Tại hội nghị bàn tròn về đầu tư thương mại lần thứ 7 diễn ra sáng qua ở TP HCM, nhà đầu tư Nhật Bản đã kiến nghị thành phố xem xét lại mức lương mới quy định trong doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Tình trạng thiếu điện, giao thông bất cập cũng là vấn đề nóng được nêu ra.


Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đang trao đổi với nhà đầu tư Nhật Bản sáng nay. Ảnh: T.V.
Theo ông Watanabe, Tổng giám đốc Công ty Towa Industrial, nếu mức lương tối thiểu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng tối đa 40%, nhà đầu tư sẽ khó khăn. Với họ, việc quy định tăng một lần lên 40% là rất đột ngột. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến ý muốn đầu tư của doanh nghiệp FDI. "Chúng tôi mong muốn VN xem xét lại việc tăng lương tối thiểu, đồng thời cần thực hiện theo từng bước một về tính cần thiết của vấn đề".

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM - ông Osamu Shiozaki cũng cho rằng, tăng lương tối thiểu trong các doanh nghiệp nước ngoài là mối e ngại đối với hoạt động tự do của công ty tư nhân. Điều này trái ngược với chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư của VN hiện nay. Ông Shiozaki thừa nhận: "Quy định về mức lương tối thiểu là bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm đến người lao động đang công tác ở công ty có vốn đầu tư FDI, trong khi thu nhập của họ còn cao hơn những người làm việc trong doanh nghiệp VN, thì quả là không công bằng".

Tình trạng thiếu điện, mất điện đột xuất gây ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh cũng là nỗi bức xúc lâu nay của các nhà đầu tư. Ông Mita, Tổng giám đốc Công ty Viet Nam Japa Gas (Vijagas) cho biết, năng lực cung ứng điện của VN hiện nay kể cả nhập khẩu là 44.000 MVA, trong khi nhu cầu của cả nước là 39.600 MVA. Ông Mita đưa ra dẫn chứng, tại khu vực Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, năng lực cung ứng điện hiện là 126 MVA so với nhu cầu tiêu thụ chỉ 95 MVA. Như thế, so với tổng lượng cầu thì cung không thiếu. Tuy nhiên, tình trạng mất điện vẫn liên tục xảy ra ở một số khu vực trên địa bàn cả nước.

Theo tổng kết của Vijagas chỉ trong tháng 9 có đến 15 sự cố mất điện xảy ra, trong đó chỉ có 2 trường hợp mất điện theo kế hoạch, phần còn lại là mất điện đột xuất. Tổng thiệt hại cho công ty lên đến 3,4 triệu USD. "So với trước, con số thiệt hại cao hơn rất nhiều. Cụ thể như năm 2003, số thiệt hại của Vijagas từ tình trạng mất điện gần 7,3 triệu USD", ông Mita giãi bày.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin liên lạc còn nhiều yếu kém. Mạng internet quá tải, kết nối khó, ADSL chậm... Chính những cản trở trên đã làm nhà đầu tư đánh mất cơ hội kinh doanh với khách hàng. "Hạn chế được những tình trạng này chắc chắn thiệt hại của doanh nghiệp sẽ rất ít", ông Mita nhận xét.

Tình trạng giao thông cũng làm các nhà đầu tư đau đầu. Theo ông Watanabe, mới đây Ban Quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp (HEPZA) đưa ra thông báo, doanh nghiệp ở khu chế xuất Tân Thuận, Tân Tạo, nếu có lượng nhân viên tuyển dụng trên 500 người thì 25% trong số đó phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhưng công ty phải chịu phí hoàn toàn. Sau khi thu thập ý kiến từ 40 nhà đầu tư Nhật Bản trong khu chế xuất thì điều này là bất cập. Nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng, việc xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm hoặc xảy ra tai nạn là do cơ sở hạ tầng và ý thức của người dân. Đây là trách nhiệm của quốc gia và chính quyền địa phương, không thể đẩy sang cho doanh nghiệp.

(Theo VNExpress)