Không biết có nên viết vào box này hay không nhưng có lẽ cũng liên quan đến công việc và cả học hành nên cho vào đây vậy.

Hôm trước có dịch 1 đoạn trong sách về vấn đề các công ty không cần người có học vị Tiến Sĩ nên chợt nhớ ra và viết đây vậy. Hy vọng những bạn bắt đầu đi làm tìm thấy điểm chung nào đó.

Có lẽ mình đã sai lầm trong tính toán cho tương lai. Lúc đầu định theo nghiệp học nên đã bỏ ra 6-7 năm trên ghế nhà trường. Thế nhưng đến khi tốt nghiệp dù muốn học tiếp nhưng có 1 vài lý do đặc biệt nên đành phải tìm việc.

Lúc phỏng vấn mình cũng khá tự tin vì tiếng Nhật cũng không đến nỗi nào. Và vì phần nào đó mình có ý nghĩ là nếu không tìm được việc làm thì lại đi học tiếp cũng chẳng sao. Cuối cùng thì cũng được nhận vào làm ở 1 công ty nọ.

Dù đã được học ở trường đủ thứ về phong cách làm việc, về cuộc sống trong công ty v.v.. Thế nhưng khi bước vào đi làm cũng cảm thấy bỡ ngỡ.

Ngay tối đầu tiên đi làm được sếp kéo ra quán cafe kể cho nghe sự tình của công ty. Tính anh A thế này, chị B thế kia v.v... Tất nhiên đây cũng là 1 cách giáo dục tư tưởng của công ty. Lúc đó vừa nghe vừa cảm thấy là có vẻ như mình đã thực sự rời ghế nhà trường và bước sang 1 thế giới mới.

Mấy ngày tiếp theo là được dẫn đi chào khách hàng. Và cũng dịp này buộc phải quen với cách tự giới thiệu, cách trao và nhận danh thiếp.

Nói chung là mọi thứ đều mới! Khác với ở trường!

Nhưng có lẽ shocked lớn nhất đối với mình là sau khi nộp bản báo cáo công việc đầu tiên sếp gọi ra và nhận xét là " Thất vọng về bản báo cáo này!". Dù mình cũng có nói rằng đã bỏ ra cả buổi tối để làm báo cáo(ý muốn chứng minh là mình đã cố gắng)!

Sau khi nghe phân tích kỹ về lý do báo cáo không được chấp nhận thì mình nhận ra các điểm sau:

-Mình đã mang cách viết báo cáo trong nhà trường (với những nhận xét cao siêu nhưng xa vời thực tế) vào khi viết báo cáo công việc. Trong khi công việc lại đòi hỏi thực tế hơn là những lời lẽ bay bướm.

-Trong báo cáo thay vì nhận xét khách quan dựa vào sự thực cùng những giải pháp có khả năng thực hiện thì mình lại nêu ra nhiều ý chủ quan và tai hại hơn là bỏ ngỏ cách giải quyết.

-Về chuyện mình nói đã bỏ ra cả buổi tối để làm thì chỉ nhận được một câu như sau: "Công ty chỉ cần kết quả! Không cần nghe hay biết quá trình anh đã làm như thế nào! Có cố bao nhiêu mà không có kết quả thì cũng bằng không!".

Nói tóm lại thì mình đã mắc bệnh "nói nhiều mà chẳng làm bao nhiêu". Bệnh của những người mới vừa ra trường và quá tự tin cũng như quá bị ảnh hưởng những kiến thức- nhiều khi là không thực tế- học được ở nhà trường.

Sau khi đi làm một thời gian mới nhận ra rằng có những thứ không cần nói mà kết quả công việc sẽ nói hộ mọi thứ.