[WRAP]http://www.hoinhap.com.vn/cnhn/upload/webnews/HondaVP.jpg[/WRAP]Dự báo, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa 2 nước sẽ đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2006 - 2007. Trong những năm tới, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng gia tăng.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đang có những tín hiệu tốt đẹp. Một trong những tín hiệu đó là việc Việt Nam và Nhật Bản khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do. Dự báo, trong những năm tới, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng gia tăng. Theo ông Junichi Onikubo, Giám đốc Itochu thành phố Hồ Chí Minh, “khi những đơn vị sản xuất lớn ở Việt Nam mở rộng sản xuất thì những khách hàng giao dịch với Việt Nam cũng sẽ phát triển, đó là một ưu điểm làm tăng lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, những quyết định của Chính phủ cũng là yếu tố rất quan trọng trong việc mở rộng thu hút kêu gọi đầu tư. Bên cạnh những doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là những doanh nghiệp rất quan trọng mà chúng ta cần thu hút đầu tư vào Việt Nam".

Trong những ngày đầu năm 2006, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản và thế giới là Mitsubishi Tokyo UFJ đã ký với Chính phủ Việt Nam thoả thuận hợp tác nhằm thúc đẩy các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản và tăng cường vốn cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ký một thoả thuận hợp tác như vậy với ngân hàng Nhật Bản. Theo thoả thuận, Ngân hàng này sẽ tổ chức các buổi giới thiệu định kỳ nhằm giúp các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu được môi trường kinh doanh ở Việt Nam, từ đó xúc tiến các kế hoạch đầu tư.

Trong tương lai, Mitsubishi Tokyo UFJ sẽ hợp tác với các cơ quan tài chính Việt Nam nhằm cung cấp thêm vốn hoạt động cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam có trách nhiệm ưu tiên cung cấp sớm cho ngân hàng này những nội dung sửa đổi quy định đầu tư cũng như thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Trước mắt, nguồn tài chính từ Mitsubishi Tokyo UFJ sẽ được sử dụng để khai thác các nguồn năng lượng tự nhiên như than đá và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như khí đốt…

Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 4,5 tỷ USD (chiếm khoảng 14,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), tăng hơn 18% so với năm 2004. Dự kiến, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa 2 nước sẽ đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2006 - 2007. Với những ưu đãi và thông thoáng về môi trường đầu tư và kinh doanh mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản, việc thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản là khả quan.

Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản kỳ vọng ở thị trường Việt Nam do ổn định về chính trị, với thị trường tiêu dùng trong nước khá lớn và tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Năm 2005, các công ty thuộc nhiều ngành nghề của Nhật Ban đã đầu tư sang Việt Nam với nhiều nhà cung cấp cho các công ty sản xuất lớn như ôtô, xe máy, máy móc thiết bị văn phòng. Và một trong những điểm nổi bật giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư hiện nay theo ông Mikio Takeuchi (Trung tâm tài chính quốc tế Nhật Bản) là do: lao động ưu tú, chi phí thấp và rủi ro không tập trung. Bên cạnh đó, tỷ lệ thực hiện trong từng thời kỳ tăng lên hơn 80%. Việc các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu chú ý đầu tư ra nước ngoài cho thấy sự thành công của Việt Nam; hơn nữa Việt Nam được đánh giá tốt hơn cũng sẽ tạo ra chu trình tốt để dẫn tới việc mở rộng đầu tư”.

Những lý do mà ông Mikio Takeuchi nêu ra đã phần nào cho thấy những điểm mà Việt Nam có lợi thế khi thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, làm gì để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư của Nhật Bản, nhiều hơn nữa là điều mà các bộ, ngành Việt Nam cần chú ý tới qua đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian tới./.

Theo VOV