Chào các bạn, nhóm mình có 10 người sang Nhật làm việc theo dạng kỹ sư. Sau một năm làm việc có những điều mà mình thiết nghĩ hầu hết các bạn khác hiện đang làm việc tại Nhật cũng giống như anh em nhóm mình. Từ hôm nay xin được chia sẻ và mong nhận được chia sẻ của tất cả những "người cùng khổ" qua loạt bài viết của nhóm mình trong thời gian qua.


NHÌN LẠI MỘT NĂM SỐNG VÀ LÀM VIỆC TẠI NHẬT

時間が経つのは速いですね。

Thời gian trôi thật nhanh khi ta ngoái đầu nhìn quay lại, lẽ thưòng tình là người ta thường nghĩ đến những việc đã làm được trong quãng thời gian qua, những gì chưa làm được và sắp tới cần phải làm gì. Thời gian vẫn không ngừng trôi, chỉ có những dự định là vẫn còn đó.

“Nếu có tiền, bạn có thể mua được một chiếc đồng hồ
Nhưng bạn không thể mua được thời gian”
Hãy cùng ngồi lại bên nhau nhìn lại quãng thời gian sau một năm sống và làm việc trên đất nước có cái tên khá lãng mạn “Đất nứơc mặt trời mọc” xem chúng ta đã được gì, mất gì và cần phải làm gì nhé.
Những cái được:
1.Đi nhiều địa danh phía bắc Nhật bản, từ Koriyama đến Sapporo…
2.Tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của người Nhật - người dân tại một quốc gia được đánh giá thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Tiếp xúc trực tiếp và hiểu được cái gọi là tính cách Nhật bản: Nhỏ mọn, chi tiết, máy móc, sợ cấp trên một cách mù quáng…
3.Thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của Nhật như Sushi, Sashimi, Gyudon hay Ramen v.v…
4.Có cơ hội làm quen với âm nhạc hiện đại Nhật Bản.
5.Chiêm ngưỡng tận mắt sự tiên tiến và tiện lợi của hệ thống giao thông công cộng của Nhật: Đường cao tốc trên cao, tàu điện, tàu cao tốc (shinkansen), hệ thống tàu điện ngầm - một thế giới ngầm nhộn nhịp đến bất ngờ cho những ai lần đầu chứng kiến.
6.Ngạc nhiên thú vị khi được tiếp xúc với các thiết bị vệ sinh tại Nhật, sự sạch sẽ và tiện nghi tại các khi vệ sinh công cộng,
7.Thưởng thức cảm giác khoan khoái khi ngâm mình trong hệ thống onsen của Nhật, đây là một nét đặc trưng văn hoá Nhật Bản.
8.Hiểu được cảm giác thế nào là cái nóng 40oC của mùa hè, cái lạnh âm (–) 10oC của mùa đông Nhật bản, cảm giác khó tả khi lần đầu thấy tuyết rơi, biết được thế nào là tuyết dày 1-2m.
9.Được thưởng thức vẻ đẹp giản dị và sang trọng của hoa anh đào. Cảm nhận thú vị về sự di chuyển của làn sóng anh đào khi chuyển mùa. Dường như ở đâu mùa xuân ấm áp đến thay thế mùa đông giá lạnh thì ở đó màu hồng của anh đào nở thay thế màu trắng lạnh lẻo của tuyết. Một cảm nhận thú vị chỉ có ở xứ sở của hoa anh đào.
10.Làm quen với hệ thống bán lẻ tiện lợi tại Nhật như Shop 100 \, hệ thống convenience shop (combini), yamada denki, home center, workman shop, hệ thống recycle shop v.v…
11.Dù không như mong đợi xong với số tiền kiếm được cũng giúp giải quyết được phần nào vấn đề tài chính của chúng ta trong thời buổi vật giá leo thang khủng khiếp tại Việt nam.
12.Khả năng tiếng Nhật tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là ngôn ngữ chợ búa…kônồyarồ (#_0)

Với cái nhìn tích cực để thấy cuộc sống vẫn lạc quan, anh em hãy cố gắng lục tìm trong bộ nhớ xem còn được những gì khi sống và làm việc trên xứ sở nhiều động đất này nhé!

Những cái mất:
1.Mỗi chúng ta đều có một công việc và vị trí nhất định tại Việt nam, tuy không phải là những cá nhân ưu tú trong môi trường làm việc của mình, nhưng nhất quyết không phải là những kẻ vô công rồi nghề, thất nghiệp phải chạy qua Nhật để kiếm kế mưu sinh như mấy thằng đầu đất vẫn nghĩ khi chúng ta mới đến. Mỗi chúng ta đều có cái tôi và lòng tự trọng của riêng mình. Vậy mà từ khi đến mảnh đất này chúng ta đành phải chấp nhận hạ thấp, chôn vùi cái tôi của riêng mình. Không nói chắc ai trong anh em chúng ta cũng phải thừa nhận rằng khi chúng ta khi ra đi đã để lại quá nhiều kỳ vọng cho những người ở lại, đồng thời đã đánh đổi nhiều thứ đang có để được đến mảnh đất này, nên dù gì đi nữa cũng phải cố gắng chịu đựng và không thể ngay lập tức trở về khi chưa thu lượm được gì cho dù là những thứ nhỏ nhất, thêm nữa chúng ta cũng hiểu được câu nói “nhập gia thì phải tuỳ tục”, do vậy với tinh thần học hỏi, tôn trọng văn hoá của người bản xứ chúng ta càng phải che lại cái tôi của mình để cuộc sống và công việc được thoải mái và thuận lợi hơn. Đối với anh em tu nghiệp sinh, do phải thế chấp một khoản tiền quá lớn trước khi đi, nên anh em lại càng phải nhẫn nhục và chịu đựng nhiều hơn, mà không dám hé môi đòi hỏi hay ý kiến bất cứ điều gì. Cái tôi và lòng tự trọng có lẽ là cái mất lớn nhất trong những cái mất khi chúng ta đặt chân lên xứ sở hoa anh đào này.
2.Một công việc phù hợp hay chí ít gần gủi với trình độ được đào tạo tại Việt nam, để có thể tự học hỏi và nâng cấp trình độ chuyên môn nhằm phục vụ công việc sau khi trở về nước là mong đợi và kỳ vọng lớn nhất của tất cả anh em. Tuy nhiên đổi lại là sự thất vọng đến không thể thất vọng hơn, bản thân cảm thấy như bị xúc phạm nghề nghiệp, xúc phạm đến danh dự của một kẻ được mang mác kỹ sư Việt nam, được đào tạo chính qui sau 5 năm trên ghế giảng đường Đại học. Cái mất về sự hụt hẫng nghề nghiệp cũng khó mà tính toán nổi bằng tiền.
3.Sự khác biệt hoàn toàn về giờ giấc làm việc và cam kết trả lương ngoài giờ, các khoản thưởng, chế độ bảo lãnh thân nhân… so với hợp đồng của công ty tiếp nhận Nhật bản và quảng cáo của công ty môi giới, đã khiến chúng ta đã bất mãn lại càng bất mãn hơn. Chúng ta bị đối xử như những tên nô lệ khi mới đến, mặc dù làm việc một thời gian dài mà không có ngày nghỉ hoặc với số ít ngày nghỉ nhưng được sắp xếp như kiểu bố thí, mà không hề có quyền đòi hỏi hay được giải thích gì từ phía công ty tiếp nhận. Tuy thế, với tinh thần chịu khổ, chịu cực vì tất cả những gì chúng ta đã đánh đổi, vì lòng tự trọng của những người ngẩng cao đầu khi được đến một quốc gia đứng thứ hai thế giới, và vì chờ đợi một ngày mai tốt hơn khi có thể tự chủ trong công việc, chúng ta đã chịu đựng được một quãng đường khá dài cho đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên những người được gọi là đồng nghiệp Nhật Bản của chúng ta dường như không để ý đến điều này hoặc cố tình không cần hiểu và cho rằng chúng ta khiếp sợ, và buộc phải tuân theo mọi mệnh lệnh cả trong cuộc sống lẫn công việc nếu như không muốn bị “KUBI”. Thật trớ trêu thay!

Mặc dù vậy, sau một năm cố gắng, cần cù cày bừa như những chú ngựa hoang đã được thuần dưỡng, và thể hiện cho người Nhật thấy chúng ta không phải là những kẻ đầu đất, vai ù thịt bắp, thiên lôi chỉ đâu đánh đó. Và dường như họ đã có cách nhìn nhận và đối xử tích cực hơn, khác hẳn so với khi chúng ta mới đến. Chúng ta đánh giá cao tinh thần hợp tác và thái độ tích cực của họ, nhưng như thế vẫn là quá ít so với những gì chúng ta đã chịu đựng trong thời gian qua.

Một năm đã trôi qua, nhìn lại tương quan giữa những cái được và cái - tạm gọi là mất - để thấy được giá trị của những gì chúng ta đã bỏ lại khi quyết định thực hiện chuyến đi này. Chắc có lẽ sẽ có người hài lòng, song cũng có nhiều anh em cảm thấy mất quá nhiều mà được chẳng bao nhiêu. Một năm là thời khoảng thời gian đủ để chúng ta nhìn nhận lại công việc chúng ta đang làm, nhìn nhận lại những gì chúng ta đã cố gắng, và những quyền lợi chính đáng nghiễm nhiên chúng ta phải được hưởng mà thời gian qua chúng ta không dám lên tiếng.

Vậy nên, với tất cả những thông tin có được, với tất cả những gì chúng ta đã cố gắng trong thời gian qua, và vì tất cả những quyền lợi chính đáng mà chúng ta phải được hưởng, chúng ta đủ tự tin để đề cập đến việc yêu cầu công ty tiếp nhận Nhật bản xem xét lại quyền lợi và chính sách đối với người lao động Việt nam chúng ta. Vì quyền lợi của mỗi chúng ta, đã đến lúc cần phải nói lên tiếng nói của chính mình. Hãy tự vận động để giải thoát bản thân mình chứ đừng chờ đợi một sự giúp đỡ từ bên ngoài. Xin hãy chia sẻ và cùng hành động nhé. Chúc cho sự đoàn kết của chúng ta tạo nên sức mạnh để nói lên tiếng nói từ chính cái tôi của mình, thứ mà lâu nay chúng ta đã phải kìm nén, chịu đựng.
Xin để lại dòng suy nghĩ trong phần lời bình, mọi cảm xúc đồng cảm hay phản đối cũng xin được để lại. Đây được xem như là bằng chứng về sự đoàn kết, chung một tiếng nói của tập thể anh em chúng ta. Chúc mọi người sức khoẻ và thành công.