[WRAP]http://www.hoinhap.com.vn/cnhn/upload/webnews/battay3.jpg[/WRAP]Ngày 3/5/2006 Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, tại phiên họp lần thứ 2, nhóm nghiên cứu thành lập Đối tác kinh tế song phương Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) ttừ 26-28/4/2006 hai bên đã cùng nhau trao đổi ý kiến liên quan tới đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản.

Đây sẽ là Hiệp định kinh tế song phương đầu tiên có tầm sâu rộng nhất mà Việt Nam đã ký kết với một số đối tác nước ngoài nhằm thực hiện thỏa thuận giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nhật Bản Koizumi vào tháng 12/2005. Phiên họp đã kết thúc giai đoạn nghiên cứu khả thi và nhất trí khuyến nghị Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản sớm triển khai đàm phán chính thức. Phía Nhật Bản đã đề xuất một lộ trình đàm phán mà theo đó hai bên sẽ đạt được Hiệp định cơ bản vào đầu năm 2007.

Được biết, hiện quan hệ thương mại Việt-Nhật đang phát triển với tốc độ cao. Nhật Bản là một trong 3 thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam (sau Mỹ và EU). Nếu kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản vào năm 2000 mới đạt 4,52 tỷ USD, thì năm 2005 kim ngạch đã vượt trên 8,163 tỷ USD. Đây cũng là năm đầu tiên kim ngạch hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt tới 4,56 tỷ USD, tăng 20,3% so năm 2004 (từ năm 2001 -2004 mức tăng trung bình là 15-20%/ năm).

Năm 2005, Việt Nam cũng nhập của Nhật khoảng 3,6 tỷ USD (tăng 15,3%). Tuy nhiên, xuất siêu của Việt Nam sang Nhật lại đạt đến khoảng 960 triệu USD (tăng trên 43%). Nếu trừ dầu thô Việt Nam vẫn xuất trên 370 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất sang Nhật trong năm 2005 có kim ngạch lớn gồm hàng may mặc; hải sản kể cả tôm; dầu thô; hàng dệt thoi; dây cáp điện; than đá; đồ gỗ; hàng dệt kim và linh kiện điện tử mạch in. Đáng chú ý là xuất khẩu Việt Nam không chỉ tăng kim ngạch mà đang phát triển tương đối rõ về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Gần đây, Việt Nam đã đưa hoa tươi, hàng may mặc cao cấp và thực phẩm chế biến vào thị trường Nhật. Bên cạnh đó, tỷ lệ gia công nội địa trong sản phẩm xuất khẩu và tỷ lệ kim ngạch thành phẩm xuất khẩu cũng được nâng cao (đặc biệt sản phẩm thủy sản, cơ khí và IT...).

Tôm của Việt Nam bắt đầu xuất sang thị trường Nhật Bản từ năm 2004, đến nay đã vươn lên vị trí thứ nhất với thị phần đạt 23,3% vượt đối thủ lâu nay là Indonesia (khoảng 21%). Ngoài ra, trong năm 2005, thị phần đồ gỗ Việt Nam xuất vào thị trường Nhật đã tăng từ vị trí thứ 4 lên thứ 3 (sau Trung Quốc và Đài Loan). Hiện chiếm 8% thị phần nhập khẩu đồ gỗ của Nhật Bản và đang có xu hướng tăng nữa. Với nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội thất, ngoại thất của Nhật Bản là hơn 2,2 tỷ USD/năm. Đây là mặt hàng có triển vọng rất lớn để Việt Nam tăng kim ngạch vào thị trường Nhật Bản trong năm 2006 và những năm sau này. Riêng mặt hàng mây tre của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đang có xu hướng chững lại. Ngoài nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này tại Nhật đang giảm (từ năm 2002 đến nay giảm khoảng 9-10%), thì mẫu mã hàng Việt Nam còn chưa phong phú và giá cả chưa cạnh tranh được với hàng Trung quốc và Philipines. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn đến cải tiến mẫu mã để kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt cần sáng tạo kết phối (nhiều) nguyên liệu làm tăng thêm giá trị sản phẩm và tạo ra sản phẩm mới.

Theo TTXVN