Nhật Bản là nước có tỉ lệ người già cao, trong 126,82 triệu dân (điều tra năm 2004) có 24,4 triệu người thọ trên 65 tuổi, chiếm gần 20% và tỉ lệ này mỗi năm đều tăng.

Trong lớp người già, có hơn 4,13 triệu cụ phải hoàn toàn nhờ cậy sự chăm sóc hằng ngày của con cháu hoặc người giúp việc. Là nước có đa số dân theo đạo Phật, những năm gần đây Nhật Bản phải chấp nhận một lối sống mới của các cụ già: nguyện cầu Đức Phật cho được quy tiên nhanh để khỏi gây phiền lụy cho con cháu.

Tại tỉnh Nara, miền Tây Nhật Bản, có ngôi chùa Kichidenji ở thị trấn Ikaruga là nơi hằng năm có hàng vạn Phật tử cao tuổi hành hương tới tụng niệm, cầu khấn được “nhanh chóng lên cõi Niết bàn”.

Nhà sư Shinetsu Yamanaka trụ trì tại chùa kể rằng chùa Kichidenji được đại hòa thượng Genshin xây cất năm 987, rất linh thiêng, đã từng “phù hộ” cho nhiều Phật tử thành tâm quy tiên thanh thản và chính mẹ của nhà sư cũng được toại nguyện.

Vào dịp Tết Ất Dậu vừa qua, một nhóm 4 cụ không ngại giá rét, vượt hàng trăm cây số tới lễ chùa Kichidenji để cầu khấn “sẽ không trở thành gánh nặng cho con cháu trong những năm cuối đời”. Cụ bà Haruko Nakashima, 68 tuổi, nói: “Tôi muốn được quy tiên. Tôi biết ngày càng có nhiều người già như tôi muốn như vậy trong một xã hội già nua”. Cụ ông Nobuyoshi, 70 tuổi, chồng cụ Nakashima, góp thêm: “Gia đình chúng tôi không ai có ý kiến gì, nhưng mọi người đều nghĩ tốt nhất chúng tôi qua đời thanh thản, không ốm đau liệt giường lâu dài để con cháu khỏi phải chăm sóc”. Nói xong, cụ cười lớn.

Cả 4 cụ trang nghiêm, thành kính ngồi gõ mõ tụng niệm trước tượng Phật Thích Ca sau khi sư Yamanaka làm lễ. Nhà sư cho biết đa số khách hành hương tới chùa là phụ nữ có ước vọng chung là khi chết họ không gây phiền cho người thân. Sư Yamanaka nói: “Trong xã hội Nhật có truyền thống trọng nam khinh nữ, phụ nữ sống âm thầm, lặng lẽ làm việc nội trợ. Đàn ông già được hưởng đặc ân “bà trông ông”, hiếm khi thấy cụ bà nào được “ông trông bà”. Những Phật tử cao niên đến lễ chùa đều có chung ước mơ (?) kết liễu cuộc đời thanh thản như trụy tim mạch, tai biến não hoặc bệnh già tự nhiên, không đau đớn, không làm khổ người thân. Cụ Kimie Goto, 76 tuổi, trong nhóm lễ chùa dịp Tết, cho biết chồng cụ đã chết đột ngột từ 13 năm trước do một cơn đau tim. Cụ kể: “Ông nhà tôi thường nói muốn ra đi đột ngột, khiến tôi phải nói đùa: Chỉ những người hành xử tốt mới được như vậy, còn ông thì không. Nào ngờ, ước vọng của ông ấy đã được toại nguyện. Tôi đã cầu xin vong hồn của ông ấy tha thứ. Đúng, ông ấy là một người tốt. Tôi mong muốn một ngày nào đó cũng được như ông ấy”.

Công khai nói đến cái chết không còn là điều kiêng kỵ ở Nhật Bản, nước có tỉ lệ tự tử cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển và cũng là nước từng một thời tôn vinh kiểu tự sát samurai (mổ bụng). Nhật Bản còn là nước mà người dân có tuổi thọ cao: cả nước hiện có trên 23.000 cụ trên 100 tuổi.

Người già sống cô đơn là một hiện tượng xã hội được thừa nhận ở Nhật Bản. Kỹ thuật hiện đại sản xuất người máy đắt giá (5.600 USD) có kỹ năng chăm sóc các cụ già chưa phải là giải pháp tối ưu!

(Theo AFP)