Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, Nhật Bản gần như chỉ còn lại đống tro tàn, nhưng chỉ sau vài thập niên, quốc gia này đã trở thành một trong hai nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Trước thập kỷ 60 của thế kỷ XX, thế giới chỉ biết đến Hàn Quốc là một bán đảo nghèo nàn, lạc hậu với cuộc nội chiến đẫm máu 1950-1953. Tuy nhiên, mấy chục năm sau đó, họ nhận được sự ngợi ca: “Kỳ tích sông Hàn” và trở thành một trong những “con rồng” của nền kinh tế châu á. Có thể khẳng định rằng, một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của hai quốc gia này chính là văn hoá doanh nhân (VHDN). Giới thiệu bài viết này, hy vọng sẽ cung cấp thêm cho các nhà quản lý, các doanh nhân của chúng ta một vài bài học bổ ích.

Hàn Quốc

Coi trọng và xây dựng thương hiệu: Ngay từ đầu, các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã bỏ không ít công để chọn cho mình một cái tên vừa có ý nghĩa, vừa như một khát vọng hay triết lý kinh doanh của mình. Chính vì vậy, khi tên của doanh nghiệp đã được xác lập thì rất ít khi thay đổi. Ngày nay, khi nghe nói đến DAEWOO hay SAMSUNG, nhiều người biết đến đó là tên của 2 tập đoàn lớn của Hàn Quốc và khi nhắm mắt lại, họ cũng có thể hình dung ra được biểu tượng của nó.

Xây dựng tác phong công nghiệp, khuyến khích sự sáng tạo: Điều này được thể hiện qua trang phục, cách xưng hô và kỷ luật lao động. Thông thường mỗi doanh nghiệp của Hàn Quốc đều có trang phục và/hoặc biểu tượng riêng để phân biệt với các doanh nghiệp khác. Về xưng hô, chào hỏi, khác với Việt Nam (lấy cách xưng hô của quan hệ huyết thống áp dụng cho cách xưng hô tại công sở), người Hàn Quốc có cách xưng hô riêng trong quan hệ công việc. Có 3 cách xưng hô trong ngôn ngữ của Hàn Quốc là: Tôn kính, lịch sự; thân mật; thông thường, trong đó cách nói tôn kính, lịch sự được sử dụng để giao tiếp trong quan hệ công việc nói chung và trong các doanh nghiệp của Hàn Quốc nói riêng. Khi cấp dưới gặp cấp trên thì bắt buộc phải chào (theo chức danh như Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng phòng…), hai tay buông thẳng và cúi người. Kỷ luật lao động được thể hiện qua việc chấp hành nghiêm chỉnh nội quy và giờ giấc làm việc của doanh nghiệp. Tại các phòng, ban, nhân viên thường phải đến sớm 10-15 phút để chuẩn bị bắt tay vào làm việc và họ cũng thường ra về muộn hơn khoảng chừng đó thời gian. Bên cạnh đó, chế độ dân chủ, tính sáng tạo cũng được phát huy rộng rãi, mọi người có thể nêu sáng kiến hay kiến nghị của mình, nếu chính đáng mà chậm hoặc không được giải quyết thì họ có thể biểu tình hay đình công. Tuy nhiên, khi quy định đã được nêu ra, cấp dưới phải phục tùng cấp trên và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cách nói của cấp dưới vẫn phải sử dụng cách nói kính ngữ - đó là nét văn hoá truyền thống của dân tộc Hàn. Có thể nói, tác phong công nghiệp, tinh thần dân chủ, phát huy tính sáng tạo là những yếu tố quan trọng tác động đến năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp của Hàn Quốc.

Truyền bá và giảng dạy truyền thống của doanh nghiệp: Tại Hàn Quốc, ngoài tên gọi, biểu tượng, các doanh nghiệp còn có bài hát truyết thống. Nội dung của bài hát thường là khích lệ tinh thần làm việc, khắc phục khó khăn để vươn lên của nhân viên, khơi gợi lòng tự hào về doanh nghiệp của mình. Bài hát truyền thống đó được hát lên trong những dịp có sự kiện liên quan đến doanh nghiệp, đầu buổi họp hoặc lúc liên hoan. Những nhân viên mới vào thường được tham quan, nghe giới thiệu về doanh nghiệp để phần nào hình dung ra ngôi nhà chung của mình. Sau mỗi lần như vậy, nhân viên phải viết bài nêu lên cảm nghĩ của mình một cách thẳng thắn về những điều mà họ đã nghe và thấy.

Nhật Bản

Triết lý kinh doanh và giải pháp tối ưu: Rất hiếm doanh nghiệp Nhật Bản không có triết lý kinh doanh. Triết lý kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhật Bản có vai trò như sứ mệnh kinh doanh; là hình ảnh của doanh nghiệp trong ngành và trong xã hội; là mục tiêu định hướng cho một thời kỳ phát triển dài. Mặt khác, các doanh nghiệp Nhật Bản coi triết lý kinh doanh như một yếu tố cấu thành thương hiệu khi mà họ sớm ý thức được rằng, kinh doanh sẽ được xã hội hoá với mức độ ngày càng gia tăng. Nói đến Honda là nói đến triết lý “Không mô phỏng, kiên trì sáng tạo, độc đáo”; “Dùng con mắt của thế giới mà nhìn vào vấn đề”. Hay như Sony thì “Sáng tạo là lý do tồn tại của chúng ta”… Các mối quan hệ kinh doanh thường hay nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, nhất là về lợi ích. Để giải quyết vấn đề này, doanh nhân Nhật Bản thường tìm cách mở rộng tham khảo giữa các bên, tránh gây ra những xung đột có tính đối đầu. Các bên đều có thể đưa ra quyết định trên tinh thần giữ chữ “tình” và hợp lý đa phương. Doanh nhân Nhật Bản luôn tìm giải pháp tối ưu theo cách đó.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tích cực của nhân viên, coi đào tạo nguồn nhân lực là khâu trung tâm: Trong công việc, người Nhật chấp nhận người khác có thể mắc sai lầm, nhưng luôn mong muốn sự sai lầm đó không được lặp lại và người mắc sai lầm phải có tinh thần sửa chữa, thể hiện ở kết quả cuối cùng. Mặc dù sự sai lầm của nhân viên không buộc phải đưa ra cam kết cụ thể để sửa chữa nhưng chính chuẩn mực và đạo đức doanh nhân đã tạo nên một sức ép vô hình khiến cho nhân viên thấy được trách nhiệm của mình. Người Nhật Bản có quy tắc bất thành văn trong khiển trách và phê bình: Người khiển trách là người có uy tín, được mọi người kính trọng. Đối với khả năng và đạo đức của mỗi con người, người Nhật quan niệm rằng: Trong bất cứ ai cũng đồng thời tồn tại cả mặt tốt lẫn mặt xấu, tài năng dù ít nhưng đều ở đâu đó trong mỗi cái đầu, khả năng dù nhỏ nhưng đều nằm trong mỗi bàn tay, cái tâm có thể còn hạn hẹp nhưng đều ẩn trong mỗi trái tim. Những mặt tích cực ấy nhiều khi còn ở dạng tiềm ẩn, hoặc do những cản trở khách quan hay chủ quan mà chưa phát huy được. Vấn đề là gọi thành tên, định vị nó bằng các chuẩn mực của tổ chức, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, thúc đẩy bằng đào tạo, sẵn sàng cho mọi người tham gia vào việc ra quyết định theo nhóm hoặc từ dưới lên. Nhật Bản coi con người là tài nguyên quý giá nhất, nguồn động lực quan trọng nhất làm nên giá trị gia tăng và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp của Nhật Bản khi hoạch định chiến lược kinh doanh luôn coi đào tạo nhân lực và sử dụng tốt con người là khâu trung tâm. Các doanh nghiệp thường có hiệp hội và quỹ học bổng dành cho sinh viên học những ngành nghề mà họ quan tâm. Họ không đẩy nhân viên vào tình trạng bị thách đố do không theo kịp sự cải cách quản lý hay tiến bộ khoa học và công nghệ mà chủ động có kế hoạch ngay từ đầu khi tuyển dụng và thường kỳ nâng cấp trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên.

Năng động, độc đáo trong tổ chức sản xuất, kinh doanh: Các doanh nghiệp của Nhật Bản nhận thức được rằng, phải coi thị trường là trung tâm, mọi hoạt động đều phải hướng tới khách hàng. Giữa các doanh nghiệp của Nhật Bản có sự liên kết rất đa dạng và hiệu quả. Đó là sự liên kết ngang giữa các công ty trong một công ty mẹ nhằm phát huy lợi thế tuyệt đối của các công ty thành viên, tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ quốc tế trên thị trường; đó cũng là sự liên kết dọc nhằm phát huy lợi thế tương đối của các công ty thành viên, khai thác lợi thế tiềm năng của thị trường tại chỗ, tăng lợi thế tuyệt đối cho công ty mẹ và uyển chuyển thích nghi khi có biến động kinh tế. Những sự liên kết này thấy rất rõ qua hình thức cổ phần chéo, gắn kết về tài chính, nghiên cứu phát triển, hệ thống kênh phân phối, cung ứng đầu vào, hỗ trợ nhân sự...

Công ty là nhà: Mọi thành viên gắn kết với nhau trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm hơn là bởi hệ thống quyền lực. Tổ chức như một con thuyền vận mệnh, một mái nhà chung. Anh làm được gì cho tổ chức quan trọng hơn anh là ai. Sự nghiệp và lộ trình công danh của mỗi nhân viên gắn với các chặng đường thành công của doanh nghiệp. Mọi người sống vì doanh nghiệp, nghĩ về doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh luôn được hình thành trên cơ sở đề cao ý nghĩa cộng đồng và phù hợp với các chuẩn mực xã hội, hướng tới những giá trị mà xã hội tôn vinh. ở Nhật, đã có thời người ta hỏi nhau làm ở đâu hơn là hỏi gia đình như thế nào. Sự dìu dắt của lớp trước đối với lớp sau, sự gương mẫu của những người lãnh đạo làm cho tinh thần cộng đồng ấy càng bền chặt. Trong nhiều chục năm, chế độ tuyển dụng chung thân suốt đời và thăng tiến nội bộ ở Nhật đã làm sâu sắc thêm điều này.
(Tạp chí hoạt động khoa học)
http://www.tchdkh.org.vn/tchitiet.asp?code=2098