Gần đây cư dân mạng nóng lên với tin người Việt Nam ăn cắp ở Nhật. Hầu như nơi nào đề cập đến vấn đề này cũng sẽ tràn ngập những nhận xét như "nhục", "con sâu làm rầu nồi canh" v.v.... Và cũng có vài người tự đi tìm cho mình câu trả lời cho câu hỏi là tại sao người Việt tại Nhật lại dễ dính vào ăn cắp như thế?


Mỗi người một ý kiến. Nhưng sau khi đọc hết khá nhiều bài viết cả tiếng Việt cũng như nghe ý kiến của người Nhật, tôi có thể tóm tắt lại câu trả lời có hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất là quy kết cho việc quản lý lỏng lẻo ở các cửa hàng tại Nhật. Khuynh hướng thứ hai là quy cho việc do đời sống (người Việt) khó khăn.


Nhìn nhận vấn đề một cách khách quan tôi cho rằng cả hai điều được nêu ra trên kia không phải là nguyên do chính. Vậy thừ nguyên do từ đâu?


1/ Nhìn nhận từ khía cạnh pháp luật, xã hội:

Pháp luật tại Nhật rất nghiêm minh. Vi phạm là bị xử lý. Ăn cắp nếu bị phát hiện thì dù là 1 que tăm đi nữa cũng sẽ bị xử lý theo luật. Và hầu như mọi thứ đều có luật lệ rõ ràng mọi người cứ theo đó mà làm. Nhờ sự nghiêm minh của pháp luật và tính tự giác cao độ của người Nhật mà ở Nhật ít khi có ẩu đả vì tai nạn giao thông. Cũng không có việc kẻ trộm bị đánh hội đồng như ở Việt Nam. Hơn nữa, hình phạt dành cho tội ăn cắp vặt(1) cũng rất nhẹ. Ngoài ra, cách cư xử của cảnh sát Nhật khi bắt được tội phạm cũng rất đúng mực. Do đó mà tổng thể hình phạt cả về tâm lý và về pháp luật dành cho tội ăn cắp là rất nhẹ. Điều này vô tình đã tạo ra sự yên tâm cho các "đạo tặc" con Lạc cháu Hồng".


Mặt khác, lỗ hổng pháp luật của Việt Nam cũng là một yếu tố cần bàn đến. Theo tôi được biết thì những người phạm tội ở Nhật khi quay về nước hầu như được "trắng án". Cho dù có phạm tội bị giam ở Nhật đi nữa thì khi về Việt Nam lý lịch vẫn "sạch sẽ"(2). Giả sử như lý lịch phạm tội ở Nhật được chuyển về Việt Nam cho "địa phương quản lý giáo dục" và được ghi rõ vào lý lịch thì tôi nghĩ sẽ góp phần rất lớn vào việc ngăn chặn nạn ăn cắp vặt của người Việt tại Nhật.


Một điểm cần đề cập đến là quan niệm về chuyện ăn cắp của các bên liên quan như các công ty phái cử lao động, các trung tâm giới thiệu lưu học sinh.... Hầu như những nơi này vì lý do nào đó mà đã có cách nhìn rất "vị tha" đối với nạn ăn cắp của những con người do mình đưa qua Nhật. Không ít lần trong công việc tôi đã trực tiếp liên lạc với các tổ chức này về việc người của họ ăn cắp thì đã số đều nhận được những câu trả lời đại loại: "Lần đầu nên tha cho họ đi". "Vì họ khó khăn nên mới thế". Chính từ những cách nhìn thiếu trách nhiệm của những người liên quan như thế này nên cho dù dân chúng bức xúc thì một số người Việt vẩn nhởn nhơ ăn cắp.


2/Nhìn nhận từ khía cạnh tâm lý:

Tôi có đọc một cuốn sách nói về những điểm xấu của người Nhật. Trong đó tác giả có đề cập đến việc người Nhật khi ở Nhật thì rất hiền nhưng khi ra nước ngoài thì rất hay "quậy phá" và hầu như không biết xấu hổ là gì. Và để giải thích cho hiện tượng này tác giả đã nêu ra yếu tố tâm lý "yên tâm" khi ra nước ngoài(3).Nghĩa là khi ở Nhật thì người Nhật sợ tiếng tăm nhưng khi ra nước ngoài thì có làm gì xấu cũng khó ai biết. Do đó tiếng xấu lan truyền ra bên ngoài hòan tòan không xảy ra.

Tương tự như thế, những người Việt đi ăn cắp nói riêng và làm chuyện không tốt tại Nhật nói chung cũng có chung tâm lý là không ai biết nên không sợ mang tiếng.


(còn tiếp)