Thông thường, khi học tiếng Anh trong trường học hoặc tham gia các khóa học, chúng ta không thể tự mình chọn học kỹ năng nào trước, mà phải theo đúng giáo trình có sẵn. Nhưng nếu tự mình học tiếng Anh, chúng ta hoàn toàn có thể tập trung học kỹ năng nào trước, sao cho quá trình học tiếng Anh của mình thuận lợi và hiệu quả nhất.

1. Nghe

Tất nhiên, cả bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết đều quan trọng như nhau và cần được học càng sớm càng tốt. Nhưng chúng ta cần ưu tiên kỹ năng Nghe trước hết. Tại sao vậy? Hãy quan sát một đứa trẻ học nói. Trước khi học nói và biết nói, đứa trẻ phải BIẾT NGHE những người xung quanh nói, hiểu ý nghĩa của các từ ngữ, và cuối cùng mới có thể tự mình nói. Khi học tiếng Anh, chúng ta cũng phải vậy.

Chúng ta cần học cách nghe người khác nói trước khi biết cách nói tiếng Anh. Học nghe không phải một chuyện dễ bởi khả năng nghe phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố như: độ tuổi của người học (càng trẻ tuổi càng dễ học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng), giọng của người nói (có rất nhiều ngữ điệu của những vùng miền khác nhau, ngữ điệu cũng thay đổi trong trường hợp nói một cách thân mật hoặc trịnh trọng, phụ thuộc tâm trạng vui, buồn, lo lắng của người nói, vân vân). Do vậy, khi mới bắt đầu học nghe, rất nhiều người không hiểu được người khác nói gì và sẽ nhanh thấy chán nản.

2. Nói

Thông thường, sau khi có một thời gian nhất định học nghe, chúng ta có thể bắt đầu rèn kỹ năng nói. Kỹ năng nói thường khó hơn so với kỹ năng nghe. Thêm vào đó, nhiều người có tâm lý em ngại, sợ mắc lỗi khi nói nên trì hoãn việc luyện nói, hoặc không nhiệt tình khi luyện nói. Chỉ có 1 cách để nói tốt, đó là phải thực hành thường xuyên. Không có con đường tắt nào khác cho chúng ta.

3. Đọc

Đọc hiểu tiếng Anh là kỹ năng được rèn luyện khá kỹ trong trường học bởi nó đòi hỏi ít trang thiết bị hơn (chẳng hạn nếu học nghe thì cần trang bị máy tính, loa, đài). Chúng ta hoàn toàn có thể tự luyện đọc một cách dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi.

Luyện đọc thế nào? Việc đọc hiểu tiếng Anh có thể bắt đầu bằng học từ vựng, đọc các đoạn hội thoại ngắn, làm các bài điền từ vào ô trống,… Khi đã có một vốn từ nhất định, chúng ta có thể đọc tiếng Anh ở mọi nơi: sách, báo chí, truyện ngắn, blog, thậm chí đọc những nhãn hàng trên vỏ thực phẩm, dầu gội đầu,…

4. Viết

Cũng giống như việc phải biết Nghe rồi mới biết Nói, chúng ta cần rèn khả năng Đọc rồi mới có thể bắt đầu Viết. Nhưng không phải cứ nghĩ gì trong đầu là viết ra một cách lộn xộn, không suy nghĩ. Để viết tiếng Anh tốt, chúng ta cần có sự rèn luyện đúng cách.

Luyện viết thế nào? Ngay từ khi mới bắt đầu luyện viết, hãy cố gắng xây dựng cho mình một thói quen viết (writing habit) tốt và hiệu quả. Để có thể viết thành công, chúng ta cần có sự chuẩn bị về chủ đề sẽ viết, tìm hiểu những từ thường dùng cho chủ đề này, thậm chí những mẫu câu thường dùng (nếu có). Nên học ngay về cấu trúc đoạn văn và cách dùng các dấu câu trước khi bắt đầu viết.

Tốt nhất nên thực hiện đủ các bước khi viết như: liệt kê những ý tưởng -> viết nháp -> viết lại cho hoàn chỉnh (revise) -> sửa lỗi (edit). Ngoài việc thực hành viết đoạn văn, chúng ta có thể áp dụng một vài trò chơi giúp rèn luyện khả năng viết. Chẳng hạn, trò “if… then…” (nếu… thì…) hoặc trò “Once upon a time…” (ngày xửa ngày xưa….).

Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta nên học Nghe trước, thật thành thạo rồi mới học Nói, rồi học Nói thật thành thạo rồi mới học Đọc, vân vân. Không ai lại học lần lượt từng kỹ năng như vậy. Hãy rèn luyện những kỹ năng này một cách xen kẽ. Ví dụ, khi luyện nghe, hãy cố gắng đọc to, lặp lại những gì mình nghe được; khi đọc tiếng Anh, hãy cố gắng viết lại những câu mình đọc được theo cách trình bày khác (re-write). Chúc các bạn sẽ thành công.

Theo tuhoctienganhhieuqua.com

>>> Bí quyết luyện thi IELTS hiệu quả
>>> Tự học ielts 7.0 trong 3 tháng
>>> Luyện thi ielts ở đâu tốt nhất hà nội