Các gia đình ở Nhật Bản rất khắt khe trong việc dạy dỗ con cái ứng xử, từ cách cầm đũa, cầm bát, đến cách mở, đóng cửa, nói năng, chào hỏi. Họ còn dạy con cái một lối sống truyền thống với những đặc tính như kiềm chế bản thân, tế nhị, khiêm nhường và nhã nhặn. Bộc lộ thẳng tình cảm được coi là ấu trĩ, không phù hợp với cách ứng xử của người lớn và không được coi là thanh nhã. Đặc biệt người Nhật không thể hiện tình yêu trước mặt người khác. Có lẽ vì thế mà người ta cho rằng khó dò biết được tình cảm và suy nghĩ bên trong của người Nhật. Người Nhật thường nói "Có món quà nhỏ, xin tặng..." Thực ra đó là cách diễn đạt tế nhị dù quà tặng luôn được chọn lựa hết sức cẩn thận. Tuy nhiên, sự khác biệt trong suy nghĩ giữa các thế hệ là không tránh khỏi. Sau Thế chiến thứ Hai, nếp sinh hoạt từng được tuân thủ trong các gia đình Nhật Bản này dần trở nên thoáng hơn. Ngày nay, khi hình thức sinh hoạt dùng bàn ghế thay chiếu phổ biến, số trẻ em không ngồi quỳ được cũng tăng lên. Có thể nhìn thấy nhiều đôi thanh niên Nhật Bản nắm tay hay khoác vai nhau trên tàu điện và trên đường phố. Bản tính khiêm nhường, nhã nhặn vốn có của người Nhật phải chăng đã có sự thay đổi?

Trong tiếng Nhật, kính ngữ được sử dụng rất đa dạng và phức tạp qua 3 lối nói: lễ phép, kính trọng và khiêm nhường, tự nhún mình để thể hiện sự khiêm nhường. Chương trình giáo dục bắt buộc ở bậc tiểu học và trung học có đưa vào nội dung giảng dạy quốc ngữ một số tiết học về kính ngữ nên thanh thiếu niên có sự hiểu biết nhất định. Tuy nhiên chưa phải họ đã sử dụng thành thục kính ngữ trong đời sống hàng ngày. Thực tế kính ngữ rất phức tạp. Chẳng hạn khi nói với cấp trên của mình ở công ty thì dùng lối nói kính trọng. Nhưng khi nói với người ngoài công ty về người ấy lại phải dùng lối nói khiêm nhường. Nếu không biết dùng kính ngữ phù hợp với đối tượng mình giao tiếp, sẽ bị coi là thiếu giáo dục, không hiểu biết lễ nghi. Có thể nói kính ngữ là một kiểu thức cơ bản không thể thiếu được đối với người Nhật.

Cúi người cũng là một tập quán đặc biệt của người Nhật. Khi chào hỏi, khi nhờ vả, khi xin lỗi, cũng như khi cảm ơn, người Nhật đều cúi người. Thậm chí như khi nói chuyện điện thoại, biết rằng mình và người đối thoại không nhìn thấy nhau, song nhiều người vẫn bất giác cúi người để biểu thị sự tôn trọng hoặc biết ơn. Có ba kiểu cúi người căn cứ vào mức độ quan hệ giữa bản thân người chào và người đối diện, căn cứ vào địa điểm, thời gian, hoàn cảnh. Trước hết là kiểu "chào nhẹ" thường dùng khi gặp khách hay cấp trên ở hành lang, đầu chỉ hơi cúi chào. Kiểu cúi người thứ hai là kiểu "chào bình thường" cúi người thấp hơn một chút khi chào tương đối trịnh trọng. Cuối cùng là kiểu "chào lễ phép", cúi người thấp hẳn xuống, dùng khi chào một cách trịnh trọng như chào khách. Bất kể thế nào cũng không cúi đầu mà phải để thẳng lưng và và hơi gập người ở chỗ thắt lưng. Ngoài ra, khi cúi chào, cách để tay của nam và nữ cũng khác nhau. Thường thì nam giới để tay ở hai bên hông còn nữ giới để tay phía trước.
Bắt tay vốn không có trong tập quán chào hỏi của người Nhật nhưng khi chào hỏi người nước ngoài, người Nhật cũng thường bắt tay đúng như câu tục ngữ "Nhập gia tuỳ tục". Có thể nói đây là ví dụ thể hiện tính linh hoạt trong lối ứng xử của người Nhật.

Tại Nhật Bản, trước khi bước lên nhà phải cởi giày để ở thềm. Một số công ty 100% vốn của Nhật tại Việt Nam vẫn bảo tồn phong tục này. Trước khi vào nhà máy, văn phòng buộc phải để giày dép ở ngoài. Sàn nhà được làm bằng những tấm chiếu đan bằng cói gọi là tatami. Trong phòng, người ta để trên chiếu những cái đệm ngồi mỏng ( gọi là za bu tơn) và ngồi quỳ lên trên. Ngồi quỳ là cách ngồi nghiêm chỉnh nhất, nhưng nếu được người cùng ngồi cho phép, có thể để cho chân được thoải mái. Khi đó nam giới ngồi xếp vòng tròn, nữ giới hoặc ngồi quỳ như cũ hoặc dịch hông sang bên.

Trong ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản, các phòng được ngăn bởi các cửa kéo được gọi là Shoji và Fusuma. Tường nhà rất ít. Khi vào phòng có khách đang chờ, phải vừa quỳ vừa mở cửa hay đóng cửa và giữ nguyên tư thế ngồi quỳ lúc cúi chào. Người Nhật rất nhạy cảm về vị trí ngồi cao thấp. Trên đệm ngồi dù chỉ nhỉnh hơn vài xăng ti mét cũng đã được coi là cao hơn rồi. Để mình ngồi cao hơn người khác cũng bị coi là thất lễ.

Ngoài vị trí ngồi cao thấp, người Nhật còn rất để ý đến thứ tự ngồi được gọi là Kamiza (ngồi trên) và Shimoza (ngồi dưới). Lúc ngồi trên xe cũng như khi ngồi trên phòng, thứ tự ngồi được ngầm quy ước. Trong phòng, chỗ (ngồi trên) là chỗ xa cửa vào phòng nhất, dành cho người trên hay cho khách. Khi dẫn khách vào phải mời khách "chỗ ngồi trên" rồi thứ tự lần lượt ra phía cửa. Trong phòng khách của những ngôi nhà Nhật Bản từ thời Edo (từ thế kỷ XVII) có một khoảng trống gọi là Tokonoma. Đó là khoảng trống lõm trong tường và cao hơn sàn nhà một chút, trên vách có treo tranh và bày biện lọ hoa hay đồ trang trí. Chỗ ngồi phía trước Tokonoma là "chỗ ngồi trên". Trong gia đình người cha là trưởng gia ngồi ở vị trí cao nhất. Kế đến là con trai cả. Rồi đến là con trai thứ ngồi phía dưới và con dâu ngồi dưới cùng.

Những nét tinh thần độc đáo hình thành qua lịch sử lâu đời được các thế hệ người Nhật kế tục. Nhưng trong quá trình toàn cầu hoá, làm thế nào để vừa tận dụng cơ hội tiếp xúc với nền văn hoá mới vừa giữ gìn được bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc. Đấy là vấn đề thần dân của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, mấy năm gần đây, rất quan tâm. Nhiều người Nhật giàu có tự hỏi liệu nền văn hoá giàu truyền thống của họ có trụ được trước cơn bão toàn cầu hoá và nếu có thì trụ đến bao giờ. Có người Nhật thậm chí bi quan đến mức đã làm ai điếu cho những cái mà họ gọi là "Cốt cách Nhật Bản". Họ bảo chỉ vài thế hệ nữa thôi sẽ lùi vào quá vãng. Hàng loạt cuốn sách cảnh báo thấm đẫm lời "ai điếu" ấy ra đời. Hàng trăm hội thảo, kiến nghị bảo tồn những di sản văn hoá phi vật thể được tiến hành trong vòng 10 năm qua. Nhưng chỉ như muối bỏ bể. Những thế hệ thanh niên Nhât Bản, những lứa mới lớn dường như hăm hở tiến vào tương lai chỉ với những rock, rap, những metal với những kiểu ăn mặc, cư xử lai căng phương Tây kinh dị. Họ bỏ ngoài tai tiếng kêu rền rĩ của tiền nhân bất lực trước sức tấn công tàn bạo của công nghệ.

NetNam