Gần đây số vụ việc không hay do người Việt Nam gây ra tại Nhật có chiều hướng tăng lên. Và đa số người Việt- đặc biệt là những người việt đang sống tại Nhật- cảm thấy bức xúc và xấu hổ khi nghe đài báo Nhật hay nghe người Nhật đề cập đến những chuyện này. Chúng ta bức xúc phần vì tự ái dân tộc, phần khác vì những việc không hay do người Việt Nam gây ra tại Nhật trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến bản thân mỗi người chúng ta.






Tuy thế dường như tất cả chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ "bức xúc" và rồi không nghĩ đến việc làm một cái gì đó để thay đổi tình hình. Tôi nghĩ mỗi chúng ta (nếu có cái "tâm") thì có thể tiến hành ngay từ bây giờ dù bạn có biết tiếng Nhật hay có kiến thức về Nhật hay không đi nữa thì cũng không vấn đề.


1/Đừng bó tay đứng nhìn và xem đấy là việc của người khác:

Không nên bó tay đứng nhìn mà nên nghĩ ngay đến việc gì đó. Ví dụ như trước đến nay bạn hay ồn ào gây ra phiền phức cho hàng xóm người Nhật thì nên bớt ồn lại một chút xíu. Và nếu trước đến giờ bạn hay làm ngơ khi thấy bạn bè cùng phòng làm ồn thì nên bảo nhau một câu. Nếu từ trước đến giờ bạn thờ ở với tất cả những thứ xung quanh và chỉ biết gọi điện hỏi người biết tiếng Nhật khi cần đến thì ngay từ bây giờ cố gắng học lấy dù chỉ một từ.

Từ những chi tiết nhỏ nhặt như thế này nếu bạn kiên trì thì thái độ của những người Nhật xung quanh đối với bạn sẽ thay đổi. Và cũng không nên nghĩ rằng là bạn đang làm vì ai đó mà đừng quên rằng bạn đang làm vì chính bản thân bạn.


2/ Khi nghe hay xem xong các tin không hay bạn nên xin lỗi người Nhật:

Nếu bạn cảm thấy máu tự ái dân tộc nổi lên khi nghe tin có người Việt Nam làm điều không tốt tại Nhật thì người Nhật họ cũng có cùng suy nghĩ. Nghĩa là, họ vừa mang tư cách một cá nhân nhưng mặt khác trước mặt bạn họ cũng là đại diện cho nước Nhật. Vì thế, một câu xin lỗi (thay cho những người Việt đã làm việc không hay) nói ra đúng lúc sẽ làm dịu đi tình hình cũng như tỏ ra cho người đối diện biết bạn còn có lòng tự trọng (dân tộc) và hiểu biết về văn hóa Nhật. Tất nhiên cử chỉ này cũng sẽ trực tiếp làm cho đối phưởng đánh giá tốt về bạn.


3/ Suy nghĩ lại quan niệm (các nhìn của bạn đối với người Nhật):

Thường có hai khuynh hướng trong cách nhìn của người Việt đối với người Nhật(1)

Khuynh hướng thứ nhất là quá tôn sùng người Nhật kiểu "Nhật nói cái gì cũng đúng".

Khuynh hướng thứ hai là xem người Nhật là những kẻ bóc lột(ích kỷ, bủn xỉn v.v...).

Cả hai khuynh hướng này đều không tốt. Thỉnh thoảng bạn nên bình tâm suy nghĩ lại xem bạn có rơi vào khuynh hướng nào trên đây hay không.

Nếu bạn rơi vào khuynh hướng thứ nhất thì bạn sẽ trở nên yếu đuối, sợ sệt trước người Nhật và vô hình chung đã tạo ra cơ hội cho người Nhật xem thường cá nhân bạn (cũng là đại diện cho người Việt Nam).


Với khuynh hướng thứ hai thì bạn lại đang tự tạo khoảng cách với người Nhật và tự tách bạn ra khỏi các mối quan hệ với người Nhật. Khuynh hướng này cũng sẽ làm cho sự hiểu lầm lẫn nhau càng ngày càng trầm trọng.


4/ Nên tự tạo ra sự khác biệt:

Người Việt chúng ta có tâm lý đám đông, thích a dua và ít ai muốn làm một cái gì đó khác người. Trong cách cư xử của đa số người Việt sống tại Nhật Bản khuynh hướng này cũng khá rõ. Nghe ai đó "ôm" được điện thoại rẻ bằng mánh khóe nào đó thì người người làm theo. Nghe tin du học theo cách z-y-z nào đó có thể làm thêm kiếm nhiều tiền thì mọi người cũng nghe theo mà ít ai ngồi ngẫm nghĩ lại hậu quả của việc chạy theo đám đông. Chính tâm lý này đã khiến cho tình hình đã tệ lại càng tệ hơn.


Trong bối cảnh mọi người đổ xô vì một vấn đề gì đó nếu ai đó bình tâm suy nghĩ trước sau tự lượng sức mình và tự quyết định được một hướng đi thì người đó chắc chắn sẽ thành công.


Chỉ xin đơn cử vài ví dụ nhỏ thế này. Giả sử trong một công ty có 10 người Việt Nam. Và cả 10 người đều chê công việc vất vả và không có hứng thú làm việc. Nếu như tình trạng này kéo dài thì kết quả là sẽ buộc công ty phải sa thải cả 10 người. Trong trường hợp này nếu có một người có hướng suy nghĩ khác đi là "cứ cố gắng để cho quen với công việc rồi sẽ tính tiếp" thì chắc chắn công ty sẽ giữ lại người có hướng suy nghĩ riêng này.


5/ Đem tự ái nhốt lại:

Điều cuối cùng là hãy đi mua một cái hộp thật chắc chắn và nhốt những thứ tự ái không cần thiết lại. Tuyệt đối không nên để tự ái "lêu lổng".


Trở lên là năm điều bản thân tôi nghĩ cần nên làm thay vì chỉ than thở kiểu "nhục quá" ,"xấu hổ cho người Việt quá" khi nghe tin ai đó làm điều gì không tốt tại Nhật. Nếu ai có ý kiến xin mời phản biện tại www.thongtinnhatban.net này.