Nhật Bản lại có những quan niệm hơi khác Trung Quốc về đũa và cách dùng đũa ăn. Trước khi bắt đầu ăn, người Nhật Bản bao giờ cũng dùng đũa làm một động tác chúc ăn ngon miệng.

Đũa bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản cách đây 1.800 năm. Đầu tiên chỉ vua chúa hay thành viên các gia đình quyền quý mới được dùng đũa (trước đó người Nhật dùng tay để ăn). Ngày nay, đũa được dùng rộng rãi trong hầu hết các nhà hàng hay gia đình người Nhật.

Tuy nhiên, người Nhật cũng có một vài quan niệm đặc biệt về cách dùng đũa. Khi thực khách dùng đũa để khua có nghĩa là họ không hài lòng với món ăn được phục vụ. Chọc chọc đũa vào một nắm đấm tay là dấu hiệu của sự khiêu khích hay thái độ thù địch. Dùng đũa đảo liên hồi trong bát chứng tỏ thực khách đang có ý kiến gì cần phải đề xuất với chủ nhà. Để báo hiệu chưa muốn kết thúc bữa ăn, người Nhật chỉ cần nắm chặt đũa. Các đôi đũa nhọn đầu tượng trưng cho hành động man rợ hoặc thiếu thanh tao.

Chất liệu chính được dùng để sản xuất đũa là tre hoặc gỗ. Người Trung Quốc hay Nhật Bản chỉ dùng đũa một lần rồi vứt đi. Vấn đề đặt ra hiện nay đó là sự cạn kiệt tài nguyên rừng (hàng năm Trung Quốc phải tiêu tốn hàng triệu mét khối gỗ để sản xuất đũa). Gần đây, các giới chức hữu quan cũng như các nhóm ở Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ ban hành lệnh "tái sử dụng" đũa. Các em học sinh cấp hai viết thư cho Thủ tướng Chu Dung Cơ yêu cầu ban hành lệnh cấm dùng đũa một lần. Sinh viên đề nghị các căng-tin trong trường đại học sử dụng muỗng thay cho đũa dùng một lần. Các nhóm không chính thức của những người dùng Internet đã tổ chức phân phối những túi đựng đũa để mọi người có thể mang theo và dùng lại. Một số ca sĩ nổi danh của Trung Quốc cũng tham gia vào việc tranh đấu cho mục tiêu này.

Một số nhà hàng Trung Quốc đã hưởng ứng các hoạt động này bằng cách rửa và tái sử dụng đũa. Thượng Hải và một số thành phố khác hiện đang nghiên cứu lệnh cấm một phần việc sử dụng đũa một lần.

Đũa để ăn có từ thời cổ đại ở Trung Quốc, ít nhất là từ đời nhà Tống, khoảng 1.500 năm trước Công nguyên. Đũa từng là đầu đề cho vô số truyện dân gian của đất nước này. Theo truyền thống, đũa được vót bằng tre, hoặc làm bằng gỗ mun, gỗ trầm, gỗ tếch, gỗ thông. Tuy nhiên các bậc hoàng đế lại thích dùng đũa bạc, vì người ta tin rằng nếu có thuốc độc trong đồ ăn, đũa bạc sẽ chuyển sang màu sậm đen.

Cho đến giữa những năm 80, những đôi đũa dùng một lần được sản xuất bằng gỗ bạch dương hoặc gỗ dương liễu mới xuất hiện tại Trung Quốc. Loại đũa này đã bắt đầu được sử dụng trước đó rất lâu ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Khi đó, chính quyền Trung Quốc đã cổ động việc sử dụng loại đũa dùng một lần để chống các chứng bệnh viêm nhiễm, và đã từng có lúc yêu cầu các tiệm ăn ở các thành phố của Trung Quốc sử dụng loại đũa này. Trung Quốc còn sản xuất đũa để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Á khác. Mấy năm gần đây, lũ lụt, hạn hán hoành hành tại Trung Quốc khiến người ta quy ra nguyên nhân do rừng bị tàn phá.

Người dân các nước dùng đũa một lần bắt đầu ý thức được hiểm hoạ của việc làm này từ giữa thập niên 90. Những người yêu thiên nhiên đã lên án Nhật vì 25 tỉ đôi đũa mà nước này sử dụng hàng năm, hầu hết được làm bằng gỗ của các quốc gia khác. Tại Hàn Quốc, đũa nhôm đã được sử dụng rộng rãi, cách đây sáu năm, nước này đã cấm việc sử dụng đũa một lần. Vấn đề được các nhà môi trường đánh giá cao ở đây là người dân bắt đầu quan tâm đến tác động của thói quen sinh hoạt lên môi trường sinh thái.