Nhiều năm nay mô hình trồng rau cần sạch theo tiêu chuẩn rau an toàn của xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) đã đem đến cho người dân nguồn thu thập ổn định, cao gấp chục lần so với trồng lúa giúp họ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Làm giàu “nhờ rau cần”

Đến với xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ với những ngôi nhà khang trang, bộ mặt nông thôn sạch đẹp. Theo người dân cho biết, để có sự phát triển kinh tế mạnh mẽ như vậy là do nhiều năm nay, xã Khai Thái đã cho triển khai xây dựng mô hình trồng rau cần sạch, thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát triển, xây dựng thương hiệu “rau cần Khai Thái” có thị trường riêng góp phần ổn định đời sống người dân.


Nói về vùng đất được cho là “thủ phủ” của rau cần, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Rau cần Khai Thái cho biết: Cây rau cần được trồng ở đây đã hơn chục năm nay. Ban đầu chỉ có một số gia đình ở thôn Khai Thái tự chuyển từ trồng lúa sang trồng rau cần ở những thửa ruộng vùng trũng.

Thấy rau cần hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt và cho thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác nên các hộ dân trong thôn cũng học theo. Toàn xã Khai Thái hiện có diện tích trồng rau khoảng 30 ha, tập trung chủ yếu tại thôn Khai Thái. Hộ gia đình trồng ít cũng có khoảng 3 sào, hộ nhiều từ 7 đến 8 sào. Ước tính, mỗi ngày xã Khai Thái cung cấp ra thị trường khoảng hàng chục tấn rau cần.


Cũng theo ông Hùng, trước đây các hộ trồng rau cần thường là tự phát, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Tuy nhiên khi xác định đây là cây trồng chủ lực, giúp nông dân làm giàu, xã đã quy hoạch 30 ha đất trồng rau cần theo chương trình sản xuất rau an toàn. Để hỗ trợ nông dân phát triển cây rau cần đặc sản, xã Khai Thái và huyện Phú Xuyên đã hoàn thành việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau cần Khai Thái, quản lý chặt chẽ quy trình, kỹ thuật sản xuất. Tag: vi khuẩn vibrio

Năm 2017, huyện Phú Xuyên hỗ trợ các hộ trồng rau cần xây dựng 160 lều và bể nước sơ chế rau ngay tại ruộng với kinh phí gần 1 tỷ đồng, kè và rải đá cấp phối hệ thống kênh mương, đường giao thông khu vực trồng rau với kinh phí hàng tỷ đồng. Theo đó, người dân sẽ chủ động trong quá trình thu hoạch và sơ chế bước đầu thông qua hệ thống lều và bể rửa tại chỗ.

Theo chia sẻ của người dân, hệ thống bể rửa có độ sâu hơn 1 mét, được rửa sạch và thay nước sau mỗi lứa thu hoạch. Nhờ vậy, chất lượng rau được đảm bảo và mẫu mã vô cùng bắt mắt. Từ khi làm rau sạch, đầu ra cũng thuận lợi, bà con không phải vất vả tìm nơi tiêu thụ như trước.

Là một trong những gia đình gắn bó lâu năm với cây “đặc sản” quê hương, bà Nguyễn Thị Vài (thôn Khai Thái) cho biết: “Riêng vợ chồng tôi trồng 3 sào rau cần, ngoài ra các con tôi có thêm 3 sào nữa. Cách đây nhiều năm vùng đất này chuyên trồng lúa, từ khi cải chế cây trồng và tiến hành dồn điền đổi thửa thì cả làng chuyển sang trồng rau cần, từ đó đời sống bà con trong thôn thay đổi mạnh mẽ. Chúng tôi thực hiện trồng theo quy trình sản xuất được hướng dẫn nên phần tiêu thụ rau không gặp nhiều khó khăn.

Rau cần cho thu hoạch liên tục từ tháng 7 cho đến tháng 3 âm lịch năm sau, trung bình khoảng 35 ngày/vụ. Mỗi lứa cho thu hoạch hơn 1 tấn/sào, giá cao điểm sẽ được trên 10.000 đồng/kg, không trong vụ chính như thời điểm này sẽ dao động 6.000 - 7.000 đồng/kg. Trừ các loại chi phí các hộ gia đình sẽ có lãi 50-60%, tính ra hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa 2 vụ/năm, người dân rất phấn khởi”.

Hướng đi mới sản xuất rau trái vụ

Theo các hộ trồng rau cần Khai Thái, điểm khác biệt giữa rau cần nơi đây với các địa phương khác là rau cần Khai Thái có thân màu trắng xanh, lá màu xanh mỡ màng, chiều dài thân khoảng 50-70 cm. Đặc biệt là thân rau cần Khai Thái dày, đặc ruột, các đốt phần gốc mập và rất dày. Thời điểm tháng 6 này không phải chính vụ rau cần, nhưng trên cánh đồng thôn Khai Thái vẫn có rất đông bà con nông dân đang tích cực nhân giống rau cần để chuẩn bị cho vụ sau.

Không những thế, dưới cái nắng chói chang của những ngày vừa qua, nhiều hộ gia đình vẫn tất bật trồng, chăm sóc, thu hoạch rau cần bán cho thương lái đến mua tận ruộng. Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng quanh năm của thị trường, bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Khai Thái) cũng bắt tay vào trồng rau cần trái vụ. Bà Hồng chia sẻ, cây rau cần không phải là loại cây khó chăm sóc, do đặc tính tự nhiên, cây rau cần rất ít sâu gây hại, mà chỉ bị một số bệnh như sương mai, đỏ lá.

Nếu chăm sóc kĩ, thời điểm này cây sẽ dễ chăm hơn so với khi bắt đầu vào chính vụ vì không có nhiều sâu bệnh. “Trước đây, vào khoảng thời gian này bà con sẽ nghỉ ngơi và hoàn toàn để rau giống cho tháng 7 bắt đầu vào vụ chính. Tuy nhiên 2 năm nay, nhiều nhà chỉ để 1 sào ruộng rau cần giống, diện tích còn lại vẫn thu hoạch hằng ngày.

Như vậy, sẽ có 8 đợt thu hoạch/ năm, năng suất trung bình đạt hơn 1 tấn rau/sào. Thời điểm hiện nay, giá rau cần vẫn ổn định, tính ra mỗi sào trồng rau cần thu được một khoản tương đối, hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều so với việc để giống hoàn toàn đợi vụ sau. Nhà tôi có gần 3 sào trồng rau cần, nhờ vụ này lại có thêm nguồn kinh tế ”. Tag: men vi sinh

Bắt đầu công việc thu hoạch rau từ 5 giờ sáng cho đến tận chiều ngay tại lán trên thửa ruộng trồng rau của gia đình, đôi tay thoăn thoắt làm sạch rau trước khi giao cho thương lái đi tiêu thụ, anh Nguyễn Duy Mạnh (thôn Khai Thái) hồ hởi cho hay: “Nhà tôi năm nay có 2 sào vẫn để thu hoạch trong thời gian này. Mặc dù trong vụ hè, rau cần chậm lớn nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận, hằng ngày vẫn có thương lái nhiều nơi đến tận ruộng thu mua. Chất lượng rau nhìn chung không kém vụ chính do đảm bảo được quy trình sản xuất rau an toàn từ trước. Thông thường sức mua không ổn định, có ngày ít ngày nhiều nhưng hôm nay thương lái mua hơn 150kg. Trong thời gian tới gia đình tôi cũng vẫn tập trung cho thu hoạch quanh năm, chú trọng chăm sóc cây trong thời tiết khắc nghiệt như những ngày vừa qua”.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng rau cần trái vụ của địa phương, Chủ tịch UBND xã Khai Thái Nguyễn Viết Thắng ghi nhận việc trồng cây rau cần trái vụ tại địa phương đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Bên cạnh kinh nghiệm trồng và chăm sóc rau, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và rau an toàn, một số hộ dân trồng rau cần trên địa bàn xã cũ̃ng đã chủ động làm giàn lưới giúp hạn chế nắng nóng và đảm bảo năng suất của rau trái vụ.

Trong thời gian tới, xã dự định đề xuất xây dựng hệ thống sơ chế tập trung cũng như có lộ trình mở rộng quy mô trồng rau trái vụ ở một số vị trí khác với diện tích khoảng 1 mẫu. Đồng thời tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật để kéo dài thời gian trồng rau cần trong năm và nâng cao chất lượng rau, giúp người dân có thêm thu nhập. Tag: tôm chậm lớn

Nguồn: laodongthudo.vn/rau-an-toan-lam-giau-que-huong-92960.html