[WRAP]http://img144.imageshack.us/img144/7790/dacamxj0.jpg[/WRAP]
Trong suốt 30 năm qua, nhiếp ảnh gia Nhật Bản Goro Nakamura dành nhiều thời gian và tâm sức cho việc chụp những bức ảnh lột tả nỗi đau và sự hủy diệt mà chất độc da cam/điôxin do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong những năm chiến tranh gây ra cho người dân và đất nước Việt Nam.


"Chất độc màu da cam/điôxin không chỉ tạo ra những thảm kịch cho một thế hệ những người trực tiếp bị phơi nhiễm mà tấn công từ thế hệ này sang thế hệ kia. Tôi muốn thể hiện rõ nhất bức tranh về thảm kịch da cam/điôxin đối với nhiều thế hệ người Việt Nam", ông Nakamura nói.

Bắt tay vào chụp những bức ảnh về hậu quả chất độc da cam/điôxin tại Việt Nam từ năm 1976 và từ năm 1982, ông mở rộng đối tượng phản ánh sang cả các binh sĩ Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc này cùng con cái của họ. Năm 1995, ông đã xuất bản một cuốn sách ảnh "Chiến tranh Việt Nam: Chất độc da cam" bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.

Sắp tới, lần đầu tiên nhà nhiếp ảnh 65 tuổi này sẽ mang những bức ảnh của ông tới triển lãm tại chính nước Mỹ, ở thành phố Niu Yoóc từ ngày 3 đến 28/10.

Triển lãm được lấy tên "Mùa xuân câm lặng: Những bức ảnh về chất độc da cam", dựa trên ý tưởng từ bức ảnh một bé trai đang đứng trong một rừng đước đã bị khô héo do chất độc điôxin. Bức ảnh này được Nakamura chụp năm 1976 tại Mũi Cà Mau, một năm sau khi chiến tranh kết thúc. Cậu bé trong ảnh nay đã trên 30 tuổi và hiện đang phải nằm liệt giường vì nhiễm chất độc da cam/điôxin.

Để góp thêm tiếng nói đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam, ông Nakamura dự kiến sẽ tiếp tục mở triển lãm có quy mô lớn hơn tại Mỹ về hậu quả chất độc da cam/điôxin đối với Việt Nam./.
(theo ttxvn)