Kết quả 1 đến 6 của 6
  1. #1
    nguyenkhangfood Guest
    TT - Ngày 29-9, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và đại sứ Nhật Bản tại VN Mitsuo Sakaba đã họp báo công bố kết thúc thỏa thuận nguyên tắc về hiệp định đối tác kinh tế VN - Nhật Bản (EPA VN - Nhật Bản). Cơ hội đang mở ra cho nhiều mặt hàng VN thâm nhập thị trường Nhật.

    Cắt giảm thuế cho hàng Việt vào Nhật

    Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, EPA VN - Nhật Bản là thỏa thuận mang tính toàn diện, có tầm nhìn dài hạn hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi liên thông hàng hóa, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hai nền kinh tế.

    Hiệp định này bao gồm nhiều cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Trong đó, trọng tâm là tăng cường hợp tác trong nông nghiệp, công nghiệp thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, giao thông...

    Giai đoạn đầu, Nhật Bản sẽ hỗ trợ VN đào tạo y tá, xây dựng hệ thống kiểm định nghề nghiệp, thiết lập cơ chế đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, xây dựng, xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng ngành trồng trọt...

    Trả lời báo chí bên lề lễ công bố, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng nhiều mặt hàng nông sản, hải sản trước kia không được nhập hoặc nhập với thuế cao sẽ được hưởng thuế suất thấp hơn. Đây là cơ hội rất lớn cho nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản của VN vào thị trường Nhật.

    Ngược lại, hiệp định cũng tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng công nghiệp của Nhật thâm nhập thị trường VN. Những cam kết này phù hợp với cam kết ASEAN - Nhật Bản. “Về mức thuế cụ thể, hai bên tiếp tục phải tính toán thêm nhưng sẽ không thấp hơn mức VN đã đạt được với Trung Quốc, Hàn Quốc” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

    Theo hiệp định này, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhiều mặt hàng nông, thủy sản cho VN. Tùy từng mặt hàng, mức thuế có sự khác biệt. Ví dụ mật ong tự nhiên của VN thuế đang từ 25% sẽ giảm dần xuống 12,8%. Cà phê, trà xanh, sầu riêng, cải xanh, ớt tây... trong mười năm tới sẽ giảm dần xuống 0%. Tôm sẽ giảm ngay xuống 0%. Tuy nhiên, gạo không được đề cập trong hiệp định này nên thuế và hàng rào kỹ thuật không thay đổi.

    Trả lương như người Nhật

    Trong khi đó, đại sứ Nhật Bản tại VN Mitsuo Sakaba cho rằng hiệp định mở ra cơ hội rất lớn cho thị trường lao động VN tại Nhật Bản. Sau khi ký kết hiệp định, một số ngành nghề người VN đảm nhiệm ở Nhật sẽ không phải hưởng thu nhập theo chế độ tu nghiệp sinh, học việc như hiện nay mà sẽ được trả như người Nhật.

    Cụ thể, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nếu có bằng cấp tại VN, khi được công ty Nhật Bản tuyển dụng, người lao động VN sẽ được trả lương như người Nhật. Tương tự với nghề y tá, nếu lao động VN đạt được chứng chỉ quốc gia về y tá của Nhật Bản thì sẽ được làm việc và hưởng lương như người bản địa.

    Theo ông Phan Thế Ruệ - nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại, trưởng đoàn đàm phán EPA VN - Nhật Bản, hiệp định đã trải qua chín phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên không chính thức với thời gian 19 tháng. Phía Nhật quan tâm đặc biệt đến phụ tùng ôtô, sắt thép, hóa chất, điện tử. Nhật chỉ yêu cầu VN mở cửa thị trường đối với những sản phẩm VN chưa sản xuất được trong tương lai gần. Bù lại, Nhật Bản dành cho VN nhiều ưu đãi về nông sản, thủy sản tốt hơn nhiều so với một số nước ASEAN. Dự kiến hiệp định sẽ được ký vào cuối năm 2008.

    Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:

    “Chủ động tiếp cận thị trường Nhật”

    * Với hiệp định này, liệu có xảy ra tình trạng nhập siêu từ Nhật?

    - Đây là vấn đề các cơ quan chức năng VN đã phải tính toán rất kỹ. Nếu muốn tăng khả năng xuất khẩu các mặt hàng dệt may, nông sản sang Nhật thì chúng ta phải chấp nhận cho hàng công nghiệp của họ vào. Làm thế nào khai thác lợi thế từ hiệp định và tránh được nhập siêu là bài toán đặt ra với các bộ, ngành, địa phương. Điều này cũng nằm trong các giải pháp Chính phủ chỉ đạo tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu thời gian qua.

    * Theo ông, các doanh nghiệp phải chuẩn bị gì cho hiệp định EPA VN - Nhật Bản?

    - Bên cạnh tiếp tục tăng cường năng lực sản xuất, các doanh nghiệp sẽ phải nghiên cứu kỹ hiệp định. Lời văn của hiệp định này khá ngắn nhưng các bản phụ lục, bảng biểu đi theo rất nhiều, nhất là các mã thuế, mã hàng hóa. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ quy định của Nhật liên quan đến xuất nhập khẩu để hàng hóa không bị trả lại. Cần chủ động nghiên cứu thị trường Nhật. Sắp tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để phổ biến hiệp định.

    Năm 2008: kim ngạch thương mại hai nước sẽ đạt trên 15 tỉ USD

    Hiện Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của VN với kim ngạch trên 12 tỉ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nguồn cung cấp FDI hàng đầu của VN. Dự kiến kim ngạch thương mại năm 2008 của hai nước sẽ đạt trên 15 tỉ USD, vượt trước thời hạn hai năm so với dự kiến lãnh đạo hai nước đề ra là 15 tỉ USD vào năm 2010.

    Thêm nhiều hỗ trợ cho tu nghiệp sinh VN sang Nhật

    Hà Nội - Đây là một trong ba nội dung chính trong “thỏa thuận về chương trình hợp tác đưa tu nghiệp sinh (TNS) VN sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản”, vừa được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng ông Kyoei Yanagisawa - chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM Japan) - ký kết.

    Theo đó, từ nay đến năm 2010, phía IMM Japan sẽ tăng số lượng TNS VN được tiếp nhận sang tu nghiệp, thực tập tại các nhà máy, công ty thành viên của IMM Japan lên con số 1.000 TNS. Thời gian tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản là ba năm (năm đầu tiên là tu nghiệp, hai năm tiếp theo là thực tập kỹ thuật). Trong năm đầu, TNS sẽ nhận trợ cấp 80.000 yen (tương đương 12,6 triệu đồng), trong năm thứ hai và thứ ba, mức trợ cấp tối thiểu là 90.000 và 100.000 yen. Sau khi hoàn thành thời gian tu nghiệp về nước, IMM Japan sẽ hỗ trợ mỗi TNS 600.000 yen (trên 83 triệu đồng) để hòa nhập, tìm và tạo việc làm cho bản thân.

    Về chi phí, phía IMM Japan sẽ đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở trong ba năm tu nghiệp, thực tập. TNS VN chỉ chịu các khoản chi phí ăn ở trong thời gian học tiếng, đào tạo giáo dục định hướng tại VN (tối đa bốn tháng), chi phí làm hộ chiếu, xin visa và kiểm tra sức khỏe.

    Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau hơn hai năm triển khai chương trình này với IMM Japan, có 400 TNS VN được lựa chọn, trong đó đã có khoảng 320 người xuất cảnh sang Nhật Bản tu nghiệp, thực tập.

    Đ.Bình (Tuổi Trẻ)

  2. #2
    aothunteen Guest
    Trong tin này phần về TNS có một số điều chưa chính xác. Sẽ giải thích rõ khi có thời gian.

  3. #3
    ptuyenbg Guest
    -Hầu như không có chỗ nào đài thọ tiền ăn đâu! Tiền ở thì họ đài thọ. Còn cái khoản "IMM Japan sẽ hỗ trợ mỗi TNS 600.000 yen (trên 83 triệu đồng) để hòa nhập, tìm và tạo việc làm cho bản thân" phải chăng là phần trả lại từ tiền bảo lãnh thế chân gì kia?

  4. #4
    thumualaptop24h Guest
    Chắc là báo giới nói quá về việc đài thọ tiền ăn. Phía Nhật chỉ lo chổ ở cho thôi. Nhưng chương trình của IMM có vẽ rất hấp dẫn và có thật. Dù chưa gặp TNS nào qua dạng này nhưng mình có lần tiếp chuyện một bác người Nhật nói Tiếng Việt rất giỏi hỏi xin thẻ Sadia cho các TNS mới qua, văn phòng IMM tại Tokyo.
    Các loạt bài về IMM:
    http://www.thongtinnhatban.net/fr/t6217.html
    http://www.thongtinnhatban.net/fr/t4985.html
    http://www.thongtinnhatban.net/fr/t2499.html

    Mình không dám chắc nha (hoàn toàn chỉ là suy đoán), nhưng hình như các nghiệp đoàn cũng có thưởng cho TNS một số tiền kha khá như thế khi về VN. Và nhỏ em khi về thanh lý hợp đồng thì cty Lasco nọ cũng có cho ký giấy xác nhận là đã nhận được trợ cấp của phía nghiệp đoàn Kanto nhưng họ giải thích gì lòng vòng và qua loa lắm. Đại khái là gì gì đó tiền thế chân, rồi nào tiền nghiệp đoàn hỗ trợ. Cuối cùng nhận được con số tiền ABC. Không mất gì cả. Nhưng biết đâu tiền trợ cấp đã mất hehe. Vì có ký giấy lĩnh tiền mà không có tiền. Giấy này phải gửi qua nghiệp đoàn kanto.
    Về tiền thế chân thì từ năm rồi (2007) Bộ Tư Pháp của Nhật nghiêm cấm hành vi giữ passport và giữ tiền thế chân. Passport thì không còn giữ khi TNS xuống sân bay nhưng tiền thế chân thì vẫn còn đó.

    Một câu hỏi và suy nghĩ hoài là các ND chắc làm ăn khắm khá lắm và giữa họ với Cty tiếp nhận tu nghiệp có hợp đồng ra sao? Điều này chác bác kami biết nhiều mà không lói ra hehe.
    Nói chung phía Nhật làm tương đối tốt, còn phía VN nếu ngồi kể ra họ "được" quá nhiều. Ở VN ngành môi giới "xuất khẩu lao động" và "du học" kiếm được khá lắm á.

  5. #5
    sofavie Guest
    Có gì đâu mà không nói. Đại khái là
    -Trả 1 khoản phí quản lý cho ND
    -ND bảo đảm TNS không bỏ trốn(bỏ trốn thì phải bồi thường)
    -Phía công ty phải bảo đảm nhà ở, bảo hiểm v.v... cho TNS và ngược lại nghiệp đoàn bảo đảm quản lý để TNS không "làm lọan".

  6. #6
    tranfloan310 Guest
    Những vấn đề xung quanh chuyện thưởng cho TNS, xin bạn vui lòng cho biết:
    1. Số tiền TNS về nước được thưởng là bao nhiêu? Nếu khoảng 160,000 yên và TNS phải thực hiện 1 số thủ tục sau khi về nước thì nhiều khả năng đó là tiền trợ cấp (nenkin) giống như BHXH ở VN.
    2. Không có ai tự dưng cho không ai cái gì, NĐ và công ty XKLĐ VN kiếm tiền bằng công sức lao động của TNS, chủ sử dụng thì thuê được lao động giá rẻ và chấp nhận làm công việc nặng nhọc, chịu tăng ca.
    3. Không giữ Passport, không giữ tiền thế chân thì giữ chân TNS bằng gì? Áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không ngăn nỗi làn sóng bỏ trốn của TNS. Đằng sau hiện tượng này của TNS VN tại Nhật và Hàn Quốc là nhiều vấn đề khác đáng bàn hơn, chằng hạn sự xác tín, tầm nhìn và lòng tham của các thực thể tham gia vào quá trình này.
    4. Đã bộc lộ những khuyết điểm lớn của chương trình tu nghiệp này nhưng không ai bàn đến việc cải tổ nó, cho dù Nhật là đất nước của kaizen. Cơ quan lãnh đạo VN thì mù mịt và chỉ được báo cáo đại khái, qua loa như giải quyết được bao nhiêu người đi XKLĐ, người đi lao động nước ngoài kiếm được bao nhiêu tiền, báo cáo gương điển hình của lao động về nước và thành đạt ... mà k hề biết rằng để được đi làm mướn, người lao động mất bao nhiêu thời gian, tiền bạc, mồ hôi, nước mắt. Có ai báo cáo điển hình về những gương khánh kiệt do người lao động thiếu hiểu biết, k được hướng dẫn gây ra chưa?
    Quan chức ta đi gặp người Nhật giống như tá điền đi xin được mướn ruộng của ông hội đồng ngày xưa. Gọi là đàm phán nhưng đàm cái gì và phán cái gì?
    5. Cái cách đưa tin của nhà báo ta cũng thế, không nắm rõ vấn đề nhưng hay nói liều và đưa tin 1 chiều, có xu hướng quan trọng hóa vấn đề.
    6. Túm lại là nếu bao giờ người Việt Nam không phải đi làm TNS nữa thì các bác được quyền tung hê, giờ thì phải đi năn nỉ xin vài suất cho đứa cháu ở quê cái. Hê hê!

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •