Vào ngày 30-11-1954, 76 người Nhật từ VN đã hồi hương về cảng Maizuru trên tàu Koanmaru của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản. Một thời kỳ khó khăn mới đang chờ đợi họ trên chính quê nhà...

Nỗi buồn cố hương

Ông Takeshi Sugihara (tên VN là Hồng Cận Lập) là một trong những người Việt Nam mới (VNM) về Nhật trên tàu Koanmaru. Nhớ lại ngày đó, ông kể: “Tôi đã về nước cùng chuyến tàu với những người Nhật hồi hương từ Trung Quốc. Họ đem theo về Nhật nhiều của cải và tiền bạc. Còn những người từ VN trở về nước như chúng tôi thì ai cũng gầy gò ốm yếu vì bệnh sốt rét, nước da đen đủi vì rám nắng. Tài sản đem theo chỉ một cái tay nải”.

Người VNM đã hồi hương về Nhật trong bốn đợt từ năm 1954-1960, trong đó chỉ có 20 gia đình VN cùng sang Nhật được vào đợt ba và bốn. Bắt đầu cuộc sống mới, những người sống ở các TP lớn như Osaka hay Tokyo thì tương đối còn tìm được việc làm, còn những người trở về thôn quê thì cuộc sống vô cùng chật vật.

Dân địa phương lại có thành kiến đối với người VNM vì họ đã từng ở trong quân đội của một nước theo chủ nghĩa xã hội. Theo nhiều người VNM, trong một thời gian dài cảnh sát Nhật Bản còn theo dõi hành động hằng ngày của họ. Ngoài sự phiền phức này còn có một vấn đề khổ sở hơn là sinh kế.

Ông Isao Miyazaki (tên VN là Cao Kỳ Phúc) nói: “Gia đình tôi làm nghề nông và tôi là con trưởng. Thế nhưng khi về quê thì em trai tôi đã lên thay cha tôi trông coi ruộng vườn. Bất đắc dĩ tôi phải tìm việc làm khác.

Nhưng thời bấy giờ người học xong bậc đại học còn khó tìm việc. Tôi lại là kẻ mới từ một nước xã hội chủ nghĩa hồi hương mà đi tìm việc thì rất khó khăn. Tôi đã làm đủ thứ việc để nuôi vợ con như bán thức ăn, làm thợ ở nhà máy, đi bán hàng rong...”.

Để tìm việc làm, ông Miyazaki phải chuyển nhà tới mười lần. Nhưng theo ông, hễ nhớ lại những gian khổ đã trải qua ở VN thì khó khăn đến đâu rồi cũng vượt qua được.

Ngày 19-3-1955, Hội Hữu nghị Việt - Nhật ra đời. Hội đã chủ trương xây dựng hòa bình tại châu Á thông qua việc thực thi Hiệp định Genève cũng như giải quyết vấn đề hồi hương của những người Nhật đang còn ở lại VN. Nhiều người VNM gia nhập hội như ông Tokuji Kamo, ông Takeshi Sugihara.

Ngày 12-5-1956, hiệp định thương mại sơ bộ Việt - Nhật được ký kết tại Hà Nội. Đó là bước mở đầu cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Người có công lớn để đạt được thành quả này là ông Isamu Fujita (một người VNM có tên Hoàng Thanh Tùng), tổng thư ký đầu tiên Hội Thương mại Việt - Nhật.

Trước khi sang Hà Nội, ông Fujita đã liên lạc với thống đốc ngân hàng quốc gia, đồng nghiệp cũ lúc còn ở VN và đã nhận được visa. Tuy nhiên lúc đó hai nước không có quan hệ ngoại giao, chuyến đi VN của ông Fujita quá vất vả, mất bốn tháng vì qua ngả Hong Kong, Thâm Quyến, Quảng Đông, Nam Ninh, Lạng Sơn.

Hội Hữu nghị Việt - Nhật và Hội Thương mại Việt - Nhật đã thúc đẩy giao lưu và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước trong thời kỳ chưa có quan hệ ngoại giao (chính thức được thiết lập vào ngày 21-9-1973).

Hiện nay quan hệ giữa hai nước Nhật Bản - VN có lẽ tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Con số người Việt học tiếng Nhật hay du học sang Nhật cứ tăng dần và con số du khách Nhật sang VN cũng đứng hàng nhất nhì trong danh sách du khách nước ngoài. Tại Nhật nhà hàng VN đang xuất hiện nhiều nơi ở các thành phố, ở đây luôn đông khách, chủ yếu là phụ nữ trẻ.

Nhìn thấy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, tôi cảm thấy hành động của người VNM hết sức đáng quí. Bởi vì đó là hành động hoàn toàn vô tư và vô danh trong lúc quan hệ giữa hai nước hoàn toàn xa cách...
Câu chuyện của những người phụ nữ

Bà Lê Thị Hiếu là một trong những phụ nữ VN theo chồng là cựu quân nhân Nhật đã đến Nhật vào tháng 8-1959. Bà Lê Thị Hiếu nhớ lại những ngày ấy: “Lúc mới về Nhật, con mới có bảy tháng, vợ thì tiếng không biết, ông ấy đi làm một tháng tiền lương có một vạn rưỡi. Rất khó khăn. Nhật Bản cũng mới hết chiến tranh, về đây không có cái gì cả. Có hai vợ chồng với đứa con đi ra mua ba cái bát, ba đôi đũa về... Khổ...!”.

Một chuỗi ngày đầy những gian nan. Tuy nhiên, so với các bà vợ có chồng Nhật phải ở lại VN và xa chồng thì có lẽ bà Hiếu còn hạnh phúc hơn trăm lần. Hầu hết các bà vợ VN phải xa chồng đều không bao giờ còn được đoàn tụ trở lại với chồng họ. Bà Lương Thị Lộc hiện sống tại Hà Nội là một người ở trong cảnh ngộ đó, bà đã phải một mình nuôi bốn người con.

Bà kể: “Cuộc đời như thế nên buồn lắm anh ạ. Chồng đi rồi, một mình ở VN mà nuôi bốn con thì khổ lắm. Đấy là tôi còn được đi làm nhà nước. Chứ còn những bà mẹ khác không đi làm nhà nước, phải buôn bán, làm đủ thứ còn khổ nhiều hơn. Thế mà các ông chồng đó không nghĩ gì đến vợ VN cả.

Chồng tôi thì có một lần gửi đồ chơi làm quà cho các con, hai con gái là hai con búp bê, hai con trai thì một chiếc ôtô và một chiếc tàu hỏa chạy bằng pin. Rồi hết pin không có tiền để mua nữa, thôi thì tôi bán đi lấy tiền...”.

Bà Lộc chẳng bao giờ còn gặp lại chồng mình. Bà cũng không biết những chuyện gì đã xảy ra, không biết chồng mình khi về Nhật đã lập gia đình khác, cho đến năm 2001... Bà Mika Takazawa ở TP Mastudo đã lần đầu tiên đi thăm VN và đến gặp bà Lộc cùng những người con của bà Lộc.

Bà Takazawa kể: “Cha tôi đã qua đời cách đây chín năm, mãi về sau tôi mới biết là khi mất cha tôi vẫn còn ôm trên ngực hai tấm ảnh chụp với tôi và với gia đình còn ở lại VN. Tôi hết sức đau lòng và thương cha tôi. Ngày nay giữa VN và Nhật Bản đã có thể đi lại dễ dàng, thế nhưng cha tôi đã vì ngại gia đình, vợ con ở Nhật mà không thể về gặp lại vợ con ông ở VN. Từ đó tôi rất muốn đi VN, gặp gia đình ở VN thay cho cha tôi.

Tôi đã đến thư viện quốc gia tra cứu để tìm gia đình ở VN, cho đến khi tôi may mắn tìm được tung tích của họ. Khi tôi gặp bà Lộc, bà có nói rằng bà đón tôi cũng như là đón cha tôi, điều đó khiến tôi thật sự cảm thấy một sự gần gũi, và tôi coi VN như quê hương thứ hai của mình”.

Tháng 2-1959, tất cả người VNM hồi hương năm 1954 đã nhận được tờ thăm dò ý kiến. Khi hồi hương, họ phải để lại gia đình VN vì điều kiện thời đó không cho phép. Tờ thăm dò này đặt câu hỏi: có muốn gia đình VN sang Nhật để đoàn tụ không?

Nếu có, lý do gì, thời điểm nào? Ông Tamiya Takazawa (tên VN là Cao Thanh Phương) đã viết “muốn gia đình sang Nhật vào tháng tám năm nay”. Tuy nhiên mong muốn của ông không thực hiện được trước khi ông qua đời vào năm 1994.

Những người tìm cha

Ngày 19-11-2004, tại TP Kobe, Nhật Bản có hai cha con gặp lại nhau sau 50 năm xa cách. Người đàn ông VN đã gặp cha mình (ông Nobuyoshi Tachibana - Trần Đức Trung) sau bao tháng năm ngóng đợi là ông Trần Đức Dũng.

Ông Dũng kể: “Cảm tưởng của tôi lúc đó không thể tả được bằng lời, dù đó là điều tôi mong đợi ngay từ lúc còn trẻ thơ 3-4 tuổi. Tôi bị thiệt thòi so với tất cả anh em bạn bè là không bao giờ được gọi một tiếng bố. Hôm đó lần đầu tiên gặp bố trong cuộc đời, tôi không bao giờ quên được thời điểm ấy”.

Vì tuổi cao, hầu hết người VNM đã lần lượt qua đời. Khi mới hồi hương về Nhật, có khoảng 100 người VNM nhưng hiện chỉ có 30 người còn sống. Lúc mới về, họ đã thành lập Hội Bạn hữu VN và thỉnh thoảng gặp nhau để giúp đỡ, động viên nhau. Tuy nhiên hoạt động của họ đã đình chỉ 10 năm trước đây.

Trong khi đó tại VN, cách đây khoảng năm năm, các gia đình người VNM còn lại đã bắt đầu liên lạc với nhau. Số là một người trong những gia đình này qua đời, và nhân dịp tang lễ đó họ đã gặp gỡ và liên lạc với nhau ngày càng đông hơn (hiện có khoảng 10 gia đình thường xuyên gặp gỡ vào những dịp đám cưới, tết để tâm sự, chia sẻ...).

Trong lần gặp này có gần 20 người gồm vợ và con của các cựu quân nhân Nhật Bản đến họp mặt, tâm sự và thăm hỏi về chồng hay cha của họ. Chúng tôi đã đến hỏi chuyện được vài người. Một người đàn ông nói đã gặp được cha trước khi cha ông qua đời: "Năm 1977, tôi có liên lạc được với bố tôi nhờ một địa chỉ nho nhỏ gửi nhân viên sứ quán Nhật Bản. Sau đó bố tôi bắt đầu viết thư sang bên này. Rồi sang VN một lần năm 1981, bố tôi qua đời năm 1990".

Một phụ nữ cho biết là rất muốn tìm tung tích của người cha: "Lúc bố tôi đi cũng để lại một số giấy tờ và ảnh. Thế nhưng thời gian và chiến tranh đã làm mai một đi. Trước lúc mẹ tôi mất cũng nói với anh tôi rằng tên bố con là như thế này, chỉ nói thế thôi và không kịp tâm sự gì với con cái thì mẹ tôi mất, cách đây đã 28 năm rồi.

Nguyện vọng của ba chị em, bây giờ chúng tôi cũng lớn rồi, nên chỉ mong mỏi làm sao có một chút tin tức, nếu bố tôi còn sống thì tốt, mà không thì cũng biết bố mất ngày nào để chị em chúng tôi còn hương khói.

KATO NORIO (trưởng ban tiếng Việt Đài NHK)