Những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La (tỉnh Sơn La) đã đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt trong việc vận động, liên hệ với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia công tác xã hội hóa giáo dục. Nhờ vậy, hạ tầng giáo dục trên địa bàn huyện đã và đang từng bước khởi sắc.
Mường La là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La. Địa hình đồi núi chia cắt mạnh, trình độ dân trí còn hạn chế, cơ sở vật chất và nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực giáo dục còn nhiều khó khăn… gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển hạ tầng giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà.

Diện mạo điểm trường Bắc - Pậu - Tôm, trường tiểu học và THCS Tạ Bú (xã Tạ Bú) đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. (Ảnh tư liệu).
Bởi vậy, trong năm vừa qua, được sự đồng ý của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngoài sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La đã chủ động trong việc vận động các cấp, các ngành, kết nối với các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm huy động thêm nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giáo dục.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt, ông Phạm Văn Chính, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La, cho biết: "Trong năm 2019, nhờ làm tốt công tác tuyền truyền, vận động, kết nối, đã thu hút được nguồn lực không nhỏ từ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, ngoài tỉnh trong việc tài trợ, ủng hộ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã từng bước đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Thời điểm này đang nghỉ dạy và học theo chỉ đạo của Chính phủ để chống dịch Covid-19, nhưng công tác bảo vệ, quản lý cơ sở vật chất vẫn được các đơn vị trường học thực hiện tốt".

Nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đến nay tại nhiều cơ sở khó khăn đã có phòng học, bàn ghế khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng dạy và học.(Ảnh tư liệu).

Theo ông Chính, trong năm 2019, bằng các nguồn tài trợ, ủng hộ với tổng giá trị trên 58 tỷ đồng, toàn huyện Mường La đã đầu tư xây dựng được 89 phòng học, phòng công vụ, nhà ăn, nhà ở bán trú cho học sinh và các công trình phụ trợ khác. Các công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, đến nay đã phát huy tốt hiệu quả cho công tác giáo dục và đào tạo của địa phương; giảm bớt những khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là các công trình khắc phục hậu quả lũ bão tại xã Nậm Păm và xã Tạ Bú.

Huyện Mường La đã phối hợp với Báo Nông Thôn Ngày Nay/Báo Điện tử Dân Việt và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) đầu tư xây điểm trường mầm non bản Toong (xã Pi Toong) trị giá gần 700 triệu đồng.(Ảnh tư liệu).

Trở lại điểm trường Bắc – Pậu – Tôm của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tạ Bú (xã Tạ Bú – huyện Mường La) ở bản Bắc vào những ngày cuối tháng 3. Hình ảnh ngôi trường xuống cấp, dột nát ngày nào giờ đã được "khoác" lên một diện mạo mới với một dãy nhà xây khang trang, đầy đủ các trang thiết bị dạy học.

Hình ảnh điểm trường Bắc - Pậu - Tôm trước khi chưa được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Tâm sự với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt, bà Hoàng Thị Lợi, Hiệu trưởng trường tiểu học và THCS xã Tạ Bú, cho biết: "Trước đây, cơ sở vật chất ở điểm trường bản Bắc, gồm 3 bản: Bản Pậu, bản Tôm, bản Bắc rất khó khăn. Điểm trường được xây dựng từ lâu nên cơ sở vật chất bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Việc dạy và học của các thầy cô giáo, học sinh nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào những ngày mưa gió...

Những cảnh học sinh học tập trong căn phòng xuống cấp, xung quanh được thưng bằng phên tre, mảnh gỗ như này đã không còn.

Sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương nhất trí, đơn vị tài trợ đã tiến hành xây dựng 6 phòng học tiểu học, 1 phòng chờ giáo viên, 1 nhà vệ sinh và hệ thống tường bao, cổng, sân trường. Bên cạnh đó, đơn vị còn tài trợ đã trang bị 110 bộ bàn ghế cho điểm trường, 7 bộ bàn ghế cho giáo viên; 1 máy lọc nước máy to cho 200 người uống; 1 máy tính và 1 máy chiếu".

Toàn cảnh điểm trường Bắc - Pậu - Tôm sau khi được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. (Ảnh tư liệu).

Ông Cà Văn Thiết, bản Tôm, xã Tạ Bú, bảo: "Mấy năm trước, điểm trường bản Bắc đã hư hỏng gần như toàn bộ. Cứ trời mưa là dột. Bởi vậy, khi các cháu đến trường học, chúng tôi không yên tâm chút nào. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu thốn khiến cho việc học tập của các cháu gặp vô vàn khó khăn. Đến nay, nhờ tấm lòng hảo tâm của đoàn từ thiện, điểm trường đã được xây dựng rất khang trang, cơ sở vật chất được sắm sửa đầy đủ. Chúng tôi cùng với thầy và trò nhà trường đều rất phấn khởi. Để có được lớp học như vậy phục vụ con em trong bản học tập thì chúng tôi có khăn mấy cũng sẵn sàng đóng góp ủng hộ".

Tham gia xây dựng điểm trường mầm non Pi Toong (xã Pi Toong), huyện Mường La đã thu hút được sự đóng góp ngày công của nhân dân trong việc tham gia san ủi mặt bằng, vận chuyển vật liệu...(Ảnh tư liệu).

Ông Quàng Văn Sương - Bí thư Đảng ủy xã Tạ Bú chia sẻ: "Tạ Bú là xã vùng 3 nên cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, chỗ ở cho học sinh bán trú còn nhiều thiếu thốn. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng dạy và học cho các em học sinh. Trước những khó khăn này, cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, Đảng ủy, UBND xã đã cùng với các thầy cô của trường tiểu học và THCS xã kết nối, kêu gọi các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp đầu tư nguồn lực xây dựng thêm các điểm trường, nhà bán trú... Nhờ vậy, cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn xã đã thay đổi rất nhiều; các cháu học sinh yên tâm học tập trong môi trường tốt hơn".

Nhờ huy động các nguồn xã hội hóa, khu nhà ở bán trú của trường tiểu học và THCS xã Tạ Bú đã được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện tốt nhất cho con em các dân tộc thiểu số học tập và sinh hoạt.

Theo ông Sương, ban đầu khi triển khai công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn xã cũng gặp một số khó khăn nhất định. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bà con nhận thức được lợi ích thiết thực từ công tác xã hội hóa giáo dục nên đã tích cực hiến đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thiện nguyện, nhà hảo tâm, doanh nghiệp có mặt bằng thi công xây dựng công trình.

Có thể nói, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn hẹp, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện Mường La đã và đang góp phần cùng tỉnh Sơn La từng bước nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất cho các điểm trường ở những vùng khó khăn - nơi chưa có dự án đầu tư của nhà nước. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh đồng bào người dân tộc thiểu số được học tập, sinh hoạt tốt hơn; góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của Đảng và nhà nước.
Theo Báo Trang Trại Việt .VN