Thành quách ở Nhật Bản phát triển lên đến tột đỉnh vào cuối thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII. Nhiều thành quách, lâu đài hùng vĩ và tráng lệ vào thời ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản.

Địa hình là một trong những yếu tố quyết định tính đặc trưng quan trọng của thành quách Nhật. Có 3 loại thành chính: yamajiro (sơn thành) được xây trên núi và dùng dốc núi để phòng thủ, hira-jiro (bình thành) xây trên vùng đất bằng, hirayma-Jiro (bình sơn thành).

Thành Osaka (tỉnh Osaka)

Được Toyotomi Hideyoshi xây dựng năm 1585. Phải mất hai năm với số thợ từ 20.000 đến 30.000 người làm việc mỗi ngày mới hoàn thành lâu dài đồ sộ này. Tường thành bằng đá với doanh chính, doanh thứ hai và thứ ba dài khoảng 12km.

Một trong những tảng đá lớn của tường doanh chính cao 5,8 và rộng 14m. Thành bị đốt năm 1616 sau đó được xây lại, tuy nhiên đến năm 1665, tháp chính bị thiêu huỷ và hầu hết phần kiến trúc còn lại của tòa thành cũng bị cháy rụi vào năm 1868. Tháp chính hiện nay được nhân dân thành phố Osaka xây lại bằng Bê-tông cốt thép vào năm 1931.


Thành Okayama (tỉnh Okayama)

Nền móng của thành được đặt vào giữa thế kỷ XII và được Ukita Hideie xây dựng ở năm 1597. Tháp chính được xây dựng vào năm 1966. Thành này có hai tên gọi, một là U-jo (thành quạ) vì những miếng ván lát màu đen của nó và Kin’u-jo (thành quạ bằng vàng) bởi những viên ngói lát hình con cá Shachihoko bằng vàng trên mái của tháp chính.

Có một khu vườn cảnh được tạo dựng về phía đông bắc của thành bên kia bờ sông Asahi-gawa. Cả thành và khu vườn đã trở thành nơi hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đến Okayama.

Hoàng cung (Tokyo) tọa lạc ở Trung tâm Tokyo trên nền đất cũ của thành Edo. Năm 1457, Ota Dokan đã xây một pháo đài về phía này, và sau này nó trở thành nơi chính thức của Tokugawa leyasu vào năm 1590. Thành này và khuôn viên của nó chiếm diện tích khoảng 1 triệu m2 và được coi là thành rộng nhất thế giới.

Nó trở thành Hoàng cung khi Nhật Hoàng Minh Trị dời đô từ Kyoto đến sau cuộc Minh Trị Canh Tân. Ngày nay, một phần của doanh chính, doanh thứ hai, doanh thứ ba được mở cửa cho công chúng vào xem và dần dần đã trở thành một nơi thư giãn, vui chơi cho người dân ở Tokyo.


Thành Inuyama (tỉnh Aichi)

Được xây dựng trên một ngọn đồi cao 80m, toà thành trông rất đẹp nếu chúng ta nhìn từ dòng sông Kiso-gawa. Con sông này chảy dưới một vách đá trên sườn đồi phía Bắc. Khi thành này được tháo ra từng mảnh để sửa chữa vào năm 1965, các học giả đã xác định thành được xây dựng vào thế kỷ XVII. Nó được nới rộng ra vào năm 1617 để được hình dáng như hiện nay.

Tháp chính 3 tầng đã được xây dựng bằng cách thêm một tầng có mái che vào trên tháp canh hai tầng. Tháp chính được cho là hoàn toàn giống những tháp xưa về kiểu cách. Đó là một trong những tháp chính cổ xưa nhất còn lại ở Nhật và đã được chỉ định là bảo vật của quốc gia. Thành này còn nổi tiếng vì một lý do khác nữa, đó là thành duy nhất mà tư nhân sở hữu.


Thành Himeji

Được xây dựng trên một ngọn đồi gọi là Hyme-yama và có đồng vây quanh. Người xây thành thường xây một Tenshukaku (tháp chính) tại một nơi cao nhất trong thành. Tháp cao hơn hẳn những dinh thự trong thành nên có thể dùng quan sát rõ ràng động tĩnh của quân địch trong khu vực. Tháp cũng tượng trưng cho uy quyền của vị chủ thành.

Tại thành Himeji, bản doanh là nơi ra những quyết định chính trị. Vị tướng thành cùng với gia đình và thân nhân sống tại nhị doanh, tam doanh và tây doanh, và kể từ đó đến nay khuôn viên thành vẫn như vậy. Một nét hấp dẫn của tường thành có phần gốc xây bằng đá là hình dáng của chúng. Chúng nhô lên thẳng đứng và khi đến phía trên thì cung ra. Lối cung này người Nhật gọi là ogi-no-kobai (dốc nghiêng hình quạt) khiến chúng khó trèo và làm tăng vẻ đẹp nổi tiếng của thành quách Nhật Bản.

Thành Himeji là thành lớn nhất còn nguyên vẹn tại Nhật. Người ta cũng cho rằng đó là thành đẹp nhất tại nước này. Loại vữa màu trắng phủ mặt ngoài tường thành cũng được dùng để dán mái ngói, và điều này làm cho thành thêm trang nhã, khiến ngôi thành cao ráo này còn có một mỹ danh là thành Bạch Lộ. Thành là một quốc bảo và đã được đăng ký với Tổ chức Giáo dục, Xã hội và văn hoá Liên hiệp quốc là di sản văn hoá thế giới năm 1993.

(Theo Di sản thế giới)