Những chiếc máy cấp nhiệt độ do Việt Nam chế tạo lần đầu tiên được xuất khẩu sang Nhật Bản và được nhiều người dân nước này thừa nhận là “siêu tiết kiệm”. Điều lý thú hơn, cha đẻ của những chiếc máy này không phải là những kỹ sư chuyên ngành mà là những doanh nhân làm thương mại.
Máy Việt Nam thay chỗ máy Nhật Bản
Fukuoka - một tỉnh ở phía nam của Nhật Bản - một chiều mùa đông đầu năm 2006 trong một khu nông trại, dưới làn tuyết rơi ngập gối hai người đàn ông Việt Nam, một giám đốc và một kỹ sư, đã ôm nhau hét lên vì không kìm nổi sự sung sướng khi chiếc máy cấp nhiệt “made in Việt Nam” do chính tay họ chế tạo đã cho kết quả chạy thử nghiệm thành công. Chung quanh họ là những ông chủ trang trại, kỹ sư, nhân viên... người Nhật đã bày tỏ sự kinh ngạc của mình bằng những tiếng xuýt xoa, gật đầu thán phục.
Trong bữa tiệc mừng thắng lợi tối hôm đó, dưới sự chứng kiến của cơ quan thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cùng nhiều ông chủ trang trại, kỹ sư người Nhật Bản..., ông Ota - thay mặt Tập đoàn Vert Green hiện đang quản lý hàng trăm ha trang trại tại vùng Fukuoka - đã chính thức ký hợp đồng đặt mua 30 máy cấp nhiệt đầu tiên do Việt Nam chế tạo với tổng trị giá gần 200.000 USD.
Ngay sau khi đặt bút ký bản hợp đồng, vị giám đốc người Nhật Bản nọ đã bày tỏ sự thán phục: “Người Nhật Bản chúng tôi vốn nổi tiếng về sự tiết kiệm, nhưng qua chiếc máy này đã cho thấy các bạn còn là bậc thầy của sự tiết kiệm”.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Trung Dũng không giấu nổi sự vui mừng: “Có thể nói đây là một thành công lớn của người Việt trên đất Nhật Bản, bởi từ trước đến giờ khái niệm xuất hàng cơ khí, máy móc do người Việt Nam chế tạo xuất sang Nhật Bản là điều ít ai nghĩ tới, nhưng giờ đây chúng ta đã làm được và làm một cách rất thuyết phục”. Và người làm nên thành công này là ông Vũ Kiên Chỉnh - giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm (Hà Nội).
Chế tạo máy để... giữ mối làm ăn
Tốt nghiệp chuyên ngành ngoại thương năm 1982, ông Vũ Kiên Chỉnh tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu, trong đó có mặt hàng cây kiểng. Một ngày đầu năm 2004, phía đối tác ở Nhật Bản đề nghị giảm giá bán nếu không họ khó có thể nhập cây kiểng từ Việt Nam. “Lúc đó tôi suy nghĩ rất nhiều, bởi nếu mình giảm giá bán thì sẽ lỗ, nhưng không giảm thì sẽ mất mối làm ăn”, ông Chỉnh kể lại.
Không thể bỏ được, phải giữ, nhưng bằng cách nào? Đắn đo mãi, Vũ Kiên Chỉnh quyết định khăn gói sang Nhật Bản gặp đối tác. Qua trao đổi ông Chỉnh mới nhận ra là chi phí chăm sóc cây quá lớn. Do khí hậu khắc nghiệt, vào mùa đông có những ngày nhiệt độ xuống dưới 0 độ. Để cây kiểng nhập khẩu có thể sống được, các nhà nhập khẩu phải giữ trong các nhà vườn (diện tích khoảng 6m x 80m) có mái che kín và sử dụng máy cấp nhiệt để giữ nhiệt độ phù hợp với cây kiểng.
Hiện ở Nhật Bản đã sản xuất những máy cấp nhiệt chạy liên tục trong ngày và tiêu tốn một lượng dầu khổng lồ để sưởi ấm cho cây. Điểm mấu chốt chính là đây: làm sao giảm chi phí cho đối tác thì sẽ giữ được mối hàng. Sau khi quan sát chiếc máy cấp nhiệt do Nhật Bản chế tạo, ông Chỉnh nói giọng chắc nịch: “Chúng tôi sẽ giúp ông có được chiếc máy với một chi phí tiết kiệm nhất”.
Thời gian chạy 16 giờ, máy của Nhật Bản tiêu hao 170 lít dầu (tương đương 139 USD), trong khi máy Việt Nam chỉ tốn 13 kg than (13 USD).
Giá máy của ông Chỉnh chỉ bằng 20% so với máy Nhật Bản và có thể sử dụng than củi, thùng cactông...Đây là những thứ mà các nhà vườn Nhật Bản hằng tháng phải chi thêm một khoản tiền để các cơ quan dọn vệ sinh đem đi hủy.
Về nước, ông Chỉnh cùng cộng sự là kỹ sư Vũ Như Thủy mua sách vở và đi nhiều nơi mày mò tìm hiểu và nhận ra điểm hạn chế của máy do Nhật Bản sản xuất là dùng dầu diesel để đốt trực tiếp, dùng quạt để hút hơi nóng ra nên hao tốn nhiên liệu. Khắc phục hạn chế này, từ nguyên lý hoạt động của chiếc máy lạnh hai cục, ông Chỉnh đã nghĩ đến việc tạo ra bộ phận tách rời của chiếc máy cấp nhiệt.
Nguyên lý hoạt động của máy này là sử dụng lò đun nước sôi lên sau đó dùng ống dẫn nước nóng qua bộ tản nhiệt, hơi nóng sẽ được cấp vào nhà vườn. Tuy nhiên, vì là dân không chuyên ngành nên ông Chỉnh và cộng sự phải làm đi làm lại và tiêu tốn hàng tỉ đồng mới đi đến thành công.
Mơ ước của ông “kỹ sư” Chỉnh
Trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng cao, trong khi nhu cầu sử dụng máy cấp nhiệt ở các nhà vườn tại Nhật Bản rất lớn nên việc chế tạo thành công máy cấp nhiệt đã được giới làm vườn ở Nhật Bản hoan nghênh.
Là một nhà kinh doanh nên ông Chỉnh có cả kế hoạch để khai thác tối đa những ưu điểm của chiếc máy này. Ông Chỉnh cho biết, chiếc máy gần như hoàn chỉnh, có điều chỉnh chủ yếu là thu nhỏ kích thước. Đầu tiên là sản xuất hàng loạt để xuất sang thị trường Nhật Bản với 80% linh kiện được sản xuất trong nước... Đồng thời, Công ty Tùng Lâm dự kiến cung ứng luôn chất đốt là than tổ ong cho những người sử dụng máy ở Nhật Bản.
Không dừng lại ở đó, ông Chỉnh sẽ khai thác thị trường trong nước. Chức năng chính của máy là cấp nhiệt nên còn có thể ứng dụng rộng rãi trong việc sấy chè, sấy khoai mì, đặc biệt là sấy khô lúa cho các vùng miền ở trong nước khi bước vào mùa mưa bão...
(Tuổi trẻ)