Đối với chi phí cho quảng cáo và xúc tiến thương mại, bà Tsunoi cho rằng Việt Nam cũng nên mở rộng mức khống chế để các chi phí được xem là hợp lý. Bởi lẽ, các chi phí này ảnh hưởng rất lớn đến thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp.

Liên quan đến sở hữu trí tuệ ông Yoshioka, Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp.HCM, nói rằng thực trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa được cải thiện. “Chúng tôi lo ngại rằng sau này, khi thị trường Việt Nam mở rộng thì việc vi phạm và mức độ tinh vi sẽ tăng cao nhờ vào sự phát triển của kỹ thuật”, ông Yoshioka phát biểu.

Từ đó, ông cho rằng chính quyền Tp.HCM cần tham gia vào hoạt động này như tuyên truyền trong dân chúng ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời ông cũng cho rằng Việt Nam nên tiếp tục duy trì xử lý đối với vi phạm sở hữu trí tuệ ở cấp hành chính thay vì chuyển qua tòa án. Vì thủ tục giải quyết ở tòa khá lâu, từ hai đến ba năm và xét xử ở tòa chi phí cũng cao hơn ở cơ quan hành chính Nhà nước.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng phàn nàn về chi phí dịch vụ thông tin liên lạc ở Việt Nam. So sánh giữa Việt Nam và Nhật Bản, nước phát triển băng thông rộng Internet, nếu giá cả một tháng sử dụng thì đơn giá của 1 Mbps cao hơn từ 18,3 đến 69,5 lần nhưng nếu xét trên thông lượng hiệu quả (effective throughput) thì cách biệt lớn từ 91,2 đến 296,2 lần và nếu tính thông lượng (throughput) thì cách biệt càng lớn hơn, từ 200-500 lần.

Một vấn đề cũng được các doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại là tình hình nhũng nhiễu, đòi tiền ngoài qui định của các cán bộ hải quan.

Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước của Tp.HCM đã có những phản hồi đối với những kiến nghị và bức xúc của doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn ở Việt Nam. Liên quan đến chuyện đình công, bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết tập thể người lao động có quyền đình công trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, việc giải quyết ổn thỏa các cuộc đình công là trách nhiệm của cả hai bên người lao động và sử dụng lao động. Doanh nghiệp cần thiết lập và duy trì đối thoại với người lao động để hạn chế những cuộc đình công với những yêu sách nhỏ nhưng lại tổn hại cho doanh nghiệp.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM phản hồi về cơ quan xử phạt vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo cơ quan này, việc xử phạt hành chính vẫn là một trong những biện pháp được áp dụng để xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến nạn nhũng nhiễu ở hải quan, đại diện Hải quan Tp.HCM cho biết rất hoan nghênh các doanh nghiệp tham gia đấu tranh chống tình trạng tiêu cực này. Ngành hải quan đã công khai số điện thoại nóng để doanh nghiệp phản hồi nhanh chóng các tình trạng nhũng nhiễu.
(theo vneconomy)