VĂN HÓA NHẬT BẢN
Hari Kuyo – Lễ cầu siêu cho những chiếc kim bị gãy
Tại Nhật Bản, ngày 8 – 2 hằng năm là ngày lễ cầu siêu dành cho những chiếc kim bị gãy trong năm cũ, hay còn gọi là ngày Hari Kuyo.

Nghe thật lạ lẫm! Nhưng từ lâu, người Nhật đã quan niệm: những chiếc kim đã hy sinh cả cuộc đời để phục vụ con người. Nếu không có chúng, quần áo sẽ không thể nào kết thành hình hài, và bộ Kimono truyền thống của người Nhật cũng không thể hoàn nguyên sau mỗi lần giặt.

Ngày lễ Hari Kuyo thường được tổ chức tại các trường học nữ sinh. Trong buổi lễ, người ta chuẩn bị một bàn thờ nhỏ có 3 bậc. Bậc trên cùng dùng để bày bánh, hoa quả cúng. Bậc giữa được đặt một bánh đậu phụ (Tofu) và bậc dưới cùng là nơi để những dụng cụ mạy mặc (kim, chỉ, kéo…). Thêm vào đó, người Nhật trang trí bàn thờ bằng những dải trắng linh thiêng và nhiều chiếc dây khác.
Trong quan niệm của người Nhật, chiếc bánh Tofu được cắm đầy những chiếc kim gãy, đó là tấm nệm mềm mại – nơi dành cho những chiếc kim xấu số ngủ yên. Không chỉ vậy, những chiếc kim được coi như con người. Người ta đọc kinh cầu nguyện để những chiếc kim gãy trong năm cũ ra đi thanh thản. Sau đó, mẫu bánh Tofu chứa đầy những chiếc kim gãy này sẽ được đưa đến một ngôi đền và thực hiện nghi lễ khác.

Đối với người Nhật, mỗi chiếc kim có một cuộc sống riêng. Có chiếc phải làm việc nhiều, có chiếc ít, có chiếc bóng bẩy, chiếc sần sùi,… Đa dạng như thế giới con người vậy!

Trước đây, khi những chiếc kim vẫn chưa được sản xuất hàng loạt tại Nhật thì việc làm ra để sử dụng đòi hỏi người làm phải dồn thật nhiều công sức và tâm huyết. Do đó, khi mỗi chiếc kim bị gãy, người Nhật sẽ không vứt đi, bởi họ trân trọng chiếc kim cũng như người đã làm ra nó. Việc vứt bỏ một chiếc kim bị gãy cũng có thể làm đau bất cứ ai vô tình không để ý. Chính vì thế, người Nhật sẽ cất giữ những chiếc kim đã “lìa đời” và để dành cho dịp lễ Hari Kuyo vào năm sau.

[Step Up tổng hợp]