Xin được mượn lời của cậu bé người Việt định cư tại Nhật Bản trong bài diễn thuyết làm tựa cho ghi chép sau khi xem chương trình "Những tư liệu về cuộc sống-con người" (ningen document), dài 50 phút trên kênh tổng hợp đài NHK, phát vào đúng ngày mùng một Tết (ngày 29-1-2006).

Nội dung chương trình về trẻ em Việt Nam mới sang Nhật định cư. Mong được chia sẻ cùng các bạn một nét màu trong bức tranh lớn nhiều mầu về cuộc sống người của Việt Nam tại Nhật Bản.

Hoàng Trần Quốc Huy, học sinh tiểu học năm thứ sáu bắt đầu bài diễn thuyết (speech) của mình tại một buổi diễn thuyết giành cho các em nhỏ Việt Nam mới sang định cư tại Nhật được tổ chức ở một thị trấn nhỏ, cách Kobe hai tiếng đi tàu.

"Tôi có tên Việt Nam là Hoàng Trần Quốc Huy, sang Nhật từ khi còn nhỏ cùng với bố mẹ và anh ... Khi vào năm lớp 1, mẹ đã chuyển tên cho tôi một cái tên Nhật Hoshiyama. Mẹ bảo làm như vậy để không bị các bạn trong lớp trêu là người nước ngoài ..."

Huy sang Nhật sống cùng bố mẹ và anh từ khi còn nhỏ. Anh của Huy, tên tiếng Việt là Linh, giờ đã học xong Cấp 3, không thi đại học, bắt đầu học và làm nghề trong phòng chăm sóc thẩm mỹ. Anh đã nhập quốc tịch Nhật và lấy tên Nhật. Anh là người luôn dạy bảo và chăm sóc Huy, nhất là từ khi bố Huy mất. Làm việc ở xa nhưng anh vẫn thường xuyên gọi điện về để trò chuyện và khuyên bảo em. Anh là người có anh hưởng nhiều, "như một người thầy vậy" (Huy nói).

Huy dường như may mắn hơn một số em Việt Nam sang định cư tại Nhật. Huy học tốt bằng tiếng Nhật, hòa nhập tốt với môi trường trường học ở Nhật. Thông minh, khỏe mạnh và hoạt bát, Huy không không chỉ là người giành giải nhất trong cuộc thi ma-ra-tông của trường năm vừa rồi mà còn là diễn viên chính của Đội múa lân Việt Nam với các thành viên còn lại là các bạn Nhật của trường.

"Tôi đã không bị bạn bè trêu trọc. Và kể từ năm lớp 3, tôi đã quyết định lấy lại tên Hoàng Trần Quốc Huy của mình..."

Nhưng năm nay là năm cuối cấp và Huy phải quyết định lựa chọn tên của mình khi đăng ký vào cấp 2. Dù biết mình đã thực sự hòa nhập và xã hội Nhật và nhận thấy "ở trường mọi người ở trường và ở thị trấn đều vui với sự có mặt của người Việt Nam như tôi", nhưng Huy vẫn không khỏi băn khoăn vì trường cấp 2 sẽ là trường mới với những bạn mới. Huy càng băn khoăn hơn khi anh trai của mình mới lấy quốc tịch Nhật và từ bỏ tên Việt Nam. Nhưng ...

"Tôi là người Việt Nam. Tôi muốn mình lấy tên Việt Nam và nhất định tôi sẽ lấy tên Hoàng Trần Quốc Huy khi thi vào trường cấp 2".

Bài diễn thuyết thuyết của Huy kết thúc với những ngấn nước trong mắt của mẹ.

Không được sống từ nhỏ ở Nhật như Huy, Hằng, em họ của Phi, hiện đang học năm cuối cấp 2 gặp ít nhiều khó khăn trong tiếng Nhật. "Tiếng Nhật khó. Thêm vào đó là những kiến thức về văn hóa, lịch sử Nhật Bản, tôi không được học". Nhưng Hằng luôn vươn lên. Vượt qua những trêu trọc của bạn bè, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn trong học tập, em đang cố gắng hòa nhập vào xã hội Nhật. Bên em là những giáo viên ở trường, những giáo viên tình nguyện và hơn cả là mẹ em.

"Vào cấp ba, con thích trường nào, trường nào tốt nhất cho con, con nói với cô đi. Đừng lo chuyện tiền. Mẹ lo được", giọng người mẹ một mình làm việc quần quật trong nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử để nuôi con ở cái nước mà ngôn ngữ chẳng thông này quả quyết. Hình bóng bà mẹ Việt Nam với tấm lòng dịu dàng và và hy sinh che chở và bảo ban con cho dù bản thân người mẹ cũng gặp muôn vàn khó khăn khi ở một mình nuôi con, khi không biết tiếng Nhật. Sự ân cần của người mẹ đã cổ vũ quyết tâm của Hằng, thi vào trường cấp 3 tốt hơn ở Kobe. Vẫn còn những nỗi lo vì trường này thi khó, vì từ nhà tới trường những 2 tiếng đi tầu và tốn kém nhưng Hằng đã đủ nghị lực trong cuộc thử sức này.

Chỉ còn một băn khoăn. "Tôi không nói tốt tiếng Việt cũng không giỏi tiếng Nhật. Tôi không còn là người Việt cũng không phải là ngưởi Nhật". Nhưng rồi chắc chắn những băn khoăn này sẽ dần qua đi, khi em trưởng thành để nhận ra đúng chỗ đứng ở đây. Và bên cạnh em luôn có mẹ và những người thân thiết.

Nhưng không phải mọi trẻ em người Việt sang định cư tại Nhật đều có thành tích tốt như Huy và quyết tâm như Hằng. Nhiều em đã phải bỏ học giữa chừng vì không bước qua được rào cản ngôn ngữ, vì không chịu được những trêu trọc của bạn bè người Nhật đối với người nước ngoài và cả vì bố mẹ các em quá bạn rộn để lo lắng cho việc học hành của con mình. Một nửa học sinh người Việt ở trường cấp hai nơi Hằng học đã bỏ học giữa chừng.

Nhìn những gương mặt rạng rỡ những trẻ em người Việt, tôi chỉ mong cho các em ai cũng có được may mắn và quyết tâm như Huy, như Hằng. Và tôi cũng có một day dứt nho nhỏ. Tiếng Việt mẹ đẻ và đất nước Việt Nam liệu còn một chút chỗ trong suy nghĩ của các em, ở cái nước Nhật bận rộn và đầy áp lực này.

(Theo VYSA)