Từ câu chuyện về du khách Nhật, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương Nobu Taka Ishikure cho rằng, cùng với quảng bá hình ảnh đất nước, thì hiểu về du khách và hoàn thiện các kỹ năng để chăm sóc họ là những yếu tố quan trọng hút khách quốc tế đến và trở lại Việt Nam.



Vịnh Hạ Long là điểm đến được yêu thích của nhiều du khách quốc tế.
Đến từ Nhật Bản, ông Nobu Taka Ishikure, Chủ tịch Chi hội PATA Nhật Bản kiêm Chủ tịch PATA nhiệm kỳ 2005-2006, đã cùng lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, các đại biểu quốc tế, các công ty du lịch Việt Nam... tham dự hội thảo "Tìm hiểu thị trường và chăm sóc khách hàng", do PATA, Chi hội PATA Việt Nam tổ chức hôm 27/3, tại Hà Nội.

Hiểu du khách

Trong hội thảo, ông Nobu Taka Ishikure đã thuyết trình về những đặc điểm, sở thích, tâm lý của du khách Nhật. Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý, công ty du lịch... Việt Nam hiểu hơn về những du khách này để lên kế hoạch "chăm sóc" tốt nhất khi họ tới Việt Nam.

Ông nói, các doanh nghiệp (DN) làm du lịch Việt Nam cần biết rằng, người dân Nhật rất nhạy cảm trước những tin tức tiêu cực, như những bất ổn về chính trị, rủi ro... Sự kiện 11/9 tại Mỹ hay cuộc chiến Iraq mà Mỹ phát động năm 2003 đã khiến lượng khách Nhật thích đi vãn cảnh nước ngoài giảm mạnh. Ngoài ra, "Chính phủ Nhật thường ra khuyến cáo công dân của họ không nên đi du lịch đến những thị trường "bất ổn", và bẩm sinh người Nhật rất nghe theo những lời khuyến cáo này", ông nói.

Hai đợt bùng nổ khách du khách Nhật đến Việt Nam cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này. Ông Nobu Taka Ishikure cho biết, người Nhật yêu thích thiên nhiên tươi đẹp, các di sản thế giới, sự yên bình, sự hấp dẫn về ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ... của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam hiện là một trong 20 điểm đến hàng đầu của du khách Nhật, với những địa điểm được yêu thích như Vịnh Hạ Long, Huế, Hội An, Mỹ Sơn...

Tuy nhiên, khách Nhật lại ít quay lại Việt Nam, đặc biệt ít đối với lần thứ ba. Nguyên nhân là do họ thiếu thông tin, không hài lòng lắm khi đi mua sắm (sản phẩm còn nghèo nàn) và không thấy thông tin về hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, lý do còn là cơ sở hạ tầng của Việt Nam yếu kém và du lịch Việt Nam chưa thực sự hướng tới khách du lịch giàu có.

Nhật Bản từ lâu đã nằm trong danh sách 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách du lịch đến Việt Nam đông nhất, gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên, so với tổng số du khách Nhật đi du lịch nước ngoài (17,5 triệu năm 2005), số khách đến Việt Nam còn quá nhỏ bé (chỉ 317.000 người).

Do vậy, để cạnh tranh với các điểm đến mới và các thị trường du lịch phát triển như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia... và khuyến khích du khách Nhật quay trở lại, ông Nobu Taka Ishikure cho rằng, Việt Nam cần quảng bá nhiều hơn hình ảnh của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng Nhật Bản. Hiểu hơn về luật hoạt động của các công ty lữ hành Nhật Bản sẽ là một lợi thế. Nếu biết rõ hơn về 15 ngày lễ mà người Nhật không đi du lịch, hay những thời điểm mà người Nhật thích "ở nhà" hơn như ngày Phật đản vào trung tuần tháng 8, tuần lễ cuối năm và trước bầu cử... cũng giúp ích cho các công ty du lịch Việt Nam lên kế hoạch thu hút khách.

"Điều quan trọng là phải hiểu về đặc điểm tập quán, phong tục, những sở thích để chăm sóc khách hàng", ông Nobu Taka Ishikure nói.

Để thu hút họ đến Việt Nam

Một trong những "phương tiện" hữu hiệu trong quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới là hàng không. Ông Trịnh Hồng Quang, Trưởng ban Tiếp thị Hành khách (Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines), cho biết, hãng đã mở 27 điểm bay quốc tế, với hơn 10.000 đại lý ở cả 5 châu lục, 27 văn phòng đại diện trên toàn thế giới. Nhờ vậy đã tạo ra nhiều sự lựa chọn cho du khách, với thời gian bay ít hơn và hỗ trợ các công ty du lịch phát triển nhiều tour mới.

Với đội bay 39 chiếc (61 chiếc vào 2010), Vietnam Airlines dự kiến sẽ mở thêm đường bay mới tới các nước châu Âu và Mỹ, Đông Dương và tiểu vùng sông Mekông mở rộng; đưa vào hoạt động các chuyến bay từ sân bay Đà Nẵng đến các nước Đông Bắc Á.

Ông Quang cũng nói rằng, thời gian tới Vietnam Airlines sẽ hợp tác với các cơ quan quản lý du lịch, công ty lữ hành để phối hợp quảng bá hình ảnh Việt Nam, với chi phí hợp lý và có hiệu quả hơn.

Còn ông Peter Van Deree, Tổng Giám đốc khách sạn Park Hyatt, lại nhấn mạnh, sự thành công của tập đoàn Microsoft, đội bóng Barcelona hay sản phẩm Coca Cola chính là nhờ họ có một tầm nhìn rõ ràng cho đích mà họ đang nhắm đến. Vì vậy để tăng thêm và duy trì khách hàng du lịch, cần có một sản phẩm được xác định rõ ràng để khách hàng có sự lựa chọn đúng; việc tiếp thị, kinh doanh sản phẩm phải được tổ chức tốt và chỉ có thể đạt được khi nguyên tắc đầu tiên hoàn thiện.

"4 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay hoàn toàn là thực tế", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Chi hội PATA Việt Nam Vũ Tuấn Cảnh, khẳng định. Trong 3 tháng đầu năm, chúng ta đã đón 1 triệu du khách quốc tế. Ông Tuấn nói rằng, để tăng từ 100.000 du khách (1986) lên 1 triệu, Việt Nam đã mất 8 năm (1994); từ 1 triệu lên 2 triệu (năm 2000) mất 6 năm; từ 2 triệu lên 3 triệu mất 5 năm (2005). Ngành du lịch đang phấn đấu rút ngắn thời gian từ 3 triệu lên 4 triệu chỉ còn một năm.

Với mức tăng trưởng nhanh thứ 6 trên toàn thế giới, Tổng cục xác định chất lượng nhân lực chính là yếu tố quyết định chất lượng phục vụ của du lịch Việt Nam. Chính vì thế mà Việt Nam đang tập trung đào tạo nhân lực, hoàn thiện các kỹ năng để chăm sóc khách hàng tốt hơn và đáp ứng được các yêu cầu của khách, không chỉ riêng đối với khách Nhật mà là du khách toàn thế giới.

Theo Vietnamnet