Giành được độc lập nhưng Nhà nước VN non trẻ không tránh khỏi tình thế phải đối đầu với quân Pháp đang âm mưu quay trở lại. Yêu cầu cấp bách của VN là phải đào tạo ngay một đội ngũ sĩ quan lãnh đạo quân đội trong tương lai. Và các cựu quân nhân Nhật Bản là một trong những chọn lựa...

Sáng kiến của tướng Nguyễn Sơn

Một trong những đóng góp tiêu biểu nhất của người VN mới là hoạt động của họ tại Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi. Trường này là một trong ba trường đào tạo sĩ quan quân đội chính qui đầu tiên của VN. Trường đã khai trương vào ngày 1-6-1946 với khoảng 400 học viên.

Theo ký ức của các cựu học viên, trường có 11 người Nhật làm giáo viên huấn luyện quân sự, trong đó có ông Kamo Tokuji (Phan Huệ). Nhiều cựu lính Nhật tập trung ở trường này là từ sáng kiến của tướng Nguyễn Sơn, chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam kiêm hiệu trưởng Trường Lục quân Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Văn Khoan, tiến sĩ sử học, nói: "Có thể là Bộ Quốc phòng đã ra chỉ thị tranh thủ mọi công dân nước ngoài có xu hướng ủng hộ VN, giao quyền cho các tư lệnh địa phương được phép tuyển người nước ngoài vào công tác trong quân đội".

Khi Nhật đã bại trận, ở VN có khoảng 8 vạn lính Nhật. Họ chờ bị giải giới và hồi hương về Nhật. Tuy nhiên lực lượng đồng minh phụ trách giải giới (quân Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc, quân Anh ở phía Nam, ranh giới chia hai vùng này ở vĩ tuyến 16) đến VN chậm trễ nên Việt Minh đã tranh thủ thời cơ để củng cố lực lượng. Theo ông Nguyễn Văn Khoan, những lính Nhật lúc đó là đối tượng nên tranh thủ sự ủng hộ về mặt kỹ thuật quân sự và vũ khí, chứ không phải là kẻ thù nữa.

Là người VN duy nhất đã tham gia Vạn lý trường chinh của cách mạng Trung Quốc, tướng Nguyễn Sơn nhận thức đầy đủ trình độ quân sự nước ngoài nên ông chủ động tận dụng sự ủng hộ của lính Nhật để chống lại ý đồ tái chiếm đóng của Pháp.

Trường Lục quân Quảng Ngãi chia thành bốn đại đội, mỗi đại đội có một thầy giáo và một trợ giảng người Nhật phụ trách. Nội dung học có các động tác cơ bản như bắn súng, ném lựu đạn xung phong, đâm lê, bò toài... Học các bài học về canh gác, tuần tra, phòng ngự, tấn công... Nhớ lại thời đó, các học viên đều nói các giáo viên Nhật dạy thật tận tụy, nghiêm túc và luôn luôn tự làm động tác mẫu chính xác khiến họ kính phục. Nhiều học viên chịu ảnh hưởng tác phong của các giáo viên Nhật, cạo trọc đầu hay gỡ nút áo kaki.

Ông Huỳnh Thúc Tuệ đã nhắc lại những kỷ niệm về giảng viên người Nhật thời bấy giờ: "Tôi nói một thí dụ về khổ luyện. Đi tập thì từ thao trường phải chạy về trường khoảng 5km. Thầy bao giờ cũng bắt chạy rất đều, tức là bước đều rầm rập rầm rập, vừa chạy vừa hát, hát thật to. Hôm nào chúng tôi chạy đều, hát to thì thầy cho về doanh trại luôn, rồi nghỉ ngơi, ăn cơm. Thế nhưng hôm nào cứ lọc cọc, hơi xọc xạch thì thầy hô "mục tiêu sân bay".

Tức là từ chỗ ấy đi lên sân bay của Quảng Ngãi hơn 3km nữa. Thầy bắt chạy từ trên ấy đi lên rồi lại chạy về, chạy đều được rồi thì về, thầy mới thả ra. Sau này, năm 1990 gặp lại thầy, tôi mới hỏi thầy về những kỷ niệm cũ thì thầy vỗ vai tôi nói lúc ấy không chỉ học trò mệt mà thầy cũng rất mệt, thế nhưng nếu thầy không gương mẫu để học trò rèn luyện thì không thành công".

Ông Vũ Hắc Bồng, cũng một cựu học viên, nói: "Trường lục quân giúp tôi nên người. Bắt đầu làm con người có thể hiểu được xã hội, hiểu được công việc, hiểu được tương lai, hiểu được quốc tế. Dù chưa giỏi nhưng đó là bước đầu rất quan trọng cho tiến thân sau này. Điểm thứ hai, trường tạo cho tôi một môi trường tập thể, biết thế nào là tập thể. Mà tập thể đầu tiên của tôi là tập thể quân đội, rất quí báu. Cái đó vào ngoại giao rất quan trọng, nên tôi không quên mấy ông giáo viên Nhật Bản”.

Vì cuộc xung đột với Pháp là không thể tránh khỏi, thời gian đào tạo rút ngắn, vào ngày 22-11 các học viên tốt nghiệp và nhận nhiệm vụ mới, hầu hết ra tiền tuyến. Sau này các học viên đã thành đạt trong nhiều lĩnh vực như quân sự, ngoại giao, văn hóa nghệ thuật.

Trong lĩnh vực quân sự có trên 10 vị cấp tướng như thiếu tướng Lê Xuân Kiện - chỉ huy đội xe tăng chiến dịch Hồ Chí Minh, thiếu tướng Hồ Đệ - chỉ huy đơn vị tấn công sân bay Tân Sơn Nhất năm 1975... Một số học viên sau giải ngũ chuyển sang lĩnh vực khác như ông Nguyễn Khắc Huỳnh - chuyên viên ngoại giao tham dự đàm phán hòa bình Paris, ông Vũ Hắc Bồng - từng là đại sứ VN tại Angola và giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, ông Thái Vũ - nhà văn viết truyện lịch sử...

Vì điều kiện không cho phép, họ phải để gia đình lại VN. Họ nghĩ hai, ba năm sau có thể đoàn tụ gia đình, nhưng đối với đa số họ đó là lần chia tay vĩnh viễn, trong suốt phần đời còn lại họ không gặp lại vợ con VN nữa.

Một bi kịch nữa là trường hợp năm người Đài Loan phục vụ cho quân đội Nhật hoàng (Đài Loan lúc trước là thuộc địa Nhật Bản). Họ là kỹ sư nông nghiệp, từng hướng dẫn trồng đay ở VN, cũng tham gia khóa học nói trên nhưng bị Chính phủ Nhật từ chối cho phép về Nhật vì lý do là người nước ngoài.

Người VN mới đã hồi hương về Nhật trong bốn đợt từ năm 1954-1960, tổng cộng khoảng 100 người. Nhưng đa số người VN mới đã hi sinh tại VN khi chiến đấu hoặc chết vì bệnh tật.

Hiện nay vẫn còn chưa xác nhận được tung tích của nhiều người vì trên mộ của họ chỉ có tên tiếng Việt.
Những nhiệm vụ cuối cùng

Hầu hết người VN mới đã phụ trách huấn luyện quân sự ở nhiều trường quân chính hay lớp học cho dân quân. Một số khác ở các đơn vị chiến đấu hay chỉ huy.

Ông Đặng Văn Việt là cựu trung đoàn trưởng nổi tiếng anh hùng với chiến dịch đường số 4. Trong trung đoàn của ông có một người Nhật gọi là "Sáu Nhật" đã giữ chức đại đội trưởng đội trinh sát. Ông Việt kể: "Trong thời gian chiến dịch đường số 4, anh Sáu Nhật luôn ở cạnh tôi. Anh đi nghiên cứu địa hình, điều tra địch, vẽ sơ đồ để đề xuất phương án tác chiến. Sáu Nhật rất đắc lực. Sáu Nhật có trình độ quân sự vì là sĩ quan Nhật cũ, thêm nữa lại dũng cảm cho nên trong thành công của tôi, anh Sáu Nhật có công rất lớn".

Sáu Nhật có tên Nhật Iwai Koshiro, sau khi hồi hương về Nhật ông là một trong những người VN mới đã thành lập Hội Thương mại Việt - Nhật.

Người VN mới cũng phụ trách việc sửa chữa - sản xuất vũ khí. Ngoài quân sự, họ còn tham gia các công tác như y tế, dược sĩ, lái xe, kỹ sư khai thác khoáng sản... Trong Nhật ký của một bộ trưởng, ông Lê Văn Hiến viết: "(ngày 20-9-1949) Hội nghị tiểu ban quốc gia ngân hàng. Hội nghị bàn được nhiều vấn đề về nguyên tác đại cương.

Hoàng Đình Tùng trước đây đã làm ở Yokohama Bank nên có kinh nghiệm thực hành, giúp nhiều ý kiến về tổ chức".Hoàng Đình Tùng là Fujita Isamu, sau khi về Nhật ông là tổng thư ký đầu tiên của Hội Thương mại Việt - Nhật.

Vào khoảng năm 1950, cục diện của kháng chiến chống Pháp đã sang giai đoạn mới, số phận của những người VN mới cũng dần dần thay đổi. Hầu hết họ giải ngũ và chuyển vào khu vực dân sự như nông nghiệp, công nghiệp, buôn bán hay làm nghề khác, còn một số ít tiếp tục cộng tác trong Bộ tổng tham mưu quân đội với tư cách tham nghị, quân huấn. Một lý do khác khiến nhiệm vụ của họ đã thay đổi như thế là vì cách mạng Trung Quốc thành công vào năm 1949, quan hệ hợp tác giữa hai nước càng ngày càng chặt chẽ hơn.

Vào tháng 2-1954, những người VN mới gốc Nhật đã tập trung ở Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang để tham gia một khóa học tập nhằm chuẩn bị cho việc hồi hương. Có 93 người tham dự và khóa học kéo dài đến tháng chín. Có mặt trong buổi học tập này là những người lúc đó sống ở miền Bắc, còn ở miền Nam không được mời tham gia.

Và theo thỏa thuận của các hội chữ thập đỏ ở hai nước, người VN mới đã về Nhật vào tháng mười một năm đó.

(trưởng ban tiếng Việt Đài NHK)