Bản đồ thành cổ Hà Nội - Trong năm 2005 sẽ số hóa các bản đồ cổ về Thăng Long - Hà Nội

Đoàn chuyên gia VN trên các lĩnh vực khảo cổ, nghiên cứu văn hóa lịch sử (như GS Phan Huy Lê, PGS. TS Tống Trung Tín, PGS. TS Nguyễn Quang Ngọc...) vừa trở về từ cuộc hội thảo quốc tế: Tìm hiểu lịch sử và thông tin khoa học về Thăng Long - Hà Nội do Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản, tổ chức.

Hội thảo đã tập trung vào các vấn đề: di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long; vị trí quy mô của Cấm thành - Hoàng thành và Kinh thành Thăng Long; nghiên cứu phương pháp bảo tồn bằng công nghệ điện tử; tổ chức liên ngành, liên kết quốc tế để triển khai thực hiện.

Ông Trần Quang Dũng, Phó chánh văn phòng BCĐ quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, thành viên đoàn VN tham dự hội thảo cho biết: "Nhật Bản là nước đã áp dụng thành công công nghệ số hóa trong việc lập hồ sơ, bảo tồn và phục dựng các di sản văn hóa phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan tìm hiểu của công chúng ở cố đô Nara (Nhật Bản), cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc), một số điểm di tích ở Italia.

Tại hội thảo, chúng tôi đã thống nhất, năm 2005, bằng nguồn vốn của Bộ giáo dục Nhật Bản, thông qua Viện nghiên cứu Đông Nam Á - trường ĐH Kyoto sẽ chủ trì thực hiện Dự án thí điểm sưu tầm và số hóa các bản đồ cổ về Thăng Long - Hà Nội, lập hồ sơ số hóa khoảng 150 di tích văn hóa lịch sử và một số điểm di tích khảo cổ trong khu vực Hoàng thành - Thăng Long.

Dự kiến đến năm 2009 sẽ hình thành Bảo tàng kỹ thuật số về các di tích lịch sử văn hóa của Thăng Long - Hà Nội".

Sau cuộc hội thảo tại Nhật Bản, từ 12 - 14-11 tới, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo quốc tế về ứng dụng địa tin học trong nghiên cứu lịch sử ở Châu Á. Một nội dung chính sẽ được bàn thảo là sử dụng công nghệ số hiện đại bảo tồn các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

(Theo Thể thao - Văn hóa)