Temari là tên gọi của các quả cầu rực rỡ được trang trí đủ màu, làm từ sợi, len, vải và có tiếng kêu leng keng của chiếc lục lạc nếu bạn khẽ chạm vào chúng. Temari rất phổ biến ở Nhật và là một loại hình nghệ thuật dân gian được kính trọng trong mọi tầng lớp.



Người ta có thể dùng Temari như đồ trang trí trong gia đình hoặc quà tặng vì mỗi quả cầu Temari chính là một tác phẩm nghệ thuật được làm bằng tay hoàn toàn.
Người ta còn gọi Temari là quả cầu tình yêu vì không thể làm một quả cầu Temari đẹp nếu không dốc toàn bộ tâm trí và tình cảm của mình vào đó và bạn không thể cắt bỏ bất kì một công đoạn nào trong suốt quá trình làm Temari.


Lịch sử hình thành Temari




Không ai biết từ bao giờ và làm cách nào người ta tạo ra Temari (Temari có nghĩa là “cuộn bằng tay”).

Người ta cho rằng phương pháp tạo ra Temari được bắt nguồn từ Trung Quốc vào thời kỳ Nara. Một số tài liệu cho rằng khi các tín đồ đạo phật di chuyển về phía đông, bắt đầu từ Ấn Độ, qua Trung Quốc, Hàn Quốc tới Nhật Bản, họ mang theo không chỉ là niềm tin tôn giáo mà còn có cả những nét văn hóa truyền thống. Và nghề thủ công làm Temari (Temari được làm dựa trên các đường khâu trên nền một cuộn len nhiều lớp) cũng được cho là bắt nguồn từ một trò chơi của Trung Quốc (trò kemari – một trò chơi gần giống với bóng đá) từ 1400 năm trước.

Ban đầu thì nghệ thuật làm Temari rất đơn giản. Nó có thể được nhồi lông ngựa hoặc bọc da thuộc bao quanh một khung bằng tre rồi bơm khí vào trong và chỉ được dùng làm bóng để đá cho tầng lớp quý tộc. Tại thời điểm đó, các phụ nữ và tiểu thư quý tộc bắt đầu làm các quả cầu Temari bằng sợi và chỉ tơ cao cấp để tạo thành các quả cầu được trang trí lộng lẫy.




Họ thi xem ai làm được quả cầu có màu sắc và tinh xảo nhất. Những quả cầu đó được dùng để chơi trò tung hứng, chơi chuyền hay đơn giản là đồ trang trí. Cuối thời Heian (Fujiwara) (năm 898-1185 sau công nguyên), nó được biết đến như Goten-Mari, rất được ưa thích bởi các tiểu thư con nhà quý tộc.

Tại sao Temari lại có hình dạng quả cầu?




Có tài liệu cho rằng hình cầu là biểu tượng cho sự viên mãn theo quan niệm Trung Hoa cổ. Người ta cho rằng hình cầu giống như những viên ngọc được loài Rồng giữ chặt trong móng vuốt. Ở cửa trước của các tòa nhà cổ, đền thờ… người Trung Quốc thường đặt đôi Long, vuốt giữ ngọc.
Đến ngày nay, các dịp lễ tết đều có múa Rồng và múa Rồng luôn có một người múa những quả cầu rực rỡ đi trước dẫn đường.


Hình dạng quả cầu còn được xem là hoàn hảo bởi vì không chỉ loài Rồng – một trong tứ linh của người Trung Hoa mà cả Lân – tương đương sau Rồng cũng gắn liền với hình ảnh quả cầu và người ta thường đặt ở cửa sau một đôi Lân.
Cũng có ý kiến cho rằng Temari có hình cầu do bắt nguồn từ loại túi dạng cầu Hacky sack.
Sự phát triển của Temari



Temari được truyền từ đời này sang đời khác, từ mẹ truyền cho con gái. Dần dần nó mở rộng ra ở địa phương và trở nên phổ biến hơn ở những nơi mà người ta phát triển nó nhờ những kỹ thuật, và vẻ đẹp riêng của cách phối màu truyền thống. Ví dụ như các loại Edo-Temari, Kishu-Temari, Matsumoto-Temari, Kaga-Temari…. tùy theo vị trí địa lý và cách thiết kế. Suốt thời Meiji, các quả bóng cao su xuất hiện và sự phồn thịnh của Temari dần suy tàn.

Ngày nay, loại hình nghệ thuật dân gian Nhật Bản này được phục hồi và sáng tạo thêm nhiều mẫu mới. Càng ngày càng có những kỹ thuật tỉ mỉ và chất liệu tốt hơn. Temari trở nên rất phổ biến và ra đời các tổ chức chuyên nghiên cứu về Temari.

(sưu tầm)
================================================== ===