Sự ra đời

Thể thơ haiku được ra đời vào thế kỉ 17 và phát triển mạnh vào thời kì Edo (1603 - 1867) khi đã dần mất đi sắc thái trào phúng mà mang âm hưởng sâu thẳm của Thiền tông. Thiền sư thi sĩ lỗi lạc Matsuo Basho được thừa nhận là người khai sinh ra haiku và Yosa Buson, Masaoka Shiki đã hoàn thiện nó dưới diện mạo và tên gọi như chúng ta thấy ngày nay. Đây có lẽ là thể thơ ngắn nhất thế giới bởi mỗi bài haiku, mặc dù đôi khi ta vẫn thấy có những hình thức khác, nhưng thường chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết trong 3 câu 5+7+5 (17 âm tiết tiếng Nhật có khi chỉ vài ba từ ít ỏi, 3 câu trong cú pháp haiku cũng thường được viết thành một dòng). Chẳng hạn bài thơ con ếch nổi tiếng sau đây của Matsuo Bashō trong tập Xuân nhật (Haru no hi, 1686) viết chung với đồ đệ, có cú pháp 5+7+5 âm tiết:

古池や Furuikeya (Phư-rư-i-kê-ia)
蛙飛び込む Kawazu tobikomu (Ka-oa-dư-tô-bi-kô-mu)
水の音 Mizu no oto (Mi-dư-nô-ô-tô)

Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao.

Với dân tộc Nhật Bản, haiku được xem như tinh hoa của văn hóa dân tộc. Dưới góc nhìn của Thiền tông, haiku là thể thơ đặc biệt có thể hàm chứa được thực tại nhiệm mầu trong vỏn vẹn 17 âm tiết, vừa sâu lắng uyên thâm, lại vừa đơn sơ giản dị, nhiều khi trở thành phương tiện hữu hiệu truyền tải một công án để các môn sinh tu tập Thiền. Chủ đề của thơ haiku thường lồng vào khung cảnh của bốn mùa.

Niêm luật cơ bản của haiku

* Trong thơ haiku bắt buộc phải có kigo (季語, quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả một mùa nào đó trong năm. Có thể trực tiếp hay gián tiếp thông qua các hình ảnh, hoạt động hay những cái gì đó mà mang đặc trưng của một mùa trong năm.
* Mỗi bài thơ thông thường có cấu trúc âm tiết 5 + 7 + 5 trong ba câu. Tuy nhiên, ngay cả tổ sư của haiku Matsuo Basho cũng đôi khi sử dụng ít hơn hoặc nhiều hơn số âm tiết đã nói trên; chẳng hạn như:

Tịch liêu
Thấu xuyên vào đá
Tiếng ve kêu.

Ngũ trụ haiku của Nhật Bản

* Matsuo Basho (松尾芭蕉) (1644 - 1694)
* Yosa Buson (与謝蕪村) (1716 - 1784)
* Kobayashi Issa (小林一茶) (1763 - 1828?)
* Masaoka Shiki (正岡子規) (1867 - 1902)
* Yoshiko (善子) (1539 - ~)
(Sưu tầm)