[WRAP]http://www.hoinhap.com.vn/cnhn/upload/webnews/FDI.jpg[/WRAP]Cách đây 3 năm, Chính phủ hai nước Nhật Bản và Việt Nam đã triển khai Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản về cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam. Nhờ đó, trong thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam đã gia tăng trở lại. Nhật Bản hiện đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 606 dự án, có tổng vốn đăng ký trên 6,434 tỷ USD.


Đồng thời, dẫn đầu về vốn FDI thực hiện tại Việt Nam, với tổng vốn thực hiện hơn 4,669 tỷ USD. Trong 3 năm qua, đầu tư của Nhật Bản đã liên lục tăng trưởng với tốc độ cao cả về số lượng dự án, cũng như vốn đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, FDI Nhật Bản vào Việt Nam có thể đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2006.

Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam không còn là “làn sóng” thời thượng, mà là quyết định đúng đắn và nghiêm túc của nhà đầu tư. Đó là khẳng định của ông Oshikiri Koji, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. Có thể thấy rõ điều này qua việc các doanh nghiệp Nhật Bản đang có mặt tại Việt Nam liên tục tăng vốn.

Số vốn của dự án mở rộng quy mô đầu tư ngày càng tăng, đạt trên 61 triệu USD năm 2003; 590,2 triệu USD năm 2004 và 475,9 triệu USD năm 2005. Trong đó có một số “đại gia”, như Canon (60 triệu USD), Honda (58 triệu USD), ToTo (58 triệu USD), Yazaki (27 triệu USD). Ba yếu tố quan trọng khiến ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Đó là rủi ro trong đầu tư thấp (chủ yếu so với Trung Quốc về những rủi ro thường gặp trong chính trị, kinh tế - xã hội); chi phí đầu tư thấp (chủ yếu so với Singapore, Thái Lan, Malaysia); và quan trọng nhất là Việt Nam nằm trong chiến lược mở rộng hoặc cơ cấu lại những khu vực đầu tư.

Phân tích về khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực đối với thu hút đầu tư Nhật Bản, ông Kyoshiro Ichikawa, chuyên gia tư vấn đầu tư cao cấp Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết, chi phí đầu tư tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Chẳng hạn, nếu mức lương bình quân tháng cho một kỹ sư tại Hà Nội chỉ là 182 - 327 USD, TP.HCM 291 - 329 USD, thì ở Thượng Hải là 312 - 661 USD, Thâm Quyến 140-482 USD, Bangkok 400 USD. Nếu mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam là 28%/năm, thì ở Trung Quốc là 33% và Thái Lan là 30%.

Một nỗ lực đáng chú ý của Việt Nam là việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thông qua việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài vào ngành này. Việc hàng loạt các khu công nghiệp chuyên ngành tại TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Hải Dương… đang được quy hoạch và xây dựng và những chính sách ưu đãi đặc biệt đã thu hút nhiều nhà đầu tư chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử, dệt may đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang triển khai quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp phụ trợ cho hàng loạt ngành công nghiệp quan trọng.

Tuy nhiên, ông Kyoshiro khẳng định, chi phí đầu tư thấp, tính an toàn cao vẫn chưa phải là lợi thế tuyệt đối trong thu hút đầu tư Nhật Bản.

Những khó khăn mà các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung gặp phải tại Việt Nam cũng chính là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư phải cân nhắc khi quyết định lựa chọn Việt Nam. Đó là hệ thống pháp luật chưa thống nhất, thiếu minh bạch; tính phổ biến chưa cao; thủ tục phức tạp; ngành sơ chế kém phát triển, nên việc phát triển sản xuất thành phẩm rất khó; trình độ của đội ngũ quản lý còn thấp.

Để thu hút hơn nữa vốn đầu tư từ Nhật Bản, ông Kyoshiro cho rằng, cần nâng cao hơn nữa tính thống nhất trên cơ sở Luật Đầu tư chung. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng cần được chú trọng. Liên quan đến phát triển môi trường cho hoạt động kinh doanh, ông Kyoshiro đề ra những yếu tố quan trọng. Đó là, phát triển cơ sở hạ tầng (điện, mạng đường bộ, thiết bị cầu cảng); cắt giảm chi phí (điện, phí đường bộ, phí cầu cảng…) và đơn giản hoá thủ tục.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, sau thành công giai đoạn I của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, nội dung giai đoạn II (2006 - 2007) đang được Ủy ban Sáng kiến chung thảo luận và sẽ đưa ra kế hoạch hành động vào tháng 6/2006. Mục tiêu quan trọng của giai đoạn II là tiếp tục cải thiện và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Bà Vân khẳng định, với những mục tiêu cụ thể, giai đoạn II sẽ góp phần thu hút đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam phát triển vượt bậc.

Theo Đầu tư