TRONG GIAO TIẾP TRUYỀN THỐNG NGƯỜI NHẬT RẤT KÍN ĐÁO,ÍT CỞI MỞ


Con người khi tham gia quá trình giao tiếp với nhau thông qua hình thức này hay hình thức khác cả hai bên đều tự bộc lộ những quan điểm, tâm tư tình cảm của mình đối với người đối thoại. Nhưng với người Nhật khi giao tiếp với người khác, đặc biệt là với những người mới gặp, ít quen biết thường không thổ lộ tâm tình của mình, mà họ giữ mình rất điềm tĩnh, họ nói năng thận trọng, không cho mình phát biểu tự do, tuỳ tiện mà chăm chú quan sát những phản ứng của người cùng đối thoại đồng thời kiểm soát những phản ứng (cả lời nói và cử chỉ cơ thể) của mình rất kỹ lưỡng. Ngay từ khi còn thơ ấu người Nhật đã được giáo dục là không được bộc lộ công khai tâm trạng của mình, không khuyến khích sự bộc lộ những tâm tư sâu kín và điều đó đã trở thành một tiêu chuẩn xử thế trong giao tiếp và hành vi đó được đánh giá là đúng mực và có phẩm hạnh. Chỉ có giữa những người thân quen, bạn bè thì người Nhật mới trò chuyện thoải mái hơn, mới cho phép bộc lộ những tâm trạng, cảm xúc của mình. Vì vậy, người Nhật thích giao tiếp với những người thân quen hơn là với người lạ, ít quen biết.

Sự kín đáo trong giao tiếp còn biểu hiện ở chỗ người Nhật ít biểu lộ những cử chỉ và động tác thân thể khi giao tiếp, khi nói chuyện không hoa chân, múa tay, không có những cử chỉ như “đập vào mắt” người khác. Ngay cả cái bắt tay vì khi bắt tay khi giao tiếp cũng không phổ biến, và được coi là cử chỉ ngoại lai. Khi giao tiếp người Nhật không thích cử chỉ bắt tay vì nếu làm thế thì hai người khó tránh khỏi việc phải nhìn trực diện vào nhau, mà theo lễ nghi thì hành vì nhìn trực diện vào nhau khi giao tiếp bị coi là không đúng mực, không lịch sự điều mà người Nhật hết sức tránh. Người Nhật cho rằng chỉ vì có thiện cảm với nhau mà trong quan hệ giao tiếp đã suồng sã với những người khách lạ, ít quen biết thì đó là điều không bình thường mà phải thông qua nhiều cuộc gặp gỡ trò chuyện, lưu lại cùng nhau khi cảm thấy có sự lôi cuốn đối với nhau và hình thành sự tin cậy trong giao tiếp thì họ mới thổ lộ những vấn đề riêng tư, tâm trạng của mình. Khi giao tiếp thì người Nhật cũng thường có những cử chỉ đụng chạm vào cơ thể lẫn nhau để biểu thị tính chất tương giao về cảm xúc của mình đối với người đối thoại như khoác vai, khoác tay nhau. Khi giao tiếp người Nhật không thích đề cập ngay tới các vấn đề liên quan tới lĩnh vực cá nhân, đầu tiên phải đề cập tới các vấn đề chung của xã hội như: thị hiếu, chương trình truyền hình, sách vở, công việc, thời cuộc rồi từ đó mới chuyển dần sang các vấn đề cá nhân. Như vậy, giao tiếp của người Nhật theo kiểu “vòng vo tam quốc”. Sự kín đáo trong giao tiếp của người Nhật có nguồn gốc lịch sử sâu xa từ đặc điểm nguồn gốc dân tộc, vị trí địa lý, đặc thù của nền sản xuất. Từ xưa người Nhật lúc nào cũng phải sẵn sàng đối phó với các cuộc xâm lăng, nội chiến giữa các thế lực phong kiến vì vậy, khi giao tiếp với người khác họ ít cởi mở vì họ luôn giữ thái độ đề phòng, tự vệ.


Nguồn tin Viện nghiên cứu Đông Bắc Á