(VietNamNet) - Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Nhật Bản Misuo Sakaba thông báo, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy hợp tác Việt - Nhật lên tầm chiến lược vì hoà bình và thịnh vượng trong khu vực châu Á.
Ngay sau cuộc toạ đàm song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe đã cùng tới dự cuộc gặp giữa các lãnh đạo doanh nghiệp hai nước.

Đây là cuộc gặp cấp cao lần thứ hai của Thủ tướng hai nước. Trước đó Thủ tướng Nguyễn Tấn dũng đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản hồi tháng 10 vừa qua.

Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ sự vui mừng trước việc Việt Nam được để cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ. Cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thúc đẩy cải cách hội đồng này.

Trong cuộc toạ đàm, hai vị thủ tướng đã thống nhất Thành lập hai bên đã nhất trí thành lập Uỷ ban hợp tác Việt - Nhật do cả hai Thủ tướng làm chủ tịch. Đây là đề xuất mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản hồi tháng 10 vừa qua.

Hai bên đồng ý thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế. Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện những cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong tuyên bố chung Việt - Nhật ngày 19/10, hai bên khẳng định tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Shinzo Abe cùng phải đoàn hơn 130 thành viên thuộc 74 công ty Nhật là một minh chứng cho thấy nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam.

Ông Misuo Sakaba cho biết, các công ty trong đoàn doanh nghiệp tháp tùng thủ tướng Sinzo Abe sẽ xem xét đầu tư vào Việt Nam khoảng 85 tỷ yên (700 triệu USD) trong năm tới.

Nhằm tăng cường hơn nữa đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, Nhật Bản đã đề nghị Việt Nam cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư thông qua việc thực hiện giai đoạn hai Sáng kiến chung Việt - Nhật.

Phái đoàn kinh tế đã đề nghị chính phủ Việt Nam thúc đẩy hơn nữa tự do thương mại hàng hoá và bảo vệ một cách hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ.

Về vấn đề ODA, cả hai bên nhất trí tập trung vào 3 dự án lớn mà Việt Nam đề nghị gồm: dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án khu công nghệ cao Hoà Lạc. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ nghiên cứu hỗ trợ dự án hệ thống tàu điện ngầm nội đô tại TP. HCM sử dụng công nghệ, kỹ thuật của Nhật Bản.

Hai bên đã thoả thuận tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác trên một số lĩnh vực khác như: hợp tác nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực IT, năng lượng và năng lượng hạt nhân.

Ngoài ra, hai bên còn cam kết thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trao đổi văn hoá giữa hai dân tộc.

http://www3.vietnamnet.vn/chinhtri/2006/11/635407/