Những gì Nhật Bản đã viện trợ về Kinh tế Kỹ thuật cho VN từ năm 1993

Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo năm 1993, Nhật Bản đã xem xét tới việc điều chỉnh lại chính sách viện trợ ODA, thể hiện đường lối chú trọng tăng cường cả về lượng và chất những đóng góp quốc tế mang tính chất xây dựng. Cùng với viện trợ ODA, các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng có nhiều hoạt động tích cực giúp đỡ cho Việt Nam.

Hợp tác kinh tế kỹ thuật Nhật - Việt khởi đầu bằng việc một phái đoàn điều tra của Nhật sang Việt Nam tháng 1- 1992. Thông qua các hoạt động của OECF và JICA, Nhật đã giúp đỡ Việt Nam những khoản trợ giúp kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại như sau:

- Trang bị nâng cấp cho Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ (1993 - 1995) với 2 tỷ 541 triệu yên.

- Xây dựng cơ sở giáo dục tiểu học đợt 2 (1995) với 1 tỷ 660 triệu yên, dành cho xây dựng trường học tại các khu vực bị xuống cấp hoặc bị thiên tai ở miền Trung...

- Cải tạo đợt hai hệ thống cấp thoát nước ở Gia Lâm, Hà Nội (1994 - 1995) với 2 tỷ 766 triệu yên, xây dựng nhà máy lọc nước và hệ thống ống dẫn , cải thiện hệ thống nước sinh hoạt, tiếp theo đợt một cung cấp vật tư thiết bị, kinh phí điều tra, thiết kế cơ bản...

- Xây dựng Cảng cá Vũng Tàu,(1994 - 1995) 2 tỷ 326 triệu yên.

- Cải tạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) năm 1996 - 1998, hợp tác trong lĩnh vực quản lý bệnh viện, điều tra các bệnh về não, hệ tiêu hoá, hệ tuần hoàn, nâng cấp phòng cấp cứu.

- Phát triển nông thôn vùng núi phía Tây Bắc, đẩy mạnh hoạt động trồng rừng và cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, cung cấp máy móc, thiết bị trồng rừng, máy móc cơ khí nông nghiệp... cho các tỉnh Sơn La , Lai Châu.

-Xây dựng cầu cống ở miền Bắc Việt Nam, xây mới và tu sửa lại hệ thống cầu cống quá cũ và mạng lưới giao thông ở miền Bắc với dự án cải tạo lại 38 chiếc cầu ở 16 tỉnh.

- Cải tạo hệ thống cấp nước ở Hải Dương.

Ngoài ra còn những dự án hợp tác trong các lĩnh vực:

- Kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em

- Xây dựng trung tâm huấn luyện kỹ thuật vi tính.

- Điều tra xây dựng mô hình Lâm nghiệp.

- Kế hoạch nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Nông nghiệp.

Bên cạnh đó Nhật Bản còn giúp chúng ta xây dựng Luật Nhân sự và Luật Thương nghiệp, nhận đào tạo các thực tập sinh về luật để xây dựng một hệ thống luật phù hợp với nền kinh tế thị trường ...

Viện trợ có hoàn lại:
Tháng 11 năm 1992, viện trợ này được mở lại cho Việt Nam. Đầu tiên là khoản cho vay hàng hoá trị giá 45 tỷ 500 triệu yên. Tiếp theo là khoản cho vay trong các năm:

- Năm tài chính 1993 là 52 tỷ 304 triệu yên.

- Năm tài chính 1994 là 58 tỷ yên

- Năm tài chính 1995 là 70 tỷ yên (lãi suất 2,3% và 2,1% thời hạn cho vay là 30 năm với 10 năm ân hạn)

Tính đến tháng 3- 1996 đã lên tới tổng số 235 tỷ 804 triệu yên. Hầu hết đều được tập trung cho các dự án cải tạo, nâng cấp và xây mới các công trình hạ tầng thiết yếu.

Tiếp theo đó là hàng loạt các khoản vay để mở rộng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hàm Thuận Đami, xây dựng Nhà máy phát điện trên sông Đồng Nai, các trạm biến thế và các đường dây tải điện...

- Khoản cho vay xây dựng Cảng Cái Lân mà sức chứa tới 2 triệu tấn (được xây dựng thêm 3 cầu cảng mới cùng với 1 cầu cảng cũ)

- Đáp ứng chương trình nâng cấp quốc lộ số 5(tiếp theo) từ 2 lên 4 làn đường, dài tổng cộng 91 km, nâng cao hiệu xuất lưu thông hàng hoá và giao thông Bắc Bộ.

- Khoản cho vay cho chương trình nâng cấp các cầu trên quốc lộ 1 ,tu sửa và xây mới các cầu trên tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM- Cần Thơ và TP HCM - Nha Trang, Hà Nội - Bắc Giang , Đông Hà - Nha Trang.

-Phát triển các địa phương, cải thiện và nâng cao điều kiện sinh hoạt cơ sở vật chất hạ tầng cho các địa phương nhằm khuyến khích các ngành sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân. Phục hồi 800 km đường địa phương, xây dựng mới các cơ sở cung cấp nước và cấp điện cho khoảng 60 xã chưa có điện...

Nếu tính từ năm 1991 đến năm 2002, tổng số viện trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam lên tới 927,8 tỷ yên, (cho vay 806,6 tỷ yên, không hoàn lại là 72,2 tỷ yên, hợp tác kỹ thuật 50 tỷ yên).

Viện trợ của Chính phủ Nhật Bản chiếm tới 30% trong tổng số viện trợ các nước dành cho Việt Nam năm 2002 (toàn bộ khoảng 2,5 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 760 triệu USD).

Lược trích từ "Tạp chí nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á" số 4.
Tác giả: Cung Hữu Khánh.