Khi có cơ hội "thâm nhập" vào đời sống của một số người Việt đang làm việc tại Nhật thì thường vẫn hay nghe họ than phiền về việc công ty không "công bằng" và họ không được đối xử "bình đẳng". Thử suy ngẫm lại 1 chút thì thấy như sau:





Về tình huống để họ than phiền như trên thì có khá nhiều. Nhưng chung quy lại đa số là nằm ở việc khi quyền lợi của họ bị đụng chạm hay khi họ muốn có thêm quyền lợi. Ví dụ khi 1 nhóm người Việt cùng qua và cùng làm ở 1 công ty nào đấy nhưng có ai đó được công ty ưu ái trả lương cao hơn những người khác cũng sẽ nói rắng "bất bình đẳng" "phân biệt đối xử". Hay trường hợp trong tình hình khủng hỏang hiện nay ai cũng muốn đi làm và khi người Việt Nam ít được gọi đi làm và người Nhật hay người nước khác (nếu có) được gọi đi làm nhiều thì kết quả cũng là : "bị phân biệt đối xử, không công bằng!".

Thực tế và nguyên nhân nằm ở đâu?
Thực tế thì cái cảm giác "bất bình đẳng" đã nêu ra trên kia không phải không lý giải và thông cảm được. Nhưng suy nghĩ sâu xa hơn 1 chút thì sẽ thấy nguyên nhân nằm ở quan niệm về những vấn đề này ở Việt Nam và Nhật Bản khác nhau.

Nếu như ở Việt Nam mọi người có khuynh hướng nghĩ rằng "bình đẳng là mọi thứ phải giống nhau". Thí dụ nhân viên cùng vào công ty 1 thời điểm, cùng 1 trình độ làm cùng 1 công việc thì lương phải như nhau mới là bình đẳng. Ngược lại, người Nhật cho rằng: Mọi người bình đẳng trước kết quả công việc, bình đẳng giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Có nghĩa là ai làm được việc hơn sẽ có nhiều quyền lợi hơn. Vì lẽ đó mà đã phát sinh ra việc cùng qua 1 thời đỉêm nhưng sau đấy thì có 1 số người lương cao hơn, được ưu ái hơn(lý do là vì họ làm được việc).

Nói cách khác, khi phàn nàn về chuyện bình đẳng trong công ty Nhật thì đa số người Việt Nam chỉ nhìn từ 1 phía đó là quyền lợi của họ. Và họ cũng vô tình hay cố ý quên đi yếu tố nghĩa vụ. Có nghĩa là nếu anh muốn hưởng nhiều hơn người khác thì anh phải đóng góp nhiều hơn người khác.


Và cũng lưu ý là công ty Nhật, xã hội Nhật không tồn tại kiểu bình đẳng "cá mè một lứa": mọi người cùng thời sẽ giống nhau. Ngay cả người Nhật cũng có người cao kẻ thấp trong địa vị dù họ vào công ty cùng thời điểm. Do đó có lẽ nếu nói rằng người Nhật phân biệt đối xử, bất bình đẳng thì cũng chưa thật "công bằng" trong đánh giá.

Và cũng đừng quên rằng Nhật là xã hội tư bản ở đó sự cạnh tranh lành mạnh được khuyến khích. Còn Việt Nam là XHCN ở đó khuynh hướng " mọi người đều bình đẳng" trong quyền lợi còn bám rễ khá vững chắc.

Nếu bạn qua Nhật thiết nghĩ đây cũng là những vấn đề bạn nên lưu ý để tránh những rắc rối, buồn phiền không đáng có và để có những đánh giá "công bằng" hơn.