Người Việt Nam ở Nhật-đặc biệt là lao động làm việc tại công ty Nhật-được đánh giá là thông minh, nhanh nhẹn, chăm chỉ. Và nhiều trong số những người Việt Nam đang làm việc tại các công ty Nhật cũng tự hào về việc bản thân làm việc hơn cả người Nhật v.v... Nhưng mặt khác thì người Việt ở Nhật cũng bộc lộ khá nhiều điểm không tốt. Và, khi được đem so sánh với người Nhật thì những điểm này càng rõ nét hơn.

Là một người đã sống ở Nhật hơn 15 năm, được nghe rất nhiều than phiền của người Nhật về cách cư xử không đúng mực của người Việt Nam, được chứng kiến cũng như từng đứng ra tư vấn cho hàng trăm công ty Nhật giải quyết những khúc mắc với lao động người Việt Nam, tôi xin tóm tắt một vài tật xấu mà người Việt sống ở Nhật nên bỏ. Cũng xin nói trước bài viết này mang tính chất suy nghĩ chủ quan dựa trên kinh nghiệm của bản thân tôi và không nhằm vào bất cứ cá nhân nào. Vì thế nếu có đụng chạm đến lòng tự ái của ai đó hay làm ai đó không vừa ý thì tôi xin lỗi trước.

1/ Những tật xấu nổi cộm không cần bàn đến:
Thỉnh thoảng đây đó vẫn có tin người Việt bị bắt vì ăn cắp vặt. Và vừa rồi báo chí đã rộ lên vụ tiếp viên hàng không Việt Nam bị bắt tại Nhât vì vận chuyển hàng lậu. Theo thống kê hiện nay thì 40% vụ ăn cắp của người nước ngoài tại Nhật là do người Việt Nam gây ra. Đây là căn bệnh trầm kha, khó chữa ai cũng biết rồi nên xin miễn bàn.

Tất nhiên ai cũng rõ là không phải 100% người Việt Nam ở Nhật là đi ăn cắp. Nhưng những người đi ăn cắp đã gây ra ảnh hưởng không tốt đến người lương thiện.

Ngoài chuyện ăn cắp vặt ra thì có lẽ đi tàu trốn vé(Tiếng lóng gọi là "đá tàu") cũng là là đối tượng mà tôi xin không đề cập đến.


2/Những điều vụn vặt đáng bàn:

-Lười tìm hiểu, thích ỷ lại:

Đã rất nhiều lần tôi bị người của các công ty Nhật có người Việt làm việc hỏi những câu đại loại như: Những vấn đề thế này mà họ(người Viêt đang làm ở công ty) cũng không biết sao? Tại sao họ không tự tìm hiểu về vấn đề XZY? Oái oăm là những vấn đề được nêu ra rất đơn giản. Có khi là số điện thoại của công ty. Có khi là tên công ty. Và có khi là một thủ tục thuế má nào đó. Khi khác lại là cách đi tàu xe từ công ty đến một nơi nào đó rất gần. Nói chung là những thứ rất đơn giản chỉ cần chịu khó tìm hiểu, để ý thì sẽ nắm được. Thế nhưng khi được hỏi thì những người Việt trả lời tỉnh bơ là "không quan tâm bởi lẽ có gì thì đã có công ty lo!".

Thậm chí có những người đã ở Nhật được vài năm nhưng cách đi tàu cũng không biết. Đi đâu lại phải nhờ người quen "tháp tùng".

Tất nhiên sẽ có người phản biện rằng do không biết tiếng Nhật. Nghe thì có vẻ cũng đúng. Tuy nhiên để biết được những kiến thức cơ bản như đi xe tàu, nhớ tên công ty v.v... Thì không cần phải giỏi, thậm chí chỉ cần bập bẹ vài câu tiếng Nhật cũng có thể nhớ được.

Không cần phải nói thì kiểu người thích ỷ lại cho người khác như trên cũng không phải là kiểu người cho công việc. Và, đây cũng là kiểu người khó trụ lại lâu dài ở Nhật được.


-Người Nhật là "thánh sống":

Có một câu cửa miệng của một số người khi chứng minh điều gì mà mình cho rằng là đúng là: "Người Nhật nói thế !". Tôi không hiểu từ khi nào và vì sao mà tâm lý cho rằng người Nhật là "thánh sống" này đã ăn quá sâu vào suy nghĩ của nhiều người Việt. Tâm lý này nhiều trường hợp đã khiến cho người Việt Nam mình khúm núm trước người Nhật và có cách nhìn vấn đề thiếu khách quan.

Tôi cho rằng chỉ khi nào người Việt mình chiến thắng được tâm lý đề cao người nước ngoài nói chung và người Nhật nói riêng này mới "ngẩng đầu" lên được. Bởi vì sao? Bởi lẽ người nước nào cũng có kẻ này người nọ. Do đó cũng sẽ có kẻ đúng người sai. Vì thế không có lý do gì để đưa ra một định nghĩa mù quáng cho rằng "Nhật nói thế(nên đúng)" cả.


Xin nói thêm là cũng vì suy nghĩ "Nhật luôn đúng" này mà nhiều lao động Việt Nam đã nhắm mắt chấp nhận những giải pháp mang nhiều rủi ro hơn do người Việt đưa ra bởi lẽ giải pháp nhiều rủi ro kia là "do Nhật, của Nhật".

(Lưu ý là tôi không có ý nói Việt hơn Nhật hay ngược lại mà vấn đề không phải là "Việt" "Nhật" hay "Mỹ" ... Mà vấn đề là trong bất cứ việc gì nên nhìn nôi dung nó như thế nào -chứ không phải do ai đưa ra, ai nói -để có sự phán đoán khách quan)


(Còn tiếp)