Cùng với làn sóng đầu tư của Nhật vào VN, thời gian gần đây kim ngạch xuất khẩu của VN vào Nhật cũng liên tục tăng. Ông NGUYỄN TRUNG DŨNG - tham tán thương mại VN tại Nhật - cho biết:

- Các doanh nghiệp (DN) của chúng ta những năm gần đây phát triển mạnh cả chiều rộng và chiều sâu, mẫu mã cũng như chất lượng hàng hóa đã cải tiến hơn rất nhiều so với trước đây, đặc biệt là khả năng cung cấp hàng với số lượng lớn. Các DN cũng đã nắm bắt và hiểu thị trường Nhật.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước tăng mạnh cũng có tác động của làn sóng đầu tư của Nhật vào VN trong các năm vừa qua. Xu hướng các DN Nhật vào VN làm ăn sau đó xuất sang Nhật và các nước đang phát triển đang tăng rất nhanh.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa VN sang Nhật bình quân hằng năm đạt 17-18%. Năm 2005, xuất khẩu của VN sang Nhật đạt khoảng 4,5 tỉ USD, riêng hàng thủy sản đạt hơn 600 triệu USD. Năm 2006-2007, dự kiến kim ngạch hai chiều đạt 10 tỉ USD

* Tăng trưởng nhanh về kim ngạch xuất khẩu, nhưng dường như cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu vẫn chưa có sự thay đổi gì nhiều?

- Không hẳn như vậy. Ngoài việc duy trì và phát triển các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của ta sang Nhật, những mặt hàng như chè, cà phê, đồ nhựa, đồ gỗ, thực phẩm qua chế biến... đã có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Mặt hàng đồ gỗ VN hiện đứng vị trí thứ tư sau Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Các mặt hàng đồ gỗ nội thất và ngoại thất của VN đến nay đã vào được hệ thống siêu thị tại Nhật.

Tôi hi vọng đến hết năm nay kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của VN sẽ vượt Thái Lan và năm sau sẽ vượt qua Đài Loan, trở thành một trong hai nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất vào thị trường Nhật.

* Hàng nông sản và thủy sản là những mặt hàng VN đang có lợi thế và nhu cầu của thị trường Nhật cũng rất lớn. Chúng ta đã khai thác lợi thế này ra sao, thưa ông?

- Nhu cầu về rau quả tươi và hoa tươi của thị trường Nhật rất lớn, nhưng theo qui định về an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật, VN chưa thể xuất khẩu nhiều các mặt hàng này do khâu trồng, bảo quản, bao bì đóng gói của ta còn yếu. Sắp tới Chính phủ Nhật sẽ hỗ trợ chúng ta chuyển giao công nghệ, máy móc xử lý côn trùng gây hại có trong rau quả và đào tạo chuyên gia.

Mặt hàng tôm của VN trước đây luôn xếp sau Indonesia nhiều năm, nhưng từ năm 2004 đã vươn lên vị trí thứ nhất về tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật, hi vọng tiếp tục chiếm giữ 23-25% thị phần tại Nhật. Tuy nhiên, sắp tới phía Nhật sẽ kiểm tra ngẫu nhiên các mẫu hàng nhập khẩu. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm bơm tạp chất sẽ trả hàng về và có thể tạm ngưng nhập khẩu đối với đơn vị đó, thậm chí có thể ngưng toàn bộ tôm nhập khẩu của VN vào thị trường Nhật.

* Nhiều chuyên gia về xuất nhập khẩu cho rằng để thâm nhập thị trường Nhật bền vững, một trong những cách tốt nhất là tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ. Ý kiến của ông ra sao?

- Tôi ước tính có trên 55% mặt hàng xuất khẩu của ta sang Nhật đã tiếp cận được với hệ thống phân phối, tức là vào được các hệ thống siêu thị MR Mart, Tokyu Hands, OK, Mitsukoshi... Tại các siêu thị này, ngoài mặt hàng đồ gỗ còn có tôm, thực phẩm... Các sản phẩm của VN còn được dùng làm nguyên liệu chế biến tại Nhật, chẳng hạn nhiều lô hàng tôm đông lạnh được chuyển đến hệ thống các nhà hàng, khách sạn để chế biến món ăn.

(Theo Tuổi Trẻ)