Xin dược chia sẻ với các bạn kinh nghiệm làm việc với người Nhật mà tôi đã đọc được.

Làm ăn với người Nhật: Không thể xuề xoà!

Người Nhật Bản rất coi trọng chữ tín và các phép tắc xã giao. Với nền kinh tế lớn nhất châu Á và thứ 2 thế giới, Nhật Bản đang là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp VN. Do vậy, việc nắm rõ đặc điểm tiêu dùng và tính cách kinh doanh của người Nhật sẽ giúp các doanh nghiệp VN giao tiếp và kinh doanh thành công với họ. Thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản rất đa dạng nhưng cũng khá độc đáo. Theo Thương vụ VN tại Nhật Bản, người tiêu dùng Nhật rất chú ý đến chất lượng hàng hóa. Sống trong môi trường có thu nhập cao nên
người Nhật Bản thường đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng hàng hóa, bao gồm cả vấn đề vệ sinh, hình thức và dịch vụ hậu mãi. Những vết xước hàng hóa trong quá trình vận chuyển cũng có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiêu thụ cả lô hàng và ảnh hưởng đến uy tín.Ngoài ra, người Nhật Bản cũng rất nhạy cảm với giá tiêu dùng hàngngày. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế bong bóng vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người Nhật không chỉ quan tâm đến vấn đề chất lượng mà còn rất chú ý đến sự thay đổi giá cả. Đối tượng mua hàng chủ yếu là những phụ nữ nội trợ đi mua hàng ngày, có nhiều thời gian (tình trạng sau khi lấy chồng sẽ bỏ việc làm tại công ty vẫn còn phổ biến) nên họ rất quan tâm đến sự thay đổi về giávà về mẫu mã hàng hóa. Tuy vậy, tâm lý thích dùng hàng xịn, hàng đồ hiệu cho dù với giá rất cao vẫn không thay đổi nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, họ cũng quan tâm nhiều đến vấn đề thời trang và màu sắc hàng hóa phù hợp theo từng mùa xuân, hạ, thu, đông. Mặt khác, tính đa dạng của sản phẩm là yếu tố vô cùng quan trọng cho việc thâm nhập thị trường. Trên thực tế, trong các siêu thị ở Nhật Bản có vô số những kiểu dáng, loại của cùng một loại hàng tiêu dùng.Thương vụ VN tại Nhật Bản cũng cho biết, gần đây, mối quan tâm đến vấn đề sinh thái của người Nhật ngày càng nâng cao. Các cửa hàng đang liên tục cải tiến cách đóng gói sản phẩm để làm sao vừa đẹp, vừa đơn giản và bao bì có thể tận dụng bằng các nguyên liệu tái sinh. Theo một số chuyên gia chuyên nghiên cứu về Nhật Bản, khi kinh doanh với người Nhật, các doanh nghiệp VN cần lưu ý tới một số điểm sau đây:
1. Đặc điểm nổi bật khi làm việc với các doanh nhân Nhật Bản là giữ
chữ tín, giữ lời hứa dù là những việc nhỏ nhất. Đặc biệt, họ coi
trọng ấn tượng trong buổi gặp mặt đầu tiên hay trong đợt giao dịch
đầu tiên. Điều này có nghĩa khi các doanh nghiệp VN không thực hiện
được lời hứa, thì việc đầu tiên là phải xin lỗi, cho dù vì bất kỳ lý
do gì. Việc giải thích lý do phải được thực hiện hết sức khéo léo và
vào những thời điểm phù hợp.
2. Trao đổi thông tin, đàm phán rất lâu và kỹ, làm việc rất máy móc.
Cho dù là công ty thương mại đơn thuần, trong đại đa số trường hợp,
khách hàng Nhật Bản vẫn yêu cầu đối tác làm ăn đưa đến tận nơi sản
xuất để tận mắt chứng kiến tổ chức, năng lực sản xuất của bạn hay
của đối tác sản xuất hàng cho bạn. Nhưng khi bắt đầu vào giao dịch
chính thức thì các công ty Nhật Bản lại nổi tiếng là ổn định và
trung thành với bạn hàng.
3. Thời gian đặt hàng thử, số lượng nhỏ kéo dài rất lâu. Nhiều khi,
sau vài đơn hàng đầu tiên với số lượng ít, doanh nghiệp phía VN
không đủ kiên trì để tiếp tục nên đã không nhiệt tình trong giao
tiếp kinh doanh, dẫn đến mất khách hàng tốt trong tương lai.
4. Việc tham gia hội chợ thương mại tại Nhật Bản là rất quan trọng,
nó không chỉ giúp tìm kiếm khách hàng mới mà còn khẳng định tính
thường xuyên, ổn định trong kinh doanh với khách hàng cũ.
Tuy nhiên, việc tham gia hội chợ tại Nhật Bản thường rất tốn kém,
chưa kể những mẫu mã hàng hóa chọn để trưng bày nên có sự trao đổi
và thống nhất trước với những khách hàng truyền thống của mình,
tránh tình trạng vi phạm cam kết về mẫu mã trước đó.
5. Khi giới thiệu hay bán hàng tại gian trưng bày, người phụ trách
bán hàng không được ăn, uống trước mặt khách hàng, cho dù phía trước
gian hàng chỉ thấy có khách đi qua, lại. Phải luôn đứng, tươi cười
mời chào khách với thái độ thật niềm nở và cám ơn cho dù khách đó
chỉ nhìn và gian hàng của ta rồi lại đi luôn.
6. Người Nhật rất coi trọng chuyện gặp mặt trước khi bàn bạc hợp tác
và rất chu đáo trong việc chăm sóc khách hàng. Việc mời ăn, đón,
tiễn sân bay (đặc biệt là nếu vào được tận trong máy bay để đón thì
sẽ gây được ấn tượng đặc biệt với bạn). Trong giao dịch thương mại,
vấn đề quan hệ cá nhân là vô cùng quan trọng. Chú ý, trong bữa ăn
mời khách, ta nên chủ động tiếp đồ uống cho cho khách, cố gắng làm
sao để khách không bao giờ phải tự rót rượu cho mình trong suốt bữa
ăn.
7. Văn hóa trao danh thiếp: Nhật Bản là một trong những nước hay sử
dụng danh thiếp nhất thế giới. Việc không có hay hết danh thiếp khi
giao dịch không bao giờ để lại ấn tượng tốt với khách hàng.
8. Trực công ty: Người Nhật sẽ cảm thấy rất bất ổn về đối tác khi họ
gọi điện đến công ty mà không thấy có người trả lời máy điện thoại
hoặc trả lời không đúng mực.
9. Rất thích khi đối tác sử dụng được tiếng Nhật vì họ cảm thấy gần
gũi hơn. Hơn nữa ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ, số người nói được
tiếng Anh rất ít.
10. Người Nhật Bản rất coi trọng giờ hẹn. Vì vậy, khi đi làm việc
với khách Nhật, ta phải chủ động lựa chọn phương tiện hợp lý và thời
gian đảm bảo tránh bị muộn vì lý do tắc đường.
11. Sau khi đàm phán hay thống nhất vấn đề gì đó dù là không quan
trọng lắm cũng cần phải làm bản tóm tắt nội dung đã thống nhất gửi
lại cho đối tác.
12. Chú ý tặng quà khách vào một số dịp lễ của Nhật như dịp Ô Bôn
(tháng 7), dịp này nên gửi đồ ăn; dịp cuối năm dương lịch nên tặng
đồ uống.
13. Gửi thiếp chúc mừng nhân dịp ngày thành lập công ty; gửi thiếp
chúc mừng Giáng sinh và năm mới (lưu ý thiếp chúc mừng phải được gửi
tới tay đối tác trước ngày Giáng sinh, tốt nhất là vào khoảng nửa
đầu tháng 12).
14. Hàng hóa, cho dù bất kỳ loại gì cũng phải có hình thức đẹp, sạch
sẽ. Bao bì sản phẩm phải rất cẩn thận đúng tiêu chuẩn, hình thức
đẹp, kích thước hợp tạo được sự lôi cuốn và tiện dụng cho người sử
dụng. So với các thị trường khác, tại Nhật Bản đối với một số mặt
hàng như hàng quà tặng, chi phí cho bao bì chiếm tỷ trọng cao hơn
trong giá thành sản phẩm.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam