Hoa viên là một bộ phận quan trọng của nhà ở tại Nhật Bản, nó đem lại sự yên tĩnh và thoải mái và có một ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống của người Nhật.
Từ thời xa xưa, con người ở phương đông hoặc phương tây, trên miền Bắc hoặc dưới miền Nam đều ra sức đi tìm một miền đất an lạc vĩnh hằng ở những nơi cao xa hoặc ở trên trời xanh gần gũi với nơi thiên giới của thần tiên. Người theo đạo Thiên Chúa tìm ra Thiên đàng cho những linh hồn phúc đức của người từ trần. Người theo đạo Lão phát hiện ra núi Bồng Lai, nơi xuân trời bất tận. Đức Phật Adiđà tạo ra cho người sùng tín thế giới Cực lạc trên trời cao, nơi có vườn hoa thơm ngát hương sen rực rỡ ánh dương vàng.
Mặc khác, con người chúng ta cũng đã và đang ra sức tạo ra một nơi chốn như thế ở trên trần thế. Đền miếu chùa chiền thờ thần Phật trên thế gian đều có vườn hoa, do tay người tạo nên. Và do văn hoá đang ngày càng tiến tới chúng ta hy vọng ngôi nhà của chúng ta rồi cũng có thể gần gũi hơn với sảnh ốc của thần Phật trên thiên giới. Lịch sử hoa viên biểu lộ cung cách đó của con người trên đường tìm kiếm một khuôn vườn đẹp cho ngôi nhà ở của mình.
Trong việc nghiên cứu hoa viên thời Yedo, chúng ta cũng bắt gặp cái xu hướng mong ước đó của con người. Hoa viên thời Yedo có thể phân thành ba loại, đó là vườn trà gọi là cha - niwa, vườn bằng gọi là hira-niwa, và vườn cảnh tản bộ gọi là kwaiyu-shiki-teien.
Vườn trà chỉ là một lối đi nhỏ trong vườn từ cổng dẫn đến trà thất, do đó nó quan hệ không tách rời với trà thất và tất nhiên là rất nhỏ, rất hẹp. Song mục tiêu của vườn trà là tạo ra một không khí cảnh vật thiên nhiên với vẻ mộc mạc bình dị có chủ tâm. Cái không khí đó được miêu thuật bằng từ wabi. Nói cách khác, vườn trà phải thiết kế thế nào để truyền đạt được một cảm giác cô quạnh và một vẻ dáng cảnh vật thiên nhiên rộng lớn trong một khoảnh đất nhỏ bé, trước khi bước vào trà thất, mà trà thất cũng vậy, rất nhỏ bé thôi. Nhằm mục đích như vậy nên thông thường cây lưu niệm được trồng trong vườn, cây xanh chứ không phải hoa. Cỏ dưới chân cây cũng quan trọng để tạo ra cảm giác kia, rêu đất lại càng được ưa chuộng vì nó tạo ra cho khuôn vườn một cảm giác êm ái và yên ắng.
Khi triển khai một khuôn vườn trà, việc xếp đặt các phiến đá dưới chân, gọi là tobi-ishi, là quan trọng nhất, không chỉ vì vẻ đẹp của khuôn vườn mà còn có tính thực dụng nữa.
Phụ gia quan trọng tiếp sau trong vườn trà là tsukubai. Tsukubai đặt gần trà thất, gồm có chozu-bachi hoặc là chum đá đựng nước rửa tay, và nhiều phiến đá đặt bên cạnh chum. Cây đèn đá cũng không thể thiếu được trong vườn trà.
Vườn bằng, gọi là hira-niwa,được bố trí cho loại danh tạo shoin,và phải được ngồi trong sảnh thất mà ngắm ra. Có thể thấy những mẫu đẹp ở các khu vườn nhà Hojo ở chùa Daitoku và chùa Nanzen.
Vườn cảnh tản bộ là loại vườn rộng lớn nhất và tinh tế nhất trong các loại vườn Nhật Bản, bước phát triển cao nhất của loại vườn này đã đạt được vào thời Yedo. Phần lớn loại vườn này được bó trí cho dinh thất của các chúa phong kiến.
Trong vườn cảnh tản bộ, hồ nước chiếm khu vực chính, giữa hồ có một đảo nhỏ thường được gọi là Horaijima, nghĩa là đảo Bồng lai. Vườn và đảo đã từng có một lịch sử lâu đời trong hoa viên Nhật Bản.
Hơn nữa, lối đi trong vườn của vườn tản bộ được bố trí xuyên qua các gò cây đắp ven hồ. Đó là những nét chủ yếu của các vườn cảnh to lớn trong thời Yedo. Khi bố trí những khu vườn rộng lớn như vậy, nhiều loại thạch khối khác nhau được lấy từ những nơi xa đem về, và những loại cây hiếm được đem từ những vườn khác nhau về trồng. Phải thu thập nhiều loại gỗ để dựng cổng. Nhiều danh thắng được sao chép và những phong cảnh nổi tiếng mô phỏng của Trung Hoa được những chúa phong kiến quan tâm đến văn học phong cảnh Trung Hoa rất ưa chuộng. Đó là những nét đặc trưng của vườn tản bộ thời Yedo.
Tư tưởng về trà lễ có quan hệ mật thiết với sự phát triển của vườn cảnh tản bộ.
Kobori Inshu, bậc thầy nổi tiếng nhất về trà lễ, là nhà tạo tác vườn cảnh tản bộ lừng danh nhất thời Yedo. Ở nhiều điểm trong khu vườn của ông, vườn cảnh thiên nhiên khác nhau được sao chép lại, kết hợp với trà thất,khiến cho mọi người, khi bước chân trên lối đi trong vườn dẫn đến trà thất, có thể vui thú với những cảnh thay đổi trong khu vườn.
Phong cách hoa viên của ông đã trở thành mẫu mực cho loại vườn tản bộ thời Yedo, trong đó hoa viên ở biệt điện Hoàng gia Katsura là kiệt tác của ông.
Ở Tokyo còn hai hoa viên nổi tiếng được bố cục cho dinh thự của các chúa phong kiến. Một khu gọi là vườn Iwasaki và khu kia gọi là Koraku.
Vườn Rikugi toạ lạc ở Fujimae-ho, Hongo, Tokyo. Khu vườn nguyên thuỷ được tạo tác ở thời đại Genroku (1688-1703) làm dinh thự cho Yanagisawa Yoshiyasu, chúa phong kiến ở Kawagoe, nhưng nay thuộc sở hữu của Nam tước Iwasaki và làm dinh thự của ông.
Vườn Rukigi rộng khoảng hơn 9 hecta là mẫu đẹp nhất trong các loại hoa viên của chúa phong kiến ở Yedo (Tokyo). Một nét đặc biệt của khu vườn là khoảnh hồ nước nên thơ trải rộng ra, quanh hồ được tô điểm thêm những thạch khối, những khóm bụi, những lùm cây nhiều loại. Những thứ đó kết hợp hài hoà với nhau tạo nên một vườn cảnh trông thật tú lệ.
Bước vào khu vườn, ta bị quyến rũ ngay bởi vẻ đẹp của bãi cỏ rộng trước mắt, ở đây có hai cây thông già đường bệ đứng chống trên trục, tỏa rộng cành lá oai nghiêm ra mọi phía.
Khu vườn được tạo lập thật khéo, làm cho ta có thể dạo chơi quanh hồ, leo lên gò, cứ mỗi bước chân qua chỗ này chỗ nọ lại được ngăn những cảnh vật thay đổi vui mắt. Trên lối dạo, lại thấy những lùm cây kỳ dị và những trà thất nép mình dưới tán cây. Rồi ta lại gặp một quả gò, nhỏ thôi, nhưng cao nhất trong khu vườn. Từ trên đỉnh gò, có thể nhìn bao quát khắp cả khu vườn. Ta cảm thấy hầu như tách ra khỏi thế gian, như thể đang ở một nơi xa đô thị. Xuống chân gò là ta đã đứng ở mé bên kia hồ. Về mùa thu, hàng trăm vịt trời đến chơi ít bữa trên hồ nước. Trong đám rừng rậm, chim trĩ đến xây tổ quanh năm. Đi tiếp dọc bờ hồ, ta đến một chiếc cầu bước vào đảo Bồng Lai. Trên đảo trồng thông già, biểu tượng cho cuộc sống trường thọ, và những đá khối đem về từ những nơi xa xôi có đá hoa viên nổi bóng. Hòn đảo quả thật là trái tim của khu vườn.
Vườn Koraku, một thí dụ tiêu biểu khác của vườn cảnh tản bộ thời Yedo, toạ lạc trong khu Công binh xưởng Tokyo ở Koishikawa. Nguyên thuỷ khu vườn được một người tạo tác hoa viên tên là Tokudaiji Sahei dựng lập, dưói dự điều khiển của Yorifusa và Mitsukuni, các lãnh chúa của thị tộc Mito, vào giữa thế kỷ 17.
Khu vườn được đặc trưng bởi những nét Trung Hoa trong cách bố trí và kiểu xây dựng. Bước qua cổng Đường môn vào khu vườn là ta leo ngay lên một quả gò rậm cây như thể men theo con đường độc đạo lên núi Kiso. Xuống bên kia chân gò là một cảnh hồ rộng trải ra trước mắt. Giữa hồ là đảo Bồng Lai. Trên bờ nam đảo, dựng một khối đá đồ sộ như muốn cuốn hút tâm trí ta đến đảo. Đoạn, băng qua sông Tatsuta chảy dọc một khu vườn thích, ta đến một lùm cây sơn dã, bên trong dựng tượng Saigyo, nhà thơ - nhà sư Nhật Bản nổi tiếng. Đi tiếp nữa, trước mắt ta là một cảnh thoáng rộng và ta đến cầu "Nguyệt quá Kiều". Quanh đây ta có thể ngắm nhìn những cảnh thu nhỏ của núi Arashiyama ở Kyoto, và cả cảnh Tây Hồ nổi tiếng ở Trung Quốc. Từ đây lại đi lên những gò đồi thu nhỏ, thể hiện những cảnh quan Trung Hoa và Nhật Bản, rồi bước qua một nhịp cầu sơn đỏ "Cầu lên trời" để đến "Toà Nhân Đức đường", trong đó đặt hai pho tượng thánh hiền Trung Hoa bằng gỗ. Đi tiếp ta lại ngắm thêm được nhiều cảnh đẹp khác nhau. Đi một vòng khắp vườn mất khoảng một tiếng.