[WRAP]http://www.hoinhap.com.vn/cnhn/upload/webnews/hangthucong.jpg[/WRAP]Ông Thái Văn Hải, giám đốc công ty gốm sứ Hải Dương nhớ như in cuộc điện thoại đặt hàng của một khách hàng lạ từ thành phố Osaka (Nhật Bản). Vị khách này tình cờ bắt gặp sản phẩm công ty ở những nhà hàng Việt Nam do Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) mở ở Nhật.


Nhiều năm qua, gốm sứ Hải Dương có những đơn hàng đều đặn từ Nhật Bản như vậy. Có được những đơn hàng này, theo ông Hải, “là nhờ vào những sản phẩm xuất khẩu tại chỗ, thông qua những showroom và “ăn theo” chuỗi nhà hàng, khách sạn của Saigontourist”. Không những gốm sứ Hải Dương, nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ khác cũng tìm những đơn hàng lớn thông qua những sản phẩm mỹ nghệ nhỏ trưng bày ở showroom trong nước. Họ cho rằng, dù trưng bày ở một chỗ, nhưng nếu chuẩn bị hàng hóa và liên kết tốt, hàng mỹ nghệ vẫn đi xa.

Nhiều đường xuất khẩu tại chỗ

Ngoài những đơn hàng có được như trên, công ty sứ Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua kênh phân phối là mạng lưới nhà hàng, khách sạn của hệ thống Saigontourist liên doanh với Nhật, sử dụng những sản phẩm ấm chén, tách, bình của gốm sứ Hải Dương. “Đây là cách tiếp thị hình ảnh sản phẩm hiệu quả nhất thông qua việc xuất khẩu tại chỗ từ Saigontourist. Du khách, thương gia nước ngoài có thể trực tiếp nhìn thấy và sử dụng sản phẩm của công ty. Nếu ưng ý, họ sẽ đặt hàng”, ong Hải nói. Ưu điểm của việc xuất khẩu tại chỗ là du khách có nhiều cơ hội chọn lựa, “tiếp xúc trực tiếp” với sản phẩm và thỏa mãn được nhu cầu săn hàng độc của họ.

Các showroom trưng bày hàng mỹ nghệ trong nước của các doanh nghiệp đã thỏa mãn được nhu cầu của khách Nhật. Theo ông Nguyễn Thanh Minh, giám đốc công ty Vinagift, hàng mỹ nghệ Việt Nam gần với gu người Nhật, bởi văn hóa Nhật gần gũi với Á đông. Nhu cầu mặt hàng này của Nhật được chia thành hai nhóm khác nhau. Nhóm hàng rẻ, Trung Quốc là nguồn cung cấp chính. Hàng thủ công mỹ nghệ với số lượng nhỏ và độc đáo, Việt Nam đang nổi lên như một nguồn cung cấp ổn định. Khách du lịch qua Việt Nam rất mê những mặt hàng này. Những mặt hàng chạm gỗ mỹ nghệ có độ tinh xảo cao, mức độ phối hợp, pha trộn giữa các chất liệu để tạo nên một sản phẩm mỹ nghệ hoàn chỉnh cũng được đối tác nhập khẩu ưa chuộng.

[WRAP]http://www.hoinhap.com.vn/upload/Image/tourist.jpg[/WRAP]Khi mua một món hàng, người Nhật mong muốn hiểu biết những nét văn hóa của Việt Nam trên từng sản phẩm. Những bộ bình trà với hoa văn, họa tiết là đường nét của trống đồng Đông Sơn, những nét vẽ tinh tế cổ xưa của gốm Bát Tràng, gốm Chu Đậu của Hải Dương… Tuy nhiên, họ yêu cầu mỗi sản phẩm phải kết hợp được giá trị sử dụng, giá trị nghệ thuật và văn hóa truyền thống. Đơn cử, một chiếc bình gốm sứ dùng để cắm hoa được khách Nhật lựa chọn phải có dáng vẻ cổ xưa, những hoa văn trên thân bình phải ghi dấu một giai đoạn lịch sử, văn hóa của Việt Nam.

Ngoài việc trưng bày ở showroom, nhiều doanh nghiệp năng động hơn đã đi chào hàng những mặt hàng chén bát đĩa và một số đồ mỹ nghệ cho nhà hàng Nhật ở Việt Nam. Theo họ, nếu sản phẩm đạt yêu cầu, ngoài việc mua và sử dụng sản phẩm tại nhà hàng Nhật, chủ nhà hàng sẵn sàng giới thiệu chúng cho thương gia Nhật sang tìm nguồn hàng tại Việt Nam”.

Liên kết với du lịch

Xuất khẩu tại chỗ là con đường ngắn nhất để đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đi xa, thông qua mỗi du khách. Mức chi tiêu của từng du khách đến Việt Nam sẽ tăng lên, nếu chúng ta tạo điều kiện cho họ mua sắm. Một showroom trưng bày hàng mỹ nghệ bắt mắt, một lịch trình chi tiết của tour mua sắm do công ty du lịch phối hợp với nhà sản xuất tổ chức sẽ là cách xúc tiến xuất khẩu tại chỗ tốt nhất. Ông Thái Hồ Hải, giám đốc công ty Lạc Phương Nam nói: “Để thuyết phục được du khách, ngoài sản phẩm độc đáo, giá cả phải chăng, cần tạo cho du khách sự thoải mái, an toàn và hãy để họ khám phá những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam trên từng sản phẩm mỹ nghệ”. Mỗi hướng dẫn viên, người bán hàng phải đáp ứng được nhu cầu này của du khách. Lạc Phương Nam đang kết hợp với công ty Trung Thủy, với thương hiệu Miss Áo Dài khá quen thuộc với du khách Nhật, để trưng bày mặt hàng mỹ nghệ làm bằng sơn mài của công ty.

Dạo một vòng ở những điểm mua hàng thủ công mỹ nghệ du lịch có tên tuổi như Miss Sài Gòn, Miss Áo Dài, XQ, Tây Sơn, Sài Gòn Tourist, thương xá Tax, Zen Plaza... (TP.HCM) mới thấy nhu cầu mua sắm của du khách ngày càng tăng. Chị Duyên, bán hàng mỹ nghệ tại một showroom trên đường Lê Lợi, Q.1 cho biết, du khách sẵn sàng trả giá cao gấp 10 lần giá thành một món hàng mỹ nghệ mà họ thích, đặc biệt là khách Nhật. “Nếu phục vụ khách hàng tốt, họ sẽ giới thiệu thêm khách mới đi trong đoàn, hoặc trước khi kết thúc tour họ còn dắt thêm bạn bè trở lại để mua hàng”, chị Duyên nói. Khi mua một món hàng, khách Nhật hỏi cặn kẽ thông tin sản phẩm làm ở đâu, hỏi xin danh thiếp những công ty ký gởi hàng hóa. Nhiều khách còn muốn được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân chế tác trên từng sản phẩm.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), sau 3 năm thử nghiệm thành lập showroom trưng bày hàng xuất khẩu, trong đó có mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hình thức xúc tiến thương mại tại chỗ này đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Năm 2004, có 116 DN tham gia trưng bày, với 5 hợp đồng được ký kết trị giá 200 ngàn USD. Năm 2005 đã tăng lên 150 DN tham gia và 24 hợp đồng giá trị 3 triệu 85 ngàn USD. Trong năm 2006, đã có hơn 200 doanh nghiệp trưng bày hàng hóa tại showroom của ITPC (92 – 96 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM). Với hình thức xúc tiến đa dạng, trưng bày sản phẩm tại chỗ, nhiều doanh nghiệp thừa nhận, họ đã có những hợp đồng với các thương nhân nước ngoài sau khi tham quan showroom.

Theo Bộ Thương mại, đến năm 2010, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt trên 6 triệu người. Nếu nâng mức chi tiêu bình quân lên 100 USD/người/ngày và thời gian lưu trú trung bình 6 ngày, khả năng đạt doanh thu từ hoạt động xuất khẩu hàng hoá tại chỗ đến năm 2010 sẽ có thể đạt khoảng 1,5 - 1,7 tỷ USD, trong đó hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chiếm một phần không nhỏ.

Theo Sài Gòn tiếp thị