nói riêng.

FDI từ Nhật tạo ra 80% giá trị công nghiệp

Ông Trịnh Đình Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cho biết tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập vào năm 1997 và khi ấy là một tỉnh nhiều khó khăn với giá trị công nghiệp chỉ chiếm khoảng 15% trong cơ cấu kinh tế và đứng thứ 41/61 tỉnh, thành phố về giá trị sản xuất công nghiệp.

Nhưng đến cuối năm ngoái, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong bảy tỉnh, thành của cả nước có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất và đứng thứ ba trong các tỉnh phía Bắc, sau Hà Nội và Hải Phòng. Hiện tại, theo ông Dũng, Vĩnh Phúc cũng là một trong 15 tỉnh của cả nước và bốn tỉnh của phía Bắc tự cân đối được ngân sách và nộp ngân sách cho Trung ương.

“Có được những thành quả bước đầu như vậy là do chúng tôi ngay từ khi tái lập tỉnh đã coi trọng việc thu hút đầu tư, cả trong và ngoài nước, vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp”, ông Dũng nói.

Hiện Vĩnh Phúc đã thu hút được hơn 1 tỉ Đôla Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó hơn 500 triệu Đôla Mỹ là của các nhà đầu tư Nhật.

Ông Dũng cho biết các nhà đầu tư Nhật tương đối cẩn trọng trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư. Ngoài cơ sở hạ tầng tốt, mặt bằng thuận lợi để có thể triển khai dự án được ngay, người Nhật còn chú ý đến những khía cạnh khác như các vấn đề về xã hội, môi trường, con người, địa lý và cả những vấn đề tâm linh nữa. Vì vậy, “làm thế nào tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư ngay từ ban đầu là điều quan trọng vì các nhà đầu tư Nhật Bản là những nhà đầu tư nghiêm túc”, ông nói.

Ông Dũng kể, năm 2002 là năm khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất xe máy của Việt Nam và tại thời điểm ấy, Vĩnh Phúc đã “coi những khó khăn của Honda như những khó khăn của chính mình”. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quyết định tìm đến Vĩnh Phúc, thay vì các tỉnh khác cũng ở phía Bắc.

Năm ngoái, các nhà máy của Nhật đặt tại Vĩnh Phúc đã tạo ra hơn 80% giá trị công nghiệp của toàn tỉnh và cho đến nay, trên địa bàn Vĩnh Phúc đã có khoảng 400 dự án của các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký khoảng 2 tỉ Đôla Mỹ.

Để có được những địa điểm tốt giới thiệu với các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã quan tâm đến việc tạo lập quỹ đất và đã lập ra được 11 khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp để các nhà đầu tư “có cơ hội được lựa chọn khu vực đầu tư” đi kèm với cơ chế ưu đãi đầu tư của tỉnh.

Chớp lấy thời cơ

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sở dĩ Vĩnh Phúc đạt được những thành quả ban đầu như vậy là do trong tỉnh đã có sự hiện diện của hai nhà đầu tư lớn của Nhật là Honda và Toyota.

“Các nhà đầu tư Nhật Bản thường có quan hệ cộng đồng khá gần gũi để hỗ trợ cho nhau và khi một doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ dễ dàng tìm sự chia sẻ của các doanh nghiệp khác”, ông Tuấn nói. Honda và Toyota là hai nhà sản xuất lớn và những doanh nghiệp vệ tinh cung cấp hàng cho hai doanh nghiệp này cũng thường có xu hướng tìm đến những địa điểm gần gũi để thuận tiện trong giao dịch và cung cấp hàng.

Điểm thứ hai là tại Vĩnh Phúc, theo ông Tuấn, việc cải cách hành chính đã có những tiến bộ rõ rệt và các nhà đầu tư thận trọng như Nhật Bản cũng có thể cảm nhận được ngay từ lần đầu gặp gỡ. Ông Dũng cho biết, năm 2002 Vĩnh Phúc đã thành lập Ban Quản lý công nghiệp và thu hút đầu tư và một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ban này là cải cách thủ tục hành chính. Ông Tuấn nói rằng hiện nay đã có nhiều địa phương tiến hành cải cách theo hướng đó, nhưng năm 2002 thì không có nhiều địa phương làm theo cách của Vĩnh Phúc.

Một quan chức khác của Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét, nhiều địa phương xung quanh Hà Nội cũng có những lợi thế gần Hà Nội, có quỹ đất và cũng là những tỉnh mới được tách ra nhưng tại sao không làm được như Vĩnh Phúc là điều cần phải suy nghĩ.

Quan chức này nói rằng, ngay từ khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã đi trước một bước trong việc đi vận động, thu hút đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là tại Nhật Bản. “Vĩnh Phúc đã chú trọng vào hoạt động này và họ đã thu xếp được kinh phí để làm việc đó”, quan chức trên nói. Ông Dũng cho biết, khi đi công tác Nhật Bản cùng với Thủ tướng Phan Văn Khải, ông đã mang theo rất nhiều tài liệu giới thiệu về tỉnh và thông qua các nhà đầu tư đang làm ăn tại Nhật Bản thu xếp các cuộc gặp với các nhà đầu tư tiềm năng.

Một bước đi trước nữa của Vĩnh Phúc, vẫn theo lời quan chức này, đó là việc hình thành trước các khu đất dành riêng cho các doanh nghiệp mà hiện nay chúng ta gọi là khu công nghiệp. “Trong khi các cơ quan nhà nước còn đang soạn thảo quy chế khu công nghiệp và xét duyệt việc thành lập các khu công nghiệp ở từng địa phương xem có khả thi không, thì Vĩnh Phúc đã bỏ tiền ra san lấp mặt bằng, làm đường và mời gọi doanh nghiệp”, quan chức trên nói.

(Theo TBKTSG)